Chuyên gia nhận định đáng sợ: Virus corona ‘ẩn nấp hàng thập kỷ, thích nghi để lây cho con người'

Thời sự quốc tếThứ Bảy, 25/01/2020 12:45:04 +07:00
(VTC News) -

Chủng coronavirus mới có thể "ẩn nấp" trong động vật nhiều thập kỷ và thích nghi lây bệnh con người, Jeremy Farrar, chuyên gia nổi tiếng về dịch bệnh truyền nhiễm nhận định.

Giới chức trách cho biết căn bệnh đang làm bùng phát dịch ở Vũ Hán, Trung Quốc bắt nguồn từ động vật, giống như virus SARS, HIV và Ebola. Tâm điểm chú ý là chợ thực phẩm ở Vũ Hán, nơi có nhiều loài động vật hoang dã như các loài gặm nhấm và dơi bị giết thịt và bán ở môi trường ẩm ướt, cũng là nơi khách du lịch đổ xô đến để trải nghiệm.

Theo chuyên gia, các virus, bao gồm chủng mà những loại động vật mang theo, liên tục thay đổi và theo thời gian có thể trở nên đủ mạnh để lây nhiễm sang người. Những người chạm vào chất dịch cơ thể động vật bị nhiễm bệnh, chẳng hạn như nước bọt, có nguy cơ bị nhiễm virus. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ chính xác làm thế nào coronavirus mới bắt đầu xuất hiện hoặc được lan truyền.

Chuyên gia nhận định đáng sợ: Virus corona ‘ẩn nấp hàng thập kỷ, thích nghi để lây cho con người' - 1

Jeremy Farrar, chuyên gia nổi tiếng về dịch bệnh truyền nhiễm, cho biết loại coronavirus mới của Trung Quốc có thể đã ẩn nấp trong nhiều thập kỷ. (Ảnh minh họa)

Ông khẳng định đây không phải là một loại virus hoàn toàn mới, dù các nhà khoa học vẫn chưa xác định được “mầm mống” thực sự của nó. Theo Jeremy, virus có thể đã lan truyền hàng năm hoặc thậm chí hàng chục năm giữa động vật ở Trung Quốc, châu Á, trước khi truyền sang người.

Chợ bán buôn hải sản Huanan đã đóng cửa để kiểm tra, sau khi phần lớn bệnh nhân nhiễm bệnh đã làm việc hoặc đến thăm nơi đó. Đến nay, nhiều chuyên gia và nhà khoa học khá chắn chắn vào khả năng virus đến từ động vật.

Giáo sư Paul Hunter, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học East Anglia, cho biết coronavirus này "gần như chắc chắn" đến từ động vật. Ông nói người dân ở Trung Quốc tiếp xúc gần gũi với động vật hoang dã hơn so với những người trong xã hội phương Tây vì chế độ ăn uống của họ rất đa dạng.

"Đặc biệt với Trung Quốc, có mối liên hệ chặt chẽ hơn giữa động vật và loại động vật mà con người tiêu thụ", giáo sư Hunter nói. "Khi mọi người đi chợ mua gà, nó thường vẫn còn sống."

Môi trường như chợ có nhiều loại động vật cũng khiến con vật mang virus bị “ẩn” đi, cho phép virus thích nghi hơn.

Các nhà khoa học vẫn đang cố gắng tìm hiểu cách thức mà chủng virus mới tấn công vật chủ thế nào và mức độ nguy hiểm của nó.

 

 

Phương Anh(Nguồn: Daily Mail)
Bình luận
vtcnews.vn