Chuyên gia ngoại giao: Tổng Bí thư thăm Mỹ hoàn tất chặng đường 20 năm hàn gắn quan hệ Việt - Mỹ

Thế giớiThứ Hai, 29/06/2015 02:09:00 +07:00

Chuyên gia quan hệ quốc tế, PGS. TS Nguyễn Hồng Thao phân tích về những vấn đề xung quanh chuyến thăm lịch sử của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Mỹ sắp tới.

(VTC News) – Chuyên gia quan hệ quốc tế, PGS.TS Nguyễn Hồng Thao phân tích về những vấn đề xung quanh chuyến thăm lịch sử của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Mỹ đầu tháng 7 tới.

Trước chuyến thăm Mỹ của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vào đầu tháng 7 tới, Báo điện tử VTC News phỏng vấn PGS. TS Nguyễn Hồng Thao của Học viện Ngoại giao và Đại học quốc gia Hà Nội về vấn đề này.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry khi ông sang thăm Việt Nam vào tháng 12/2013 
Nhận định về chuyến thăm lịch sử này, Tiến sỹ Nguyễn Hồng Thao cho rằng: “Điều này thể hiện vị thế của Việt Nam đang lên trong khu vực và tính đúng đắn của chính sách làm bạn với tất cả trên cơ sở tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không xâm phạm vào công việc nội bộ của nhau”.

- Chuyến thăm Mỹ sắp tới của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có gì đáng chú ý, thưa Tiến sỹ?

Chuyến thăm Mỹ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào tháng 7 tới đã được nhiều học giả bình luận như một “biểu tượng” hàn gắn quan hệ giữa “hai cựu thù”. Các ý kiến đã khá phong  phú. Tôi chỉ xin góp thêm một vài nét chấm phá bên ngoài.
PGS.TS Nguyễn Hồng Thao trong một lần giao lưu trực tuyến tại VTC News 
Chuyến thăm đúng là biểu tượng vì đây là hoạt động hoàn tất cuối cùng của cả chặng đường 20 năm hàn gắn và phát triển quan hệ Việt Mỹ.

Phía Mỹ đã có hai đời Tổng thống thăm Việt Nam, Bill Clinton 2000 và G.W.Bush năm 2006.

Thủ tướng Phan Văn Khải năm 2005, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng năm 2008, Chủ tịch Trần Đức Lương năm 2000, Chủ tịch Nguyễn Minh Triết năm 2007, Chủ tịch Trương Tấn Sang năm 2013 đã tới Mỹ, mỗi chuyến thăm đều nâng quan hệ giữa hai quốc gia lên tầm cao mới.
Song đây là lần đầu tiên người lãnh đạo cao nhất của phía Việt Nam, của Đảng Cộng sản Việt Nam thăm Mỹ.

Hai nước với chế độ chính trị khác nhau, đã bước qua các rào cản, xây dựng một quan hệ vì lợi ích chung của hai nước và an ninh trong khu vực, cung cấp những kinh nghiệm quý báu về giải quyết các bất đồng trong quan hệ quốc tế bằng đồng nỗ lực “khép lại quá khứ hướng đến tương lai”.
Điều này cũng thể hiện thành công của đối ngoạiViệt Nam thực hiện phương châm của Chủ tịch Hồ Chí Minh “biến đại sự thành trung sự, trung sự thành tiểu sự, tiểu sự thành vô sự”, đã biến điều không thể thành có thể.

 

Điều này thể hiện vị thế của Việt Nam đang lên trong khu vực.
PGS. TS Nguyễn Hồng Thao
 
- Tổng Bí thư thăm Mỹ trước chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, có gì đáng chú ý về việc này?

Chuyến thăm rất đúng thời điểm, không phải vì vào dịp kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ, mà nhìn từ tương quan lực lượng và tình hình biến đổi ở châu Á - Thái Bình Dương và quốc tế.

Về chính trị, chưa bao giờ Tổng Bí thư Việt Nam lại được chào đón ở cả Bắc Kinh và Washington trong một thời gian rất ngắn, ba tháng.

Điều này thể hiện vị thế của Việt Nam đang lên trong khu vực và tính đúng đắn của chính sách làm bạn với tất cả trên cơ sở tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không xâm phạm vào công việc nội bộ của nhau.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng thống Barack Obama trong cuộc gặp ngày 13/1/2014 bên lề EAS 
Chuyến thăm Mỹ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng diễn ra trước chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Tập Cận Bình vào tháng 9/2015.

Theo một số thông tin báo chí, Tổng thống Obama cũng có ý định thăm Việt Nam vào cuối năm và Trung Quốc cũng đang có ý định thu xếp một cuộc gặp cấp cao tại Hà Nội trong năm nay.

Chuyến thăm diễn ra ngay sau khi có Đối thoại chính trị và kinh tế Trung - Mỹ tháng 6/2015 cho thấy vị thế của Việt Nam nằm ở đâu trong chiến lược của các nước lớn và Việt Nam có cơ hội thể hiện quan điểm của mình đối với các vấn đề của thế giới trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Video Tổng thống Mỹ yêu cầu Trung Quốc ngừng cải tạo đảo trái phép

Về kinh tế, chuyến thăm diễn ra ngay sau thời điểm Nghị viện Mỹ trao quyền đàm phán nhanh cho Tổng thống Obama, mở ra cơ hội kết thúc đàm phán TPP màViệt Nam được đánh giá là một trong những bên hưởng lợi. Nếu chuyến thăm được dự tính vào tháng 6/2015 thì kết quả sẽ ít nhiều ảnh hưởng.

- 2015 là thời điểm tròn 20 năm quan hệ Việt – Mỹ, trên góc độ ngoại giao, hai nước đã làm được những gì trong thời gian qua, thưa ông?

Về chính trị, ngày 11/7/1995 sau 20 năm hai nước đã bình thường hóa quan hệ. Hai nước càng ngày càng có nhiều điểm đồng thuận trên các diễn đàn quốc tế như Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc (nhất là giai đoạn Việt Nam là thành viên không thường trực 2007-2009), hai bên đã tiến tới xây dựng quan hệ đối tác hợp tác toàn diện trong tất cả các lĩnh vực.

Hai nước đã giải quyết thỏa đáng vấn đề MIA - người Mỹ mất tích ở ViệtNam, tạo được lòng tin trong chính giới và nhân dân Mỹ.

 

Việt Nam và Mỹ sẽ sớm trở thành đồng minh chiến lược đáng tin cậy của nhau trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
PGS. TS Nguyễn Hồng Thao
 
Phía Mỹ cũng đã cung cấp nhiều thông tin có giá trị về bộ đội Việt Nam bị mất tích trong chiến tranh.

Cựu binh hai phía đã tiếp xúc, trao đổi, trở lại chiến trường xưa như những người bạn và đã có cả những dự án chung tay hàn gắn vết thương chiến tranh.

Mỹ đã giúp đỡ Việt Nam trong rà phá bom mìn vật cản. Việc khắc phục hậu quả chất độc màu da cam còn chưa được như kỳ vọng nhưng đã có những phát triển đáng ghi nhận.

Quân đội hai nước đã sự hợp tác cao ở tầm cao mới qua việc hai Bên ký Tầm nhìn chung về hợp tác quốc phòng tháng 6/2015.

Bản tuyên bố này được xây dựng trên cơ sở biên bản ghi nhớ về hợp tác quốc phòng hai nước được ký từ năm 2011 với 5 lĩnh vực hợp tác cụ thể. Bản tuyên bố này tạo ra khả năng để mở rộng thương mại quốc phòng giữa hai nước .

Bên cạnh đó Mỹ đã giúp Việt Nam đào tạo binh sĩ, cán bộ đủ kỹ năng cần thiết để tham gia nhiệm vụ gìn giữ hòa bình trên thế giới.

Mỹ đã từng bước dỡ bỏ lệnh cấm vận bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, góp phần nâng cao năng lực của lực lượng chấp pháp biển còn non trẻ của Việt Nam.
Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh và người đồng cấp của Mỹ Chuck Hagel trong cuộc gặp tháng 6/2014 
Có thể thấy rõ điều này qua hình ảnh các sỹ quan Quân đội nhân dân Việt Nam có mặt trên tàu sân bay Mỹ và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter trên boong tàu Cảnh sát biển Việt Nam tháng 6/2015 vừa qua.

Quan hệ kinh tế đã phát triển vượt bậc. Ngoài nỗ lực của các doanh nghiệp thì ngoại giao đã góp phần đi trước, thúc đẩy đàm phán các cơ chế hợp tác kinh tế mới.

Hiệp định thương mại Việt - Mỹ  năm 2001 là sân chơi tập dượt tốt cho các doanh nghiệp Việt Nam từng bước hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện, mở đường đi tới WTO 2006 và TPP hiện nay.

Tháng 11/2007, Mỹ chấp thuận Quy chế Quan hệ Thương mại Bình thường Vĩnh viễn (PNTR) cho Việt Nam.

Hai nước cũng có những bước tiến về vấn đề nhân quyền trong việc giảm bất đồng, xích lại gần nhau, thông cảm hiểu rõ lập trường và đặc thù của nhau và không để vấn đề này làm cản trở các mặt hợp tác khác trong quan hệ hai nước.

Video ẩm thực Việt Nam được vinh danh trên báo Mỹ

Hai bên cũng nhấn mạnh cần tiếp tục tăng cường hợp tác trong lĩnh vực quyền con người tại diễn đàn đa phương, đặc biệt tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc.

Giao lưu giữa hai nước cũng có những đột phá. Ngoại giao văn hóa đã góp phần đưa các giá trị tinh hoa của hai nước đến với công chúng.

Chỉ riêng con số 17.000 sinh viên Việt Nam đang học tập tại Mỹ, đứng thứ 8 trên thế giới đã nói lên rất nhiều.

Việt Nam cũng là một nước trọng điểm trong sáng kiến của Tổng thống Mỹ về sức khỏe toàn cầu.

- Ông dự đoán thế nào về những bước phát triển trong quan hệ Hà Nội – Washington trong thời gian tới?

Hai bên sẽ thúc đẩy quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ, chuyển từ hợp tác song phương hiệu quả sang hợp tác hiệu quả cấp khu vực và toàn cầu  trên các lĩnh vực, nhất là kinh tế, thương mại, đầu tư cũng như tăng cường trao đổi, tiếp xúc cấp cao.

 

Biển Đông, Washington chắc chắn sẽ phải tính toán để bảo vệ lợi ích của mình, bảo vệ các đồng minh thân cận, bảo vệ các giá trị của Luật quốc tế và Công ước luật biển.
PGS. TS Nguyễn Hồng Thao
 
Việt Nam và Mỹ sẽ sớm trở thành đồng minh chiến lược đáng tin cậy của nhau trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Hiện quan hệ đối tác hợp tác toàn diện đã được nhiều nhà bình luận cho rằng nó đã mang đủ nội hàm của đối tác chiến lược. Vấn đề chỉ còn là tên này sẽ chính thức được sử dụng khi nào.

Trong khuôn khổ TPP, Việt Nam cũng sẽ có cơ hội chinh phục thị trường rộng lớn của Mỹ và các nước thành viên, tiếp thu công nghệ và quản trị hiện đại.

Phía Mỹ cũng sẽ có cơ hội đầu tư vào Việt Nam, thụ hưởng lao động giá rẻ và nguyên liệu của Việt Nam.

- Lệnh cấm bán vũ khí của Mỹ với Việt Nam đã được gỡ bỏ một phần, trong tương lai liệu có khả năng Mỹ chấp nhận gỡ bỏ hoàn toàn, thưa ông?

Việt Nam là một quốc gia yêu chuộng hòa bình nhưng cũng sẵn sàng xả thân để bảo vệ nền hòa bình đó.

Các chiến thắng của Việt Nam trong quá khứ xuất phát từ yếu tố con người trong khi không phủ nhận vũ khí là yếu tố quan trọng.

Việc Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí trước hết là vì lợi ích, tính toán chiến lược của Mỹ, vì quyền lợi chung của hai nước và cộng đồng quốc tế trong Biển Đông.

- Chính quyền Washington sẽ có thêm những động thái gì trong vấn đề Biển Đông khi mà họ luôn tỏ ra lo ngại Bắc Kinh ngày càng bành trướng hơn?

Năm 2010 tại Hà Nội, Ngoại trưởng Hilary Clinton đã tuyên bố Mỹ có những lợi ích quốc gia ở Biển Đông.

Mỹ giữ quan điểm trung lập về vấn đề chủ quyền nhưng sẽ bảo vệ các giá trị của luật quốc tế về tự do hàng hải.

Trung Quốc tuyên bố có lợi ích cốt lõi ở Biển Đông và đã có một số hành động gây lo lắng cho cả Mỹ và cộng đồng quốc tế.

Washington chắc chắn sẽ phải tính toán để bảo vệ lợi ích của mình, bảo vệ các đồng minh thân cận, bảo vệ các giá trị của Luật quốc tế và Công ước luật biển.

Xin cảm ơn ông!

Tùng Đinh – Văn Việt (thực hiện)
Bình luận
vtcnews.vn