Chuyên gia khuyên nên tranh thủ bán vàng

Kinh tếChủ Nhật, 07/07/2013 03:09:00 +07:00

Ts. Lê Xuân Nghĩa khuyên người có vàng nên tranh thủ bán ra.

Theo Ts. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh doanh (BDI), giá vàng thế giới đang lình xình nhưng xu hướng trung và dài hạn là tiếp tục giảm, do vậy người có vàng nên tranh thủ bán. 

- Thưa ông, tại sao sau 30/6 mà nhu cầu vàng trên thị trường vẫn nóng?

Thật ra, một số ngân hàng thương mại rất muốn tất toán xong trạng thái vàng trước 30/6, nhưng họ khó khăn về thanh khoản, không có đủ tiền mặt để mua vàng nên phải kéo dài thời hạn tất toán sang sau 30/6.

Ngoài ra, tất toán vàng tiền gửi thì dễ, nhưng tất toán vàng cho vay thì rất khó vì các doanh nghiệp vay vàng không chịu chuyển đổi nợ vàng sang nợ tiền đồng.

Do đó, vẫn cần thêm thời gian để hoàn thành đóng trạng thái vàng, nhất là vàng cho vay.

Đây là lý do khiến nhu cầu vàng sau 30/6 vẫn nóng.

TS. Lê Xuân Nghĩa
TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh doanh (BDI). 
- Nhiều người dân đang đổ xô mua vàng dù giá vàng trong nước cao hơn giá thế giới hơn 6 triệu đồng/lượng. Liệu đây có phải là quyết định mạo hiểm, thưa ông?

Xu hướng lớn nhất của kinh tế thế giới hiện nay là hồi phục, kinh tế Việt Nam cũng vậy. Cho nên, về dài hạn, giá vàng thế giới sẽ trong xu hướng giảm, dĩ nhiên trong ngắn hạn sẽ có lúc lên, lúc xuống. Cho nên, tôi cho rằng, lúc này nếu có vàng thì bạn nên bán vì giá còn xuống nữa.

- Thời gian gần đây, NHNN liên tục nhập khẩu vàng để bán cho thị trường trong nước. Đây có phải là nguyên nhân khiến tỷ giá nóng gần đây không, thưa ông?

Tỷ giá nóng là do thâm hụt thương mại trong tháng 5, tháng 6 vừa qua chứ không phải là do nhập khẩu vàng. Bên cạnh đó, tỷ giá tăng còn do điều chỉnh tỷ giá, lãi suất tiền đồng giảm mạnh. Mức tăng tỷ giá trên thị trường gần đây cũng chỉ 0.5-0.6%, nghĩa là rất nhỏ.

- Về lâu dài, ông có cho rằng Ngân hàng Nhà nước nên tự do hóa nhập khẩu vàng để liên thông thị trường trong nước và thế giới?

Về dài hạn, tôi cho rằng Chính phủ sẽ quay lại với việc cho phép doanh nghiệp nhập khẩu vàng với việc cấp quota tự do hơn, hoặc có thể thành lập sàn vàng quốc gia để giá trong nước và thế giới liên thông với nhau.

Tuy nhiên, chính sách quản lý vàng của Ngân hàng Nhà nước thời gian qua, tôi cho rằng rất cần thiết và hiệu quả. Cụ thể, theo tôi, toàn bộ hoạt động độc quyền nhập khẩu vàng, độc quyền thương hiệu vàng miếng SJC và biến công ty SJC thành xưởng vàng của Ngân hàng Nhà nước là hành động bắt buộc phải làm trong ngắn hạn.

Vì hạn chế nhập khẩu vàng là để bảo vệ cán cân thanh toán, tăng dự trữ ngoái tệ (vì năm 2008, dự trữ ngoại tệ nước ta giảm kỷ lục). Muốn ổn định tỷ giá, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư, các nhà tài trợ thì dự trữ ngoại tệ phải đủ lớn. Trong một thời gian ngắn, chỉ trong 17-18 tháng, dự trữ ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước đã đạt hơn 20 tỷ USD, đây là một thành công rất lớn.

Tất nhiên, để thành công về dự trữ ngoại tệ, ổn định tỷ giá, bảo vệ cán cân thanh toán thì cái cũng phải trả giá, đó là vì hạn chế nhập khẩu vàng nên chênh lệch giá ngày càng doãng ra. Bình thường, khi chênh lệch cao thì buôn lậu vàng tăng mạnh. Việc độc quyền và quốc hữu hóa SJC đã khiến giới buôn lậu không thể kiếm lời từ vàng. Do đó, thời gian qua, dù chênh lệch giá vàng tăng nhưng buôn lậu vàng rất ít, đó là thành công của chính sách.

Theo Thùy Liên/Báo Đầu tư

Bình luận
vtcnews.vn