Chuyên gia khẳng định: Dùng chung kim tiêm có thể lây sốt xuất huyết

Sức khỏeThứ Sáu, 18/08/2017 15:20:00 +07:00

Theo Ths.Nguyễn Đức Khoa (Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế), ngoài đường lây truyền qua vật trung gian là muỗi vằn, sốt xuất huyết còn có thể lây do truyền trực tiếp máu người bệnh sang người lành, dùng chung bơm kim tiêm...

Hiện nay, dịch sốt xuất huyết đang có chiều hướng gia tăng, nhiều bệnh viện đang trong tình trạng quá tải, lượng bệnh nhân sốt xuất huyết nhập viện điều trị nhiều. Hầu hết, các bệnh nhân bị sốt xuất huyết là do muỗi đốt truyền cho.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc dùng chung kim tiêm giữa người này với người khác, tiêm chích ma túy chung bơm kim tiêm, truyền máu không an toàn... cũng là một trong những nguyên nhân có thể làm lây nhiễm sốt xuất huyết.

Ths_Nguyen_Duc_Khoa

Ths. Nguyễn Đức Khoa: 'Dùng chung bơm kim tiêm truyền máu có nguy cơ lây nhiễm sốt xuất huyết". (Ảnh: Nguyên Hoàng)

Trao đổi với PV VTC News, Ths.Nguyễn Đức Khoa – Phó phòng kiểm soát dịch bệnh Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho biết: "Virus gây sốt xuất huyết lây truyền chủ yếu qua trung gian truyền bệnh là muỗi vằn. Muỗi hút máu người bệnh, mang theo virus rồi truyền sang cho người lành, gây ra bệnh sốt xuất huyết.

Loại virus này có thể tồn tại trong cơ thể muỗi vằn từ 8-10 ngày, sau đó thông qua tuyến nước bọt của muỗi, đi vào cơ thể người qua vết cắn. Tuy nhiên, nhiều trường hợp không cần phải đợi 8 tới 10 ngày. Ngay sau khi muỗi vằn hút máu người bệnh, rồi sang đốt người lành đã có thể lây truyền sốt xuất huyết".

Ông Khoa còn cho biết thêm, muỗi không phải là đường truyền bệnh sốt xuất huyết duy nhất. Sự thật thì, bệnh sốt xuất huyết cũng có thể lây truyền cho người khác thông qua việc truyền máu hoặc dùng chung bơm, kim tiêm không an toàn.

Theo ông Khoa: "Những người dùng chung bơm kim tiêm khi tiêm thuốc, chích hút ma túy, hay truyền máu lấy từ người có virus Dengue sang trực tiếp vào mạch máu người lành, đều có nguy cơ rất cao lây truyền sốt xuất huyết".

Video: Dùng chung bơm kim tiêm truyền máu có thể lây nhiễm sốt xuất huyết 

Tuy nhiên, những nguyên nhân trên chỉ có nguy cơ thấp. Vì ở nước ta, việc truyền máu, cho nhận máu rất an toàn. Theo đúng quy trình, khi nhận máu từ người hiến, máu đã được kiểm tra sàng lọc, xét nghiệm kỹ càng, sau đó xử lý và bảo quản phù hợp để tránh hoàn toàn các mầm bệnh truyền nhiễm như virus sốt xuất huyết". 

Cả nước ta, hiện có hơn 90.000 người mắc sốt xuất huyết, 24 trường hợp tử vong. Tỷ lệ mắc sốt xuất huyết tăng 30% so với năm 2016. Các địa phương mắc cao là Hà Nội,Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đà Nẵng, Khánh Hòa…

Cho tới nay, nguyên nhân phổ biến gây lây lan bệnh sốt xuất huyết được xác định là do muỗi vằn. Ngoài ra, bệnh còn có thể lây do dùng chung kim tiêm, chích hút ma túy chung kim hoặc truyền máu không an toàn.

Nguyên Hoàng - Lê Thạch
Bình luận
vtcnews.vn