Chuyên gia: Mỹ rút khỏi hiệp ước hạt nhân vì Trung Quốc

Thế giớiThứ Tư, 21/08/2019 17:26:00 +07:00

Từ bỏ thỏa thuận hạt nhân lịch sử với Matxcơva, Washington giờ có thể tự do thử nghiệm và triển khai các tên lửa tầm trung để tăng khả năng răn đe với Bắc Kinh.

Theo nhà bình luận kỳ cựu về Trung Quốc Cary Huang viết trên SCMP, nhìn bề ngoài, lý do chính sau việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước Vũ khí hạt nhân tầm trung (INF) song phương là do họ cáo buộc Nga vi phạm các điều khoản. Nhưng khi xem xét chặt chẽ hơn, động lực và mục tiêu chính của Washington là Bắc Kinh.

Hiệp ước được Tổng thống Mỹ Ronald Reagan và người đồng cấp Liên Xô Mikhail Gorbachev ký năm 1987, nhằm mục đích loại bỏ các tên lửa đạn đạo tầm ngắn và trung trên đất liền, tên lửa hành trình và bệ phóng tên lửa được trang bị đầu đạn hạt nhân. Tổng thống Mỹ Donald Trump rút Mỹ ra khỏi hiệp ước sau khi Nga từ chối phá hủy hệ thống tên lửa tầm trung mới mà Washington và các đồng minh NATO nói là vi phạm INF.

"Nhưng lý do quan trọng hơn đằng sau động thái của Mỹ là Washington tin rằng hiệp ước này không phù hợp với hiện trạng địa chiến lược mới. Nó không áp dụng cho Trung Quốc, nước mà theo báo cáo của chính phủ Mỹ, đang duy trì các tên lửa mặt đất có 'phạm vi lớn nhất và đa dạng nhất' trên thế giới, bao gồm DF-21 và DF-26" - chuyên gia cho biết.

df-26

 Hệ thống tên lửa đạn đạo DF-26 của Trung Quốc. (Ảnh: SCMP)

Nhà phân tích cho rằng việc triển khai tên lửa hiện đại của Trung Quốc nhằm mục đích đối đầu với hệ thống phòng thủ của Đài Loan. Bên cạnh đó, họ nhắm vào đảo Guam và các căn cứ quan trọng khác của Mỹ tại Nhật Bản, Hàn Quốc và các nơi khác trong khu vực, đồng thời từ chối cho quân đội Mỹ tiếp cận khu vực này.

Thực chất đây chính là chiến lược "chống tiếp cận, chống xâm nhập". Bắc Kinh cũng đã lắp đặt thiết bị quân sự trên các đảo nhân tạo mà họ bồi đắp trái phép ở Biển Đông.

Thoát khỏi hiệp ước, giờ đây Mỹ có thể cạnh tranh với Trung Quốc, nơi có kho vũ khí chủ yếu bao gồm các vũ khí bị cấm theo INF. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper, tới 80% kho vũ khí của Trung Quốc là các hệ thống thuộc phạm vi bị INF hạn chế.

Washington tin rằng ngày càng khó bảo vệ chính mình và các đồng minh chỉ với "chiếc khiên", bao gồm hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot, nên họ cần "giáo nhọn" tấn công để chống lại lực lượng đối thủ.

Hai tuần sau khi rút khỏi hiệp ước, Bộ Quốc phòng Mỹ hôm 19/8 tuyên bố thử nghiệm tên lửa hành trình tầm trung phóng từ mặt đất. Ông Esper cho biết, Mỹ muốn triển khai một thế hệ tên lửa tầm trung mới trên đất liền ở châu Á-Thái Bình Dương trong tương lai gần. Theo chuyên gia, việc triển khai các tên lửa mới không nhằm chống lại Nga, mà là Trung Quốc, người mà Washington coi là đối thủ chiến lược đáng gờm hơn nhiều.

Nơi đặt những tên lửa này ngay lập tức trở thành vấn đề. Trung Quốc đe dọa có biện pháp đáp trả nếu Mỹ triển khai tên lửa trong khu vực và cảnh báo các đồng minh của Washington về hậu quả nếu họ cho phép Mỹ triển khai vũ khí như vậy trên lãnh thổ của mình. Những quốc gia được đề cập đến là Australia, Nhật Bản và Hàn Quốc. Trong khi đó, tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Esper cùng Ngoại trưởng Mike Pompeo và Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton nhanh chóng đến thăm các đồng minh này trong vài tuần qua.

my-han

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ gặp Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc.  

Hiệp ước INF sụp đổ 17 năm sau khi Tổng thống George W. Bush rút khỏi Hiệp ước Chống Tên lửa đạn đạo (ABM). Hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân duy nhất còn lại giữa Mỹ và Nga là START sẽ hết hạn vào tháng 2/2021. Các hiệp ước hạt nhân khác nhau này - đáng chú ý khi không chỉ "bỏ sót" Trung Quốc mà cả các quốc gia sở hữu vũ trang hạt nhân khác bao gồm Anh, Pháp, Ấn Độ, Pakistan và Israel - đã tạo nên hệ thống kiểm soát vũ khí chiến tranh lạnh sau nhiều năm đàm phán khó khăn giữa Mỹ và Liên Xô.

Trung Quốc, đứng thứ ba trên thế giới về sức mạnh quân sự, theo chỉ số Global Firepower 2019. Tuy nhiên, Trung Quốc, hiện sở hữu lực lượng vũ trang lớn nhất thế giới và là nước chi tiêu quốc phòng lớn thứ hai, đang trên đường vượt qua Nga trở thành đối thủ thách thức chính của Mỹ.

Sự sụp đổ của Hiệp ước INF 32 năm tuổi không chỉ báo hiệu một cột mốc khác trong việc làm xấu đi quan hệ Nga-Mỹ, mà còn làm dấy lên nỗi ám ảnh về một cuộc chạy đua vũ trang mới giữa Mỹ và Trung Quốc, lĩnh vực họ sẽ đổ vào nhiều tiền hơn và nhiều vũ khí tối tân hơn, như tên lửa đạn đạo liên lục địa, tàu ngầm và máy bay ném bom mới, trong khi cả địa cầu đang lo lắng về tình trạng phổ biến hạt nhân gia tăng. Washington tỏ ra ít quan tâm đến bất kỳ thỏa thuận kiểm soát vũ khí hạt nhân hoặc vũ khí thông thường mới nào với Nga, nếu không có Trung Quốc tham gia. Bắc Kinh thẳng thừng từ chối các thỏa thuận này.

Zhao Tong, nhà nghiên cứu Chương trình chính sách hạt nhân tại Trung tâm chính sách toàn cầu Carnegie-Tsinghua ở Bắc Kinh, cho biết: "Mỹ cảm thấy không thể ngồi yên xem Nga phát triển các khả năng quân sự và Trung Quốc chế tạo thêm vũ khí. Điều đó phản ánh một tâm lý chạy đua vũ trang, khi việc xây dựng quân đội không đi theo chiến lược rõ ràng mà bị chi phối bởi mong muốn tránh bị bỏ lại phía sau."

Từ quan điểm của Mỹ, triển khai các tên lửa như vậy ở châu Á ít nhất sẽ buộc Trung Quốc thực hiện các biện pháp để bảo vệ các mục tiêu quân sự khỏi mối đe dọa của Mỹ - một chiến lược tốn hơi sức có thể khiến họ bị đánh lạc hướng và trì hoãn việc xây dựng các khả năng tấn công.

Tuy nhiên Bắc Kinh cũng có thể phát triển và triển khai nhiều tên lửa hơn, tăng mức độ sát thương của chúng vì nhìn thấy việc Mỹ triển khai tên lửa "trước cửa" là vô cùng khiêu khích và nguy hiểm, theo Adam Ni, nhà nghiên cứu Trung Quốc tại Đại học Macquarie, Sydney.

Ông Huang nhận định: "Thế giới sẽ chứng kiến sự hồi sinh của địa chính trị hạt nhân và có thể đối mặt kịch bản tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962, khi Mỹ và Liên Xô mắc kẹt trong cuộc đối đầu hạt nhân, nếu các cường quốc hạt nhân hiện nay của thế giới - Mỹ, Nga, Trung Quốc và các nước khác - không đạt được các thỏa thuận đa phương mới về giải giáp thứ vũ khí hủy diệt hàng loạt này."

Phương Anh
Bình luận
vtcnews.vn