Chuyên gia: Mưa đá liên tiếp xảy ra báo hiệu thời tiết biến động xấu, trái quy luật

Tin nhanh 24hThứ Tư, 04/03/2020 15:45:00 +07:00
(VTC News) -

Chuyên gia khí tượng cho rằng, hiện tượng mưa đá, dông lốc liên tục xảy ra từ đầu năm đến nay chứng tỏ khí hậu biến động theo chiều hướng xấu, không theo quy luật.

Video: Bất thường mưa đá trắng trời tại Lai Châu

Trong hơn 1 tháng qua, người dân miền Bắc liên tiếp chứng kiến nhiều hiện tượng bất thường, dữ dằn của thời tiết. Đầu tiên là trận mưa đá xuất hiện vào 30 Tết và mùng 1 Tết Nguyên đán.

Mới đây, các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Sơn La... lại hứng những trận mưa đá chưa từng thấy khiến mặt đất bao phủ một màu trắng xóa như tuyết. Tiếp đến là trận mưa to, gió giật hiếm thấy ào ào trút xuống Hà Nội vào chiều qua khiến nhiều nơi ngập sâu.

Trả lời VTC News về các hiện tượng thời tiết khác thường trên, TS. Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia phân tích, trong đêm 2/3 và ngày 3/3, hàng loạt các tỉnh vùng núi phía bắc như Tuyên Quang, Yên Bái, Lào Cai và Lai Châu xuất hiện mưa đá.

Nguyên nhân của đợt mưa đá này là do không khí lạnh đang dịch chuyển về phía Bắc nước ta tranh chấp với khối không khí nóng ẩm đang tồn tại ở Bắc Bộ.

Chuyên gia: Mưa đá liên tiếp xảy ra báo hiệu thời tiết biến động xấu, trái quy luật - 1

Mưa đá phủ trắng như tuyết tại tỉnh Lai Châu trong ngày 3/3.

“Chúng ta đều thấy điểm tương đồng ở đợt mưa đá trong Tết âm lịch và đợt mưa đá này là trước đó miền Bắc đều có những ngày nắng ấm”, ông Khiêm phân tích.

Sự tranh chấp của khối không khí lạnh từ lục địa Trung Quốc xuống, khối khí ấm ẩm đang tồn tại sẵn ở Bắc Bộ tạo ra mây đối lưu, ngoài ra nó còn kết hợp thêm với đới gió Nam đến Đông Nam ở độ cao trên 1.500m và trên độ cao 5.000m còn có một yếu tố kích động tạo ra dòng thăng mạnh.

“Sự xuất hiện cùng lúc của không khí lạnh tranh chấp khí nóng tầng thấp, hội tụ gió mực 1.500m và yếu tố kích thích đối lưu ở độ cao 5.000m khiến mây đối lưu ở miền Bắc phát triển mạnh, dẫn đến hệ quả mưa đá xuất hiện diện rộng ở Bắc Bộ trong đêm 2/3 và ngày 3/3”, chuyên gia phân tích.

>>> XEM THÊM: Mưa đá to như hòn bi, dông lốc dữ dội, ô tô bị cột điện, cây xanh đè bẹp ở Yên Bái, Lai Châu

Theo TS Mai Văn Khiêm, kiểu thời tiết mưa đá trong đợt Tết Nguyên đán Canh Tý và trong đêm 2-3/3 là khá giống nhau. Mưa đá xảy ra vào mùng 1 Tết Nguyên đán có quy mô diện rộng chưa từng có, đợt còn lại xảy ra vào tháng 3 (tháng bắt đầu vào giai đoạn giao mùa) cũng có quy mô tương tự. 

“Cả 2 đợt mưa đá, mưa lớn diện rộng này đều có nguyên nhân và hình thế thời tiết là giống nhau ở mức một chín một mười. Nó đều là các hiện tượng thời tiết cực đoan ít thấy”, ông Khiêm nhận định.

Đặc biệt, chuyên gia khí tượng nhấn mạnh trận mưa dông lớn ở Hà Nội vào chiều qua khiến nhiều tuyến phố ngập sâu, quật ngã nhiều cây cối là chưa từng xảy ra trong lịch sử.

Chuyên gia: Mưa đá liên tiếp xảy ra báo hiệu thời tiết biến động xấu, trái quy luật - 2

khiem.jpg

Thời tiết càng ngày càng biến động theo chiều hướng xấu, các cực trị ngày càng xuất hiện nhiều, không còn theo quy luật khí hậu.

TS Mai Văn Khiêm

“Lượng mưa trong ngày 3/3 khá đặc biệt. Ví dụ như lượng mưa tại Láng tính đến 19h ngày 3/3 là 140mm, đây là lượng mưa lớn lịch sử chưa từng xảy ra từ năm 1971 tới giờ.

Đây cũng là lượng mưa lớn hơn tổng lượng mưa trung bình tháng của Hà Nội (trung bình tháng của Hà Nội là 50,3mm).

Điều đó cho thấy thời tiết càng ngày càng biến động theo chiều hướng xấu, các cực trị ngày càng xuất hiện nhiều, không còn theo quy luật khí hậu khiến cho công tác dự báo, cảnh báo ngày càng trở lên khó khăn, phức tạp”, chuyên gia thời tiết nhận định.

Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia cho biết, trong ngày và đêm nay (4/3) ở Bắc Bộ, các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh còn có mưa vừa đến mưa to và dông mạnh.

Nguyên nhân là do không khí lạnh tầng thấp, gió Nam đến Đông Nam ở độ cao 1.500m và dòng thăng mạnh trên mực 5.000m vẫn còn hoạt động.

Bên cạnh đó, các tỉnh như Quảng Bình, Quảng Trị, vùng phía Tây của tỉnh Thừa Thiên Huế đều có khả năng xảy ra lốc xoáy, mưa đá.

T.S Nguyễn Gia Khiêm nhận định, kể từ 5/3, hiện tượng lốc xoáy, mưa đá ở các tỉnh Bắc Bộ và miền Trung khả năng sẽ không còn.

“Do ảnh hưởng của không khí lạnh nên từ hôm nay đến hết ngày mai (5/3) ở Bắc Bộ và Thanh Hóa trời sẽ chuyển rét”, ông Khiêm cho hay.

 

 

 

Mạnh Đoàn
Bình luận
vtcnews.vn