Chuyên gia kinh tế hiến kế để giảm giá xăng

Kinh tếThứ Sáu, 14/10/2011 06:26:00 +07:00

(VTC News) – Để khắc phục được những nội tại của vấn đề giá xăng dầu cần có cơ chế hợp lý.

(VTC News) – Theo lời các chuyên gia, để khắc phục được những nội tại của vấn đề giá xăng dầu cần có cơ chế hợp lý. Một sự cạnh tranh lành mạnh, sẽ giúp giá xăng, dầu giảm theo quy luật thị trường.


Tăng dễ, giảm khó
 

Câu chuyện giá xăng, dầu “sốt” lên sau cuộc họp giữa Bộ Tài Chính và Bộ Công Thương về vấn đề này. Dư luận đang tỏ ra quan tâm đến việc, liệu lúc nào sẽ có một kết quả kiểm toán rõ ràng?. Mới đây nhất, từ 11h trưa 10/10, giá dầu diesel và giá dầu hỏa giảm từ 300 – 400 đồng/lít, nhưng giá xăng vẫn hưa thể giảm. Với mức giảm của giá dầu nhiều người tiêu dùng vẫn tỏ ra chưa mấy vui vẻ.

 

Ông Trần Nam Văn (Quận Đống Đa – Hà Nội) cho hay: “Tôi kỳ vọng giá xăng sẽ giảm. nhưng cuối cùng chỉ mới thấy giảm giá dầu. Lẽ ra, giá xăng nên giảm trước, vì xe máy gần như là phương tiện phổ biến. Ngày ngày, mọi người đi làm bằng xe máy, việc mua xăng với giá cao như hiện nay, ảnh hưởng đến túi tiền của mỗi gia đình”.

 

Tới nhiều cây xăng trên địa bàn Hà Nội, vấn đề giá xăng, dầu được nhiều người tiêu dùng cho biết là mối quan tâm thường trực sau giá cả thực phẩm. Theo lời hầu hết khách hàng, bởi nó gắn với phương tiện đi lại hàng ngày, vì vậy mỗi quyết định tăng hay giảm giá đều liên quan đến túi tiền.

 

Bà Nguyễn Thanh Tuân (Quận Ba Đình – Hà Nội) nhìn nhận vấn đề một cách cởi mở hơn, bà cho biết: “Tôi nghĩ sẽ cần có lộ trình để giảm giá xăng. Bản thân tôi hơi thất vọng khi giá xăng chưa giảm, nhưng theo thông tin từ báo chí thì hiện đang có kiểm tra các đơn vị, nên chắc là chưa giảm giá xăng được”.

 Người tiêu dùng kỳ vọng giá xăng giảm (Ảnh minh họa)
 

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, thời gian vừa qua, giá xăng dầu thế giới giảm, giá xăng dầu tại một số nước trong khu vực cũng giảm theo, còn giá xăng trong nước vẫn giữ nguyên. Điều này đi ngược lại với mục tiêu của Chính phủ là chống lạm phát, nếu giá xăng tại VN có thể giảm ở mức độ phù hợp với giá thế giới sẽ làm giảm chi phí đầu vào và chi phí vận tải cho các doanh nghiệp".

 

Bàn về câu chuyện “giá xăng dầu tăng dễ, giảm khó”, ông Doanh cho hay: “Với giá xăng, các cơ quan nhà nước luôn có quyết định dễ dàng đối với phần lớn các yêu cầu đề nghị tăng giá xăng của các doanh nghiệp song lại tỏ ra dè dặt, lúng túng trong các quyết định yêu cầu DN giảm giá xăng. Tôi thấy quyền lợi người tiêu dùng bị vi phạm. Việc này cần được giải quyết thỏa đáng, trong các quy định pháp lý, trong đó Hội Bảo vệ quyền lợi Người tiêu dùng cần có tiếng nó. “.

 

“Mượn đầu heo nấu cháo”

 

Ông Nguyễn Minh Phong thẳng thắn chỉ rõ, việc trích lập Quỹ qua giá xăng dầu khiến người tiêu dùng chịu thiệt nhiều hơn lợi, Về bản chất, nguồn thu của Quỹ là giá xăng dầu thực mua mà người tiêu dùng phải trả và ứng trước cho Quỹ xét theo sự trọn vẹn của một quy trình trích lập và “xả” Quỹ để giữ bình ổn giá về danh nghĩa. Nói cách khác, thực chất người tiêu dùng đã phải mua đắt giá xăng cho thời điểm trích lập quỹ, để rồi được trả lại số tiền đó nhờ mua xăng dầu với giá “rẻ” hơn khi “xả” Quỹ. 

 

“Cảnh “mượn đầu heo nấu cháo” này khiến người tiêu dùng, dù có thể hưởng lợi ích ít nhiều nhờ không tăng giá xăng dầu khi xả quỹ, xong lại luôn chịu thiệt thòi do phải tạm ứng nguồn vốn hoạt động cho Quỹ, như kiểu “cho vay không lãi”. Rốt cuộc, dường như chỉ có doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu luôn được bảo đảm lợi ích cả từ mức trích lợi nhuận định mức, cũng như “không có gì để mất” từ mọi hoạt động thu - chi Quỹ…”, ông Phong chỉ rõ.

 Quỹ bình ổn giá xăng dầu không nên để doanh nghiệp giữ? (Ảnh minh họa)
 

Trao đổi với PV VTC News, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cứ nhắc đi nhắc lại băn khoăn, tại sao các nước trên thế giới họ cập nhật, công khai giá xăng dầu, giá nhập khẩu từng phút, từng giờ mà ta lại khó khăn đến vậy.

 

Ông cũng không hoàn toàn không đồng ý với việc tính giá xăng, dầu theo giá cơ sở 30 ngày. Giá thế giới thay đổi từng phút, giá nhập bao nhiêu đều có hóa đơn ký, ghi rõ ràng, không cần phải chờ giá cơ sở 30 ngày. "Trong 30 ngày giá lên xuống liên tục vì vậy cần sửa ngay quy định này. Theo đôi, đây là miếng đất màu mỡ cho doanh nghiệp núp bóng kiếm lời trên lưng người tiêu dùng”, ông Doanh nói thêm.

 

Trước ý kiến phát biểu của doanh nghiệp “với giá xăng hiện tại, doanh nghiệp mới hòa vốn và chưa có lãi’, ông Doanh cho rằng: “Bây giờ không ai biết thế nào cả, doanh nghiệp nói sao thì người tiêu dùng chịu vậy. Vì vậy, cần có kết quả kiểm toán, chúng tôi cũng mong muốn có kết quả kiểm toán như lời hứa của ông Bộ trưởng Bộ Tài Chính”.

 

Theo đó, Quỹ bình ổn giá nên đưa ra một cơ quan khác quản lý, có thể là Hội Bảo vệ Quyền lợi Người tiêu dùng. Còn nếu đưa Quỹ bình ổn giá cho doanh nghiệp tự quản lý là điều không nên. Ông Doanh phân tích, khi doanh nghiệp giữ quỹ này, không ai biết việc doanh nghiệp biện luận ra sao và việc  dùng quỹ đó như thế nào ?.


Cũng trao đổi với chúng tôi, chuyên gia kinh tế Nguyễn Quang A cho rằng, giá xăng dầu tăng nhiều, giảm ít là xuất phát từ cơ chế, ông A nêu rõ: “Cơ chế, cách tổ chức, không tạo ra những khuyến khích để các nhà cung cấp đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng mà vẫn có được lợi nhuận. Không thề hô hào doanh nghiệp phải thế này, thế kia. Bởi, đã là doanh nghiệp thì họ phải làm sao tạo lợi nhuận càng nhiều càng tốt”


 

Làm thế nào để giảm giá xăng?


Muốn giá xăng giảm theo biến động của thị trường thế giới,thì vấn đề cốt lỗi là thị trường xăng, dầu tuân thủ theo quy luật thị trường. Theo lời các chuyên gia, để làm được điều này phải có được cơ chế cạnh tranh lành mạnh.

Ông A cho biết thêm, xét về cơ chế là cần tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh. Thực chất của vấn đề là việc xây dựng thị trường xăng dầu cạnh tranh. Đó là việc chỉ có Nhà nước mới làm được, tạo dựng và giám sát việc cạnh tranh. Vấn đề không phải là nước ngoài doanh nghiệp nước ngoài hay tư nhân, mà điều quan trọng có cạnh tranh hay không?. Hiện nay, Petrolimex chiếm tới 60% thị trường xăng dầu, thì chắc chắn không có cạnh tranh.

"Nhà nước với tư cách đứng đầu có thể đưa đầu tư thêm, ưu đãi thêm cho 2 doanh nghiệp thuộc nhà nước có năng lực ngang với Petrolimex, để cạnh tranh với Petrolimex. Lúc đó các cơ quan chức năng chỉ cần xem xét việc các doanh nghiệp này có cấu kết hay không?, còn mức giá cả thì tuân theo quy luật thị trường", ông Nguyễn Quang A bày tỏ. 

Cụ thể, ông A cho rằng, có thể tách Petrolimex thành các công ty nhỏ chuyên chứa và vận chuyển, công ty chuyên phân phối, công ty bán lẻ, ngoài ra thị trường cần thêm 1-2 doanh nghiệp có thêm tiềm lực và cũng chia tương tự, để có điều kiện cạnh tranh lành mạnh. Nhưng, chia ra không có nghĩa là phân chia khu vực đảm nhận mà phải là xuyên suốt trên phạm vi cả nước, ngoài ra đối với doanh nghiệp nhỏ thì hợp nhất để tăng cường tính cạnh tranh. Việc làm này giúp hình thành các doanh nghiệp có chỗ đứng và có tiềm lực ngang hàng các doanh nghiệp khác.

Có cùng quan điểm về chia tách Petrolimex, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh chỉ rõ, Petrolimex chiếm thị phần quá lớn, điều này là quá rõ ràng về độc quyền.

Ông Doanh nói: " Nên tách Petrolimex thành các khâu, đồng thời cho các doanh nghiệp tham gia nhập khẩu ví ...sẽ tạo ra sự cạnh tranh. Ngoài ra, sự có mặt của tư nhân và nước ngoài có thể góp phần nâng cao công nghệ và thị trường năng động hơn. Chúng ta đã có những cam kết mở cửa, đây là trường hợp có điều kiện nên chúng ta có thể thận trọng. Song thận trọng không có nghĩa là không làm gì".

Anh Minh





Bình luận
vtcnews.vn