Chuyên gia thủy sản: 'Phóng sinh cá chim trắng ra sông Hồng phản cảm cả khoa học và tâm linh'

Thời sựThứ Bảy, 11/02/2017 07:26:00 +07:00

"Làm phóng sinh không phải số lượng nhiều mà có lộc nhiều, mình thả gì xuống phải nghiên cứu nếu không sẽ phản cảm cả về khoa học lẫn tâm linh", TS. Bùi Quang Tề nhận định.

Liên quan đến việc người dân phóng sinh cá chim trắng xuống sông Hồng ở cửa đình Bát Tràng (xã Bát Tràng - Gia Lâm - Hà Nội) vào sáng 5/2 (mùng 9 tháng Giêng) sẽ gây nguy hiểm đến môi trường thủy sản tự nhiên, PV VTC News đã có những trao đổi với Tiến sĩ Bùi Quang Tề, nguyên Trưởng phòng Sinh học Thực nghiệm, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I về vấn đề này.

Video: Phóng sinh hàng tấn cá chim trắng xuống sông Hồng: Hiểm họa khôn lường

- Nhiều người lo ngại rằng cá chim trắng khi thả ra môi trường tự nhiên lại gây hại cho những sinh vật thủy sản khác. Ông có thể phân tích kỹ hơn về mối lo ngại này?

Con cá chim trắng nó là sinh vật ngoại lai. Xuất xứ của nó là từ Nam Mỹ. Ban đầu, cá được nhập về Trung Quốc để thuần hóa, năm 2003 Việt Nam lại nhập về bắt đầu nuôi.

Đặc điểm con cá này rất phàm ăn, thức ăn của nó là ăn tạp thiên về động vật. Nó có thể ăn thức ăn riêng động vật. Nếu nuôi chung với cá khác, nếu đói chúng có thể tấn công cá khác, kể cả là con của chúng. Con cá này sống ở xứ nhiệt đới nên là không chịu được lạnh. Nếu nhiệt độ xuống khoảng 12 độ nó có thể chết, 15 độ nó dừng ăn và 18 độ nó bắt đầu kiếm ăn.

Nhưng con này nếu mà xổng ra ngoài tự nhiên, nó phát triển và sẽ lấn át các loài khác. Tức là chúng sẽ ăn thịt những sinh vật nhỏ hơn dưới nước và gây ra việc mất cân bằng loài thủy sản trong môi trường tự nhiên.

z300_thuy_san_viet_nam2053_2110_mndf

 Tiến sĩ Bùi Quang Tề: Chuyên gia hàng đầu về Thủy sản

Con cá này tương đối nhanh lớn, nuôi rất tốt và thịt nó cũng tương đối ngon. Bởi vậy, người Trung Quốc muốn nuôi theo hình thức thương phẩm. Việt Nam đã nhập cá chim trắng từ Trung Quốc về nuôi từ năm 2003 và cũng đã cho sinh sản nhân tạo. Thế nhưng mới đây, Bộ Tài nguyên Môi trường đã đề nghị đây là sinh vật ngoại lai nguy hiểm, nếu có nuôi thì phải bảo quản không để nó xổng ra ngoài môi trường tự nhiên.

- Bộ Tài nguyên Môi trường chỉ đưa ra khuyến cáo hay có quy định cụ thể nào về việc không được thả cá chím trắng ra môi trường? Nếu có, việc thả theo hình thức phóng sinh có bị coi là vi phạm quy định?

Phóng sinh cá chim trắng ra môi trường là sai. Theo tôi nhớ không nhầm thì công văn quy định vấn đề này có từ năm 2008. Nói chung nếu con này ra ngoài tự nhiên nó sẽ phát triển và lấn át các loài cá khác. Giống như cá trê, nó sẽ ăn thịt các loài cá khác. Tôi thấy, hình như có thả cả cá trê xuống.

Tôi cho rằng về cái ý thì tốt khi làm không cẩn thận thì lại phản cảm. Chưa ai kiểm tra xem con này nó có mang bệnh gì không. Cái phóng sinh thì tốt nhưng phóng sinh lỡ đâu cá lại mang nguồn bệnh ra ngoài môi trường thì sao? 

- Có người cho rằng, việc thả cá chim trắng với số lượng chưa phải là nhiều, lại mang yếu tố tâm linh nên không đến mức ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên. Chúng ta đang quá khắt khe với nhu cầu tâm linh của người dân. Quan điểm của ông về ý kiến này thế nào?

20170205122326-9

Nhiều hình ảnh ghi lại người dân phóng sinh cá chim trắng ra môi trường. 

Bộ Tài nguyên môi trường đã có quy định là nuôi phải đảm bảo không cho xổng ra môi trường tự nhiên nên việc thả nhiều hay ít vẫn là vi phạm quy định này. Về luật là sai rồi. Anh thả ra sông Hồng tức là tự nhiên. Còn nuôi thì vẫn cho phép nhưng phải bảo quản được.

Làm phóng sinh không phải số lượng nhiều mà có lộc nhiều. Mình thả gì xuống phải nghiên cứu. Ở đây, thả hàng chục tấn cá mà chẳng đâu vào đâu cả. Ý thì tốt nhưng không cẩn thận là phản cảm. Thả phải để các nhà khoa học, nhà chuyên môn người ta giúp cho.

 
Làm phóng sinh không phải số lượng nhiều mà có lộc nhiều. Ở đây, thả hàng chục tấn cá mà chẳng đâu vào đâu cả. Ý thì tốt nhưng không cẩn thận là phản cảm.

TS. Bùi Quang Tề

Theo tôi, từ 8 đến 10 tấn cá trị giá cá nhỏ ít nhất là 5 đến 6 ngàn đồng một kg. Nhân lên cỡ khoảng nửa tỷ đấy chứ có ít đâu. Nếu thả nửa tỷ tiền cá mà đưa ra hướng chính đáng thì quá tốt.

Nếu làm tốt, vừa lợi ích cho khoa học, vừa lợi ích cho đất nước vừa làm mọi người thoải mái về tinh thần. Không phải các nhà tâm linh, các nhà tôn giáo cứ cho nhiều tiền, thả nhiều cá là lộc. Suy nghĩ thế là phản cảm cả về khoa học lẫn tâm linh.

- Ở trên ông có phân tích, cá chim trắng không sống được trong môi trường lạnh dưới 12 độ. Hà Nội đang trong những ngày thời tiết lạnh giá, lại được dự báo là sắp có đợt giá rét sốc nhiệt. Liệu số cá thả xuống sông Hồng có chết và gây ô nhiễm môi trường?

Cũng có khả năng đó xảy ra và đã lãng phí rồi càng gây lãng phí hơn. Tôi nói nó phản cảm là ở chỗ đó. Trong trường hợp không nhiễm bệnh, nếu lạnh nó có thể theo dòng di cư vào phía Nam ấm hơn.

Bất kể một loài cá nào khi đem ra ngoài tự nhiên người ta đều phải kiểm tra về bệnh. Ví dụ chúng tôi gọi là thả giống để tái tạo nguồn lợi thủy sản tự nhiên. Cái này là Bộ thủy sản ngày xưa và bây giờ là Tổng cục thủy sản hàng năm có tiến hành.

Thường ngày truyền thống ngành Thủy sản (1/4) chúng tôi hay thả những giống quý hiếm xuống để tái tạo nguồn lợi. Ví dụ ở Hà Nội, mỗi năm thả hàng bao nhiêu vạn con ra sông Hồng như cá chép, cá mè, cá trôi, cá trắm để tái tạo nguồn lợi thì được. Hoặc trên Tuyên Quang họ thả cá anh vũ, cá dầm xanh, cá lăng... thì quá tốt.

Ở Kiên Giang có khi thả đến 50 vạn con Tôm xú để làm tái tạo nguồn lợi cho biển. Nhưng những cái đó người ta đều làm có kiểm soát. Tức là phải nghiên cứu, tính toán trước khi thả ra môi trường.

- Xin cảm ơn ông!

Đọc thêm: Phóng sinh cá chim trắng xuống sông Hồng: Nhiều cơ quan chức năng vào cuộc

Video: Kỳ lạ cá phóng sinh nhất định quay đầu về với chủ

Kim Thược
Bình luận
vtcnews.vn