Chuyên gia khuyến cáo: Cạm bẫy từ các website vận động cộng đồng và mạng xã hội

Khám pháThứ Hai, 30/12/2019 11:50:00 +07:00
(VTC News) -

Chuyên gia công nghệ, truyền thông cho rằng, nhiều website vận động kiến nghị các vấn đề môi trường, kinh tế, chính sách.... đang hoạt động như trang fake news.

Chuyên gia về công nghệ và truyền thông cho rằng, nhiều website vận động kiến nghị trước các vấn đề về môi trường, kinh tế, chính sách… đang hoạt động chẳng khác gì những trang fake news, còn các mạng xã hội đang bộc lộ nhiều lỗ hổng bảo mật, khiến người dùng có thể mất dữ liệu cá nhân.

Nhiều trang vận động cộng đồng đăng tải fake news

Các website kêu gọi cộng đồng kí kiến nghị nở rộ trong vài năm qua, điển hình có các trang như 38 degrees, Avaaz.org, Change.org… Với những thao tác đăng kí dễ dàng, ai cũng có thể tạo ra một trang kiến nghị với những lí lẽ có vẻ “đi vào lòng người”, tuy nhiên những trang đang bị khuyến cáo là “công cụ” kêu gọi “nước mắt” đám đông bằng những thông tin không xác tín, nhằm phục vụ mục đích không trong sáng của các cá nhân hoặc tổ chức đằng sau.

Ông Alberto Belle, chuyên gia truyền thông làm việc cho Chính phủ Brazil, nhận xét: “Đám đông dễ bị kích động bởi những câu chuyện họ không có kiến thức như các vấn đề khoa học, môi trường, lý hoá... Nếu không cẩn thận, bạn cũng có thể bị lợi dụng”.

Hầu hết các trang vận động cộng đồng đều không ràng buộc trách nhiệm với người kí. Đơn cử như trang Avaaz.org, người dùng chỉ cần bịa ra một email bất kì, đều có thể tham gia kí tên. Thậm chí trang này còn không yêu cầu người kí xác thực lại email, cho nên để cần tạo một cuộc vận động đạt tiếng vang, chỉ cần một nhóm người bỏ chút ít thời gian cùng nhau bịa ra vài nghìn email… là có ngay vài nghìn người kí.

Những bê bối của các website vận động kiến nghị không thiếu, đơn cử như trang Avaaz.org đã phải phát thông tin đính chính vài chục lần, bởi thông tin không chính xác, “dắt mũi” dư luận.

Bê bối điển hình nhất của Avaaz.org là việc lợi dụng tổ chức môi trường The Ocean Clean up vào năm 2016. Cụ thể, một số cá nhân và trang này đã tự động tổ chức một cuộc gây quỹ dưới danh nghĩa The Oclean Clean up để huy động tiền nhằm tái thiết đại dương và loại bỏ rác thải nhựa. Hàng chục nghìn đô la đã đổ về tài khoản của Avaaz.com và những cá nhân đứng sau. Tuy nhiên, The Ocean Clean up đã lên tiếng xác nhận không tham gia kêu gọi cuộc vận động này, kết quả Avaaz đã phải phát đi thông tin xin lỗi cộng đồng.

Nhận phần lớn đánh giá tồi tệ trên trustpilot.com, nhiều người dùng quốc tế đã kiến nghị cho rằng, Avaaz là trang “fake news”. Người dùng Robert Shread, quốc tịch Anh, đánh giá vào ngày 17/12/2019, “Thông tin một chiều. Avaaz xứng đáng ít hơn 1 sao nếu tôi có quyền đánh giá đó”.

Tương tự như Avaaz, trang Change.org cũng đang phải đối mặt với những cáo buộc tương tự. Điển hình nhất là cáo buộc giả mạo chữ ký cộng đồng vào năm 2018.

Cụ thể, Change.org bị CEO Anne Savage của hãng Bicycle Queensland, Australia cáo buộc, hàng trăm nghìn chữ kí kiến nghị cấm việc đi xe đạp sóng đôi ở Úc là sử dụng công cụ Bot tự động để gian lận chữ kí.

Nhà văn Symon Hill, người nổi tiếng với những bài xã luận về hoà bình thế giới, cũng từng chỉ trích trang 38 Degrees – nền tảng kêu gọi cộng đồng có trụ sở ở Anh là dùng ngôn ngữ hiếu chiến để kích động cộng đồng kí tên kêu gọi quân đội Anh tham gia chiến tranh Iraq vào năm 2014.

Lỗ hổng bảo mật thông tin từ mạng xã hội

Việc bị lộ thông tin cá nhân là điều đáng sợ, kẻ xấu có thể sử dụng vào mục đích xấu. Thời gian qua, người dùng Facebook ở Việt Nam bị đánh cắp tài khoản với mục đích lừa tiền bạn bè Facebook của nạn nhân, hoặc dùng tài khoản đó để bán quảng cáo. Nghiêm trọng hơn, kẻ xấu có thể phát tán các thông tin nhạy cảm, nội dung sex hoặc chống phá nhà nước mang lại hệ lụy nghiêm trọng.

Cách thức là kể xấu tạo ra các trò chơi, hay các ứng dụng yêu cầu phải đăng nhập thông tin cá nhân của người dùng. Khi người dùng tham gia, vô tình đã cung cấp thông tin. Những thông tin đó sẽ bị lộ từ những người tạo ra trò chơi và bán cho vô số bên cần thiết. Thậm chí, người dùng có thể đánh mất mật khẩu nếu các trò chơi, ứng dụng đó cài sẵn virus.

Ngôi sao mới nổi trong số các nền tảng mạng xã hội là Tik Tok của Trung Quốc cũng vừa bị đệ đơn tại tòa án California (Mỹ) vào tuần trước với cáo buộc công ty TikTok đánh cắp dữ liệu người dùng và gửi đến các máy chủ tại Trung Quốc. Đơn kiện đến từ Misty Hong, một sinh viên tại California. Cô tải ứng dụng TikTok vào khoảng tháng 3 hoặc tháng 4/2019. Theo đơn kiện, Hong dùng ứng dụng nhưng chưa từng tạo tài khoản. Misty Hong chỉ quay một vài video và không đăng tải lên mạng.

Hong phát hiện TikTok đã tự tạo tài khoản cho cô với tên người dùng là một chuỗi ký tự. Bên cạnh đó, Tik Tok cũng sử dụng số điện thoại của cô làm mật khẩu. Misty Hong cho rằng, TikTok lấy các video cô đã quay nhưng chưa đăng tải lên mạng cùng với hàng loạt dữ liệu cá nhân khác chuyển đến máy chủ ở Trung Quốc. Vụ kiện này đã xác định một số máy chủ Trung Quốc được vận hành bởi 2 công ty tên tuổi là Tencent và Alibaba.

Ông Robert Williams, Giáo sư Luật tại Đại học Yale, Mỹ khuyến cáo, “Tik Tok thực sự có vấn đề. Dữ liệu cá nhân của người Mỹ có thể bị thu thập cho mục đích tấn công an ninh quốc gia.”

Ông Robert cảnh báo, Chính phủ Mỹ cần vào cuộc và cấm Tik Tok.

Hồng Hạnh(tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn