Chuyên gia Nga: Bình Nhưỡng chắc chắn sẽ đáp trả dự án tên lửa mới của Hàn Quốc

Thế giớiChủ Nhật, 10/09/2017 16:11:00 +07:00

Nhà phân tích người Nga nhận định kế hoạch phát triển tên lửa Frankenmissile với khả năng phá hủy căn cứ quân sự mặt đất của Triều Tiên có thể làm ảnh hưởng đến sự cân bằng trong khu vực.

Ngày 5/9, quân đội Hàn Quốc tuyên bố đang tìm cách phát triển một tên lửa đạn đạo có khả năng mang theo đầu đạn đủ sức tấn công các cơ sở vật chất mặt đất của quân đội Triều Tiên.

Theo Korea Herald, quân đội Hàn có kế hoạch phát triển một tên lửa đạn đạo đất đối đất có khả năng tiếp cận Triều Tiên và sẽ mang theo 2 tấn đầu đạn.

Kế hoạch này được tiết lộ chỉ một ngày sau khi Tổng thống Moon Jae-in và người đồng cấp Donald Trump đồng thuận gỡ bỏ hạn chế khối lượng tải đối với tên lửa của Hàn Quốc. Trước đó Hàn Quốc bị cấm gắn thêm đầu đạn có khối lượng lớn hơn 500 kg trên tên lửa đạn đạo tầm bắn 800 km.

han-quoc-frankenmissile-1

 Quân đội Hàn Quốc phóng tên lửa Huynmoo xuống biển phía đông. (Ảnh: Reuters)

Vladimir Kozin, giáo sư tại Học viện khoa học quân sự Nga cho rằng, việc phát triển tên lửa có tên Frankenmissile này sẽ chỉ khiến căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên leo thang.

“Tôi không hiểu tại sao họ chỉ cần sự cho phép của Mỹ”, ông Kozin nói. Ông cho rằng, 34 nước khác đã kí Hiệp ước kiểm soát chương trình tên lửa cũng cần được hỏi ý kiến.

Ông Kozin cảnh báo Bình Nhưỡng chắc chắn sẽ đáp trả nếu Seoul tiếp tục kế hoạch phát triển Frankenmissile. “Tất nhiên điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến cân bằng sức mạnh trong khu vực. Triều Tiên chắc chắn sẽ đáp lại. Và điều này sẽ dẫn đến căng thẳng leo thang không chỉ giữa Triều Tiên và Hàn Quốc mà còn giữa Triều Tiên và Mỹ.”

Video: Quân đội Mỹ - Hàn tập trận bắn đạn thật gần Triều Tiên

Ngày 3/9, Triều Tiên thực hiện thử nghiệm hạt nhân lần thứ 6 – thử nghiệm được cho là mạnh nhất tính đến thời diểm này.

Nhà chức trách Triều Tiên tuyên bố đây là một loại bom nhiệt hạch có khả năng gắn lên tên lửa đạn đạo với tầm bắn chạm được đến nước Mỹ. Thử nghiệm lần thứ 6 của Triều Tiên diễn ra bất chấp các biện pháp trừng phạt của Liên Hợp Quốc, khiến cộng đồng quốc tế phản ứng mạnh mẽ.

Mỹ dự kiến sẽ họp Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc ngày 11/9 để bỏ phiếu áp dụng nghị quyết trừng phạt bổ sung. Nhận định về các biện pháp trừng phạt, Matxcơva từng cho rằng chính sách tối đa hóa áp lực, bao gồm các các biện pháp trừng phạt đều đã trở nên mệt mỏi.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cho rằng việc Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình hạt nhân đổi lại sự hủy bỏ các cuộc tập trận chung của Mỹ và Hàn Quốc có thể là một giải pháp cho căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.

Phương Anh (Nguồn: Sputnik, Korea Herald)
Bình luận
vtcnews.vn