Chuyên gia: Tập đoàn kinh tế nhà nước là 'quả đấm thép', nhưng đấm được ai?

Kinh tếThứ Ba, 26/02/2019 16:57:00 +07:00

GS.TS Nguyễn Kế Tuấn (Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội) đặt câu hỏi như vậy khi bàn về tính hiệu quả của các tập đoàn kinh tế nhà nước.

Chia sẻ tại toạ đàm “Quan điểm, chủ trương, giải pháp phát triển kinh tế bền vững, sáng tạo, bao trùm” do Hội đồng Lý luận trung ương phối hợp với Trường đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội tổ chức sáng 26/2, GS.TS Nguyễn Kế Tuấn nói vai trò của các tập đoàn kinh tế nhà nước đến nay vẫn là vấn đề mang tính thời sự.

A

 GS.TS Nguyễn Kế Tuấn cho rằng hoạt động của một số tập đoàn kinh tế nhà nước tạo nên "gánh nặng và mối lo ngại của cả xã hội". 

Theo GS.TS Kế Tuấn, các tập đoàn kinh tế nhà nước đang giữ vai trò quan trọng vì nắm nguồn lực lớn trong những ngành, lĩnh vực trọng yếu. Nếu phát triển tốt sẽ góp phần tích cực vào thúc đẩy phát triển đất nước theo yêu cầu bền vững, sáng tạo, bao trùm. Ngược lại, khi các tập đoàn này gặp vấn đề sẽ tác động tiêu cực tới toàn bộ nền kinh tế.

Ông Tuấn cho rằng các tập đoàn kinh tế nhà nước trong thời gian qua tuy có đóng góp vào tăng trưởng, cung cấp hàng hoá và dịch vụ, nộp ngân sách nhà nước nhưng đang gặp nhiều hạn chế. Kết quả và hiệu quả thấp kém so với nguồn lực và ưu đãi, thậm chí lãng phí thất thoát tài sản nhà nước, nợ nần cao, tác động đến gia tăng nợ công, nợ quốc gia…

Dẫn chứng Vinashin thất thoát hơn 100 nghìn tỷ đồng dù có hàng loạt ưu đãi hay thua lỗ và nợ lớn tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam (nợ đến 2017 là 487.000 tỷ đồng), Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (nợ 100.729 tỷ đồng),Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (nợ 338.580 tỷ đồng)… ông Tuấn cho rằng mục tiêu khi thành lập các tập đoàn kinh tế nhà nước đã không đạt như kỳ vọng.

 
Các tập đoàn kinh tế nhà nước không đạt được mục tiêu, kỳ vọng. Thậm chí một số hoạt động của chúng còn tạo nên gánh nặng và mối lo ngại của cả xã hội… Tôi rất dị ứng với việc coi đây là những “quả đấm thép”.

GS.TS Nguyễn Kế Tuấn

“Các tập đoàn kinh tế nhà nước không đạt được mục tiêu, kỳ vọng. Thậm chí một số hoạt động của chúng còn tạo nên gánh nặng và mối lo ngại của cả xã hội… Tôi rất dị ứng với việc coi đây là những “quả đấm thép”. Đấm ai trong thời đại này và chúng ta có đủ sức đấm không hay đề cao quá mức... Đôi khi tôi đặt giả thiết, không có tập đoàn kinh tế nhà nước liệu có những Đinh La Thăng, Dương Chí Dũng không?”, ông Tuấn nói.

Dù nhìn nhận mục tiêu đạt được còn thấp và chưa đồng đều nhưng theo GS.TS Nguyễn Kế Tuấn, bức tranh tổng thế các tập đoàn kinh tế nhà nước cũng có có những điểm sáng trong đó Viettel là điểm sáng rõ nhất.

Để khắc phục tình trạng yếu kém của các tập đoàn kinh tế nhà nước, ông Tuấn đề xuất sắp xếp lại hệ thống các tập đoàn hiện có, lọc bỏ các doanh nghiệp không thuộc lĩnh vực then chốt, thiết yếu, nhường trận địa lại cho các thành phần kinh tế khác. Cùng đó, rà soát, điều chỉnh, bổ sung chiến lược phát triển của mỗi tập đoàn kinh tế nhà nước; hoàn thiện quản trị nội bộ; đề cao trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và tăng cường đầu tư cho R&D.

Thừa nhận một số doanh nghiệp nhà nước kinh doanh chưa hiệu quả nhưng ông Ông Đào Đình Thi – Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Bảo Việt cho rằng cần có cái nhìn tổng thể và khách quan khi đánh giá vai trò của các tập đoàn kinh tế nhà nước. Trong đó không chỉ dựa vào doanh thu và lợi nhuận mà cần căn cứ cả chỉ tiêu giải quyết công ăn việc làm cho người lao động, đóng góp bao nhiêu vào ngân sách, tỷ lệ chi cho bảo vệ môi trường…

GS.TSKH Lê Du Phong, Hội cựu giáo chức trường Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng hiện nay một số tập đoàn kinh tế nhà nước lớn đã được xây dựng và có vai trò rất quan trọng trong một số lĩnh vực hoạt động thiết yếu của nền kinh tế. Cơ chế tổ chức, quản lý của các tập đoàn này ngày càng được hoàn thiện theo các chuẩn mực quốc tế. Hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều tập đoàn đã dần đi vào ổn định và có hiệu quả., một số tập đoàn đã vươn ra khu vực và thế giới.

Tuy nhiên, các tập đoàn kinh tế nhà nước hoạt động trên những lĩnh vực then chốt của nền kinh tế, được nhà nước đầu tư mọi thứ, và đầu tư rất lớn, được ưu tiên về nhiều phương diện... nhưng hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh mang lại thấp, có tập đoàn còn bị lỗ nặng, nợ phải trả của một số tập đoàn khá cao.

Đặc biệt tính minh bạch trong quản lý của các tập đoàn còn hạn chế, tình trạng lãng phí, thất thoát, tham nhũng (tài sản và tiền của) còn diễn ra khá nghiêm trọng ở một số tập đoàn.

Để khắc phục những hạn chế trên, ông Phong cho rằng cần đẩy nhanh việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về kinh tế theo hướng đầy đủ, đồng bộ, rõ ràng, minh bạch, chặt chẽ và hội nhập quốc tế, nhằm tạo ra môi trường pháp lý thực sự thuận lợi cho mọi thành phần kinh tế, nhất là cho các tập đoàn kinh tế hoạt động và cạnh tranh bình đẳng trên thị trường.

Rà soát và kiên quyết loại bỏ các điều kiện, các thủ tục hành chính gây ra sự nhiêu khê, phiền hà, nhũng nhiễu đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nói chung, các tập đoàn kinh tế nói riêng.

Đặc biệt, trả lại cho các tập đoàn kinh tế nhà nước vai trò đích thực của nó, đó là một doanh nghiệp, tức là mạnh dạn xóa bỏ bộ chủ quản, cơ quan chủ quản đối với các tập đoàn kinh tế nhà nước. Chuyển sang hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm và ông nên đưa công chức nhà nước về làm lãnh đạo mà nên tuyển chọn thông qua thi cử, sau đó là hợp đồng thuê một cách rõ ràng, minh bạch có thể cả người nước ngoài.

"Cũng nên tách trách nhiệm xã hội ra khỏi chức năng, nhiệm vụ của của các tập đoàn kinh tế nhà nước. Khi nhà nước cần các tập đoàn này tham gia vào một hoạt động xã hội nào đó, nhà nước phải có hợp đồng thuê mướn rõ ràng, chi trả sòng phẳng", giáo sư Lê Du Phong nói.

Hoàng Hưng
Bình luận
vtcnews.vn