Chuyên gia giao thông: 'Bắt buộc phải hạn chế phương tiện cá nhân ở Hà Nội'

Thời sựThứ Sáu, 23/09/2016 07:05:00 +07:00

“Chủ trương hạn chế phương tiện cá nhân trên địa bàn TP Hà Nội là việc bắt buộc để xây dựng một thành phố văn minh”, nguyên Giám đốc Sở GT–VT Hà Nội khẳng định.

Hà Nội vừa đưa ra đề án "Tăng cường quản lý phương tiện giao thông cá nhân nhằm giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố” do Sở Giao thông Vận tải Hà Nội và Viện chiến lược phát triển GTVT (Bộ GTVT) soạn thảo để lấy ý kiến các nhà khoa học, chuyên gia.

un-tac-giao-thong

Ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm tại Hà Nội. (Ảnh minh họa)  

Trong đề án có đưa ra lộ trình hạn chế tiến dần đến cấm đối với xe máy lưu thông vào nội thành Hà Nội. Đề án ngay lập tức đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều, nhất là đối với những người ngoại tỉnh làm việc ở Hà Nội. Đa số ý kiến cho rằng việc làm này là gây khó dễ, thiếu công bằng.

Trả lời về vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Linh, nguyên Giám đốc Sở GT –VT Hà Nội khẳng định, chủ trương hạn chế phương tiện cá nhân trên địa bàn TP Hà Nội là việc bắt buộc, bởi nếu không thực hiện chủ trương này thì không bao giờ có một thành phố văn minh.

“Việc hạn chế phương tiện cá nhân và phát triển hệ thống vận tải công cộng là bắt buộc phải làm. Tuy nhiên việc này phải có cơ sở khoa học hợp lý, có lộ trình nhất định, công tác tuyên truyền đến quần chúng nhân dân, người dân ủng hộ thì mới làm được.

Để ban hành đề án này vào năm 2021, ngay từ bây giờ cần phải thực hiện song song hai việc hạn chế phương tiện cá nhân và phát triển xe buýt thì xe buýt mới có đường đi”, ông Linh nói.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Lê Đỗ Mười, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược GTVT nhận định, đây là đề án cần thiết bởi Hà Nội đang đứng trước nguy cơ ùn tắc giao thông rất lớn với lượng xe cá nhân tăng nhanh, trong đó tăng nhanh nhất là xe máy. Lượng xe máy lớn không chỉ gây ùn tắc giao thông mà còn ảnh hưởng đến môi trường.

“Muốn thực hiện được vấn đề này trước tiên dịch vụ vận tải công cộng phải đáp ứng được yêu cầu đi lại của người dân. Trong bản đề án này chúng tôi cũng tập trung vào việc phát triển vận tải hành khách công cộng trong đó xe buýt là phương tiện được ưu tiên số 1.

tac_duong_vdlb

Hà Nội đã đưa ra lộ trình hạn chế xe máy, ô tô cá nhân từ 2020.  

Vì vậy cần tập trung vào khảo sát, lập quy hoạch mạng lưới vận tải hành khách công cộng, bằng xe buýt, tạo kết nối phục vụ cho người dân bằng xe buýt được nâng lên.

Mở rộng đầu tư kết cấu hạ tầng, nhà chờ, phương tiện để tăng cường kết nối giữa người dân với phương tiện và những nơi người dân đi”, ông Mười nói.

Trong khi đó, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thủy – nguyên Giám đốc Nhà xuất bản giao thông – một chuyên gia có hơn 30 năm kinh nghiệm nghiên cứu giao thông của nhiều quốc gia trên thế giới cho rằng việc hạn chế phương tiện cá nhân trong TP Hà Nội vào năm 2021 là quá sớm.

Thăm dò ý kiến: Bạn có đồng ý với đề án hạn chế phương tiện giao thông cá nhân ở Hà Nội?

“Từ nay đến 2021 chỉ còn 6-7 năm nữa, lúc đó tỷ lệ giao thông công cộng mới tăng lên được 20%, chưa thể đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Đến năm 2025, Hà Nội cũng chưa thể hoàn thành 5 tuyến đường sắt đô thị, vì vậy nếu hạn chế phương tiện cá nhân thì người dân không biết đi bằng gì”, ông Thủy nói.

Ông Thủy cũng chỉ ra, việc cấm xe máy sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của người dân, vấn đề trước mắt từ nay đến 2021 là phải tìm ra giải pháp nào để xử lý tình trạng trên, khi nào đảm bảo việc cấm xe không ảnh hưởng đến bộ phận này rồi mới tính đến việc cấm xe.

“Đề án này để thực hiện cần phải có lộ trình lâu dài, dựa trên sự tự nguyện của người dân, không được phép áp đặt. Trước mắt phải khẩn trương hiện đại hóa giao thông công cộng, khi nào người dân nhận thức được rằng đi xe buýt, đi tàu điện ngầm hiệu quả hơn thì lúc đó mới tính tới việc cấm xe máy”, ông Thủy nhấn mạnh.

Theo dự tính đề án cấm xe máy trong nội đô thành phố Hà Nội sẽ được thực hiện theo 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ năm 2020 sẽ hạn chế xe máy hoạt động trong khu vực phố cổ vào 2 ngày cuối tuần và dịp lễ, Tết.

Năm 2021 sẽ dừng hoạt động đối với xe máy ngoại tỉnh vào khu vực nội đô (bắt đầu từ đường vành đai 1) từ 7h đến 19h hàng ngày, đồng thời hạn chế xe máy hoạt động trong khu vực phố cổ các ngày trong tuần.

Giai đoạn 2 từ năm 2023 sẽ mở rộng phạm vi dừng hoạt động đối với xe máy ngoại tỉnh, bắt đầu từ vành đai 2, đồng thời mở rộng hạn chế ra các tuyến phố cũ (phố Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt...).

Giai đoạn 3 đến năm 2025 sẽ cấm xe máy một số địa điểm trong vành đai 3.

Video: Tắc đường 20 tiếng, 12 người chết vì kiệt sức

Ngọc Thắng
Bình luận
vtcnews.vn