Chuyên gia 'mổ xẻ' việc đại gia mua tàu, máy bay ra Hoàng Sa

Thời sựThứ Tư, 09/07/2014 01:50:00 +07:00

(VTC News) – Chuyên gia tàu biển sẵn sàng phối hợp với đại gia Sài Gòn để chỉnh sửa hoặc đóng mới tàu vỏ thép giúp ngư dân bám biển.

(VTC News) – Chuyên gia tàu biển sẵn sàng phối hợp với đại gia Sài Gòn để chỉnh sửa hoặc đóng mới tàu vỏ thép giúp ngư dân bám biển.

Sẽ là đội tàu vỏ thép lớn nhất
Thời gian gần đây, chiến lược kinh doanh của ông Phạm Ngọc Lâm, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đức Khải (một doanh nghiệp chuyên về lĩnh vực kinh doanh bất động sản, xuất nhập khẩu nổi tiếng ở Sài Gòn) đã gây được sự quan tâm rất lớn của xã hội.
Đại gia Sài thành này đã ra nước ngoài đặt mua 100 chiếc tàu vỏ thép để đưa về khai thác thuỷ hải sản tại 5 ngư trường gồm: Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Phú Yên, Bình Định và Khánh Hòa (thuộc vùng biển Hoàng Sa). 
 Ông Ngô Tùng Lâm –  Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam (SBIC).

Ngoài ra, Công ty Đức Khải còn mua 2 chiếc ụ nổi từ Đài Loan với sức chứa 5.000 tấn/ụ sẽ đặt giữa ngư trường (trong bán kính từ 50 đến 60 hải lý) để tiếp nhận thủy, hải sản các tàu đánh bắt đưa về để phân loại, bảo quản.
Hai chiếc máy bay trực thăng (giá mỗi chiếc khoảng 30 tỷ đồng) cũng đang được Công ty Đức Khải đàm phán với các đối tác châu Âu để sớm đưa về phục vụ việc cứu nạn, cứu hộ cho ngư dân trên biển đảo. Hai chiếc trực thăng này sẽ được Nhà nước quản lý và đặt trên các đảo để cứu nạn, cứu hộ trên toàn quốc.
Dự kiến đến đầu năm 2015, mô hình khai thác thuỷ hải sản “khủng” của Công ty Đức Khải sẽ đi vào hoạt động.

 
Nếu Công ty Đức Khải cần sự phối hợp để tiến hành chỉnh sửa hoặc đóng mới tàu vỏ thép trong nước thì SBIC luôn sẵn sàng.
Ông Ngô Tùng Lâm
 
Liên quan đến chiến lược kinh doanh táo bạo nói trên, phóng viên VTC News đã có cuộc trao đổi với ông Ngô Tùng Lâm – một chuyên gia về tàu biển, hiện là Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam (SBIC).

Ông Lâm đánh giá rất cao kế hoạch kinh doanh của Công ty Đức Khải. Ông cho biết, hiện Nhà nước ta đang có chủ trương chuyển đổi việc đánh bắt thuỷ hải sản bằng tàu vỏ gỗ sang tàu vỏ thép. 
Bởi vậy, kế hoạch kinh doanh của Công ty Đức Khải hoàn toàn phù hợp với chủ chương, chính sách và chắc chắn sẽ nhận được sự ủng hộ, hỗ trợ của Đảng và Nhà nước.
Theo ông Lâm, hiện nay việc các nghiệp đoàn nghề cá hay tổ hợp đánh bắt sở hữu vài chục, thậm chí là vài trăm chiếc tàu vỏ gỗ là chuyện bình thường. Tuy nhiên, hiện chưa có một doanh nghiệp tư nhân nào sở hữu một đội tàu vỏ thép lớn như Công ty Đức Khải.
“Tôi hoàn toàn ủng hộ kế hoạch khai thác thuỷ hải sản của Công ty Đức Khải. Việc Công ty này đầu tư mua tàu vỏ thép sẽ giúp cho việc khai thác của ngư dân được an toàn và hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, việc làm này còn tạo điều kiện để ngư dân vươn khơi bám biển, giữ vững chủ quyền biển đảo quốc gia,” ông Lâm chia sẻ.
Liên quan đến số vốn đầu tư mà Công ty Đức Khải có thể phải bỏ ra để mua 100 chiếc tàu vỏ thép ra Trường Sa, ông Lâm nói: “Tôi chưa biết thiết kế của các con tàu này, các trang thiết bị trên tàu như thế nào và tuổi tàu ra sao… nên không thể xác định được giá cả của chúng. Tuy nhiên, chắc chắn phải bỏ ra một số tiền không nhỏ để mua các con tàu vỏ thép như vậy.”
Sẵn sàng phối hợp với đại gia Sài Gòn
Từ góc độ chuyên môn, ông Ngô Tùng Lâm cho hay, nước ta là quốc gia có đường bờ biển dài với nhiều ngư trường đánh bắt. Mỗi ngư trường lại có những đặc điểm, tập quán đánh bắt khác nhau. Bởi vậy, việc thiết kế tàu cũng phải phù hợp với từng ngư trường, từng vùng miền.
Trên cơ sở đó, ông Lâm cho rằng, sau khi mua tàu từ nước ngoài về, rất có thể Công ty Đức Khải sẽ cần phải thay đổi một số chi tiết để phù hợp với việc khai thác thuỷ hải sản tại Việt Nam.
 Một trong những chiếc tàu chuẩn bị được đại gia Sài thành đưa về Việt Nam.

“Hiện nay tôi chưa biết thiết kế của đội tàu mà Công ty Đức Khải đặt mua. Tuy nhiên, ngay ở nước ta thì việc khai thác ở các ngư trường phía Bắc cũng đã đòi hỏi những con tàu khác với các ngư trường ở phía Nam.

Bởi vậy, nếu mua tàu từ các quốc gia phía Bắc như Hàn Quốc, Nhật Bản… thì có thể có nhiều điểm không phù hợp với môi trường khai thác ở Việt Nam và cần phải chỉnh sửa,” ông Lâm cho hay. 
Liên quan đến việc đóng tàu vỏ thép trong nước, Phó Tổng Giám đốc SBIC cho biết, từ tháng 10/ 2013, công ty của ông cũng đã thiết kế khoảng 6 mẫu và tiến hành đóng thử 10 chiếc. 
Tính đến ngày 2/7 vừa qua, SBIC đã hoàn thành 4 chiếc và bàn giao cho ngư dân. Dự kiến tới cuối năm, SBIC sẽ hoàn thành toàn bộ 10 chiếc tàu này.
“Chúng tôi có thế mạnh về thiết kế và đóng tàu nhưng không thực sự am hiểu về đặc điểm khai thác của từng ngư trường. Do đó SBIC đã bỏ vốn đầu tư đóng 10 chiếc tàu vỏ thép để các ngư dân khai thác thử nghiệm. (SBIC bỏ 80% vốn, ngư dân sở hữu tàu đóng góp 20% chi phí - PV).
Trong quá trình ra khơi, ngư dân sẽ đóng góp ý kiến để chúng tôi hoàn thiện các mẫu tàu cho phù hợp với việc đánh bắt của họ. Sau khi có các mẫu tàu hoàn toàn phù hợp thì chúng tôi sẽ tiến hành đóng với số lượng lớn để phục vụ nhu cầu ra khơi của ngư dân,” ông Lâm nói.
Ông Ngô Tùng Lâm khẳng định, SBIC hoàn toàn có thể đóng tàu vỏ thép trong giai đoạn hiện tại. Nếu Công ty Đức Khải cần sự phối hợp để tiến hành chỉnh sửa hoặc đóng mới tàu vỏ thép trong nước thì SBIC luôn sẵn sàng.
“Tàu thép đóng trong nước sẽ có giá thành thấp hơn rất nhiều so với việc mua của nước ngoài. Hơn nữa, khi sản xuất trong nước chúng ta có điểu kiện tham khảo ý kiến của ngư dân trước khi đóng. Từ đó sẽ tạo ra những con tàu phù hợp với nhu cầu đánh bắt của ngư dân từng vùng miền,” Phó Tổng Giám đốc SBIC cho hay.

Minh Quyết
Bình luận
vtcnews.vn