Chuyên gia: GDP quý 1 tăng 6,79% là hợp lý

Kinh tếThứ Sáu, 29/03/2019 16:52:00 +07:00

Giới chuyên gia đánh giá, chỉ số tăng trưởng GDP quý 1 năm 2019 đạt 6,79% là hợp lý với tình hình hiện nay.

Chỉ số tăng trưởng GDP quý 1 vừa được Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố sáng nay là 6,79%, thấp hơn cùng kỳ năm 2018 nhưng cao hơn cùng kỳ của giai đoạn 2011 - 2017.

Tăng trưởng hợp lý

Trả lời VTC News, TS Kinh tế Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên Cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), cho biết con số tăng trưởng 6,78% tuy thấp hơn quý 1 năm ngoái nhưng hợp lý với định hướng điều hành.

A1A

 Tăng trưởng GDP quý I đạt 6,79%, theo các chuyên gia kinh tế là hợp lý tuy nhiên nền kinh tế vẫn sẽ đối mặt nhiều thách thức để đạt chỉ tiêu tăng trưởng 2019.

“Chính phủ vừa rồi lo tăng trưởng GDP quý 1/2019 thấp hơn so với kịch bản được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra. Nhưng theo tôi, tăng trưởng như thế là hợp lý với định hướng điều hành”, ông Thành nói.

Theo PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá (Bộ Tài chính), tốc độ tăng trưởng 3 tháng đầu năm năm thấp hơn cùng kỳ năm ngoái do rất nhiều nguyên nhân.

“Chỉ số GDP quý 1 năm nay giảm so với năm trước theo tôi xuất phát từ nhiều yêu tố, gồm cả chủ quan và khách quan. Tựu chung lại, trong bối cảnh hiện nay thì rào cản về thể chế, môi trường kinh doanh, sự chậm trễ của các cơ quan chức năng … và biến động bất định của kinh tế thế giới chính là tác động lớn nhất làm cho GDP của quý 1 tăng chậm”, ông Long nhận định.

Ngoài ra, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá cho rằng trong hơn 10 năm trở lại, chỉ quý 1/2018 là tăng trưởng GDP tăng cao đột biến. Những năm khác, GDP trong quý có xu hướng giảm, do ảnh hưởng của tết Nguyên đán với thời gian nghỉ dài.

Cùng chung quan điểm, chuyên gia kinh tế độc lập - TS Vũ Đình Ánh cho rằng chỉ số GDP quý 1 năm nay đạt 6,78% là ổn. “Trừ quý 1/2018 là trường hợp tương đối đặc biệt, còn thì thông thường, tăng trưởng thường chậm vào đầu năm và tăng nhanh vào cuối năm. Việc GDP tăng cao hơn cùng kỳ của giai đoạn 2011 – 2017 cho thấy đây là tín hiệu tốt, khả năng tăng trưởng GDP năm nay sẽ bằng hoặc cao hơn 2018 ”, TS Vũ Đình Ánh nói.

Kịch bản linh loạt

Theo PGS.TS Ngô Trí Long, động lực tăng trưởng, tiềm năng cho tăng trưởng vẫn còn nhiều, vấn đề là chúng ta phải làm sao để khai thác hết các tiềm năng tăng trưởng đó.

Untitled

 Tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong quý 1 từ 2009 - 2019. (Ảnh: VNE)

“Năm 2019, kinh tế Việt Nam phải đối mặt với khó khăn từ sự biến động của kinh tế thế giới, giá nhiên liệu tăng do hiện nay các nước OPEC đang siết nguồn cung… Trong nước, dịch lợn Châu Phi cùng việc điều chỉnh tăng giá điện chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới nền kinh tế. Ngoài ra, hàng loạt rào cản về môi trường kinh doanh, năng suất lao động, ngân sách và nợ công chậm được cải thiện, nhiều doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động… cũng sẽ tạo áp lực lớn lên tăng trưởng”, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá nhận định.

TS Kinh tế Võ Trí Thành nhìn nhận kinh tế thế giới hiện nay rất khó đoán, tính bất định rất cao và tạo áp lực rất lớn đến kinh tế vĩ mô của Việt Nam.

“Tăng trưởng kinh tế của Mỹ và Trung Quốc đang giảm tốc nhanh so với dự báo cách đây 2-3 tháng. Nếu 6 tháng cuối năm, tăng trưởng kinh tế thế giới giảm, thế giới xuất hiện nhiều yếu tố bất định thì vùng kháng cự của Việt Nam sẽ ở đâu”, ông Thành đặt câu hỏi.

Do đó, theo nguyên Phó viện trưởng CIEM, trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam phải có chuẩn bị cho sự linh hoạt phù hợp.

“Về chính sách tài khoá, nguyên tắc vàng là chi ít hơn thu nhưng hiện nay tình hình ngân sách của Việt Nam có rất nhiều vấn đề. Vì vậy, cần xem xét các giải pháp để xử lý vấn đề một cách căn cơ, phù hợp và bền vững”, ông Thành nói.

Theo Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2019 ước tính tăng 6,79% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,68%, đóng góp 4,9% vào mức tăng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,63%, đóng góp 51,2%; khu vực dịch vụ tăng 6,5%, đóng góp 43,9%.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quan ba tháng đầu năm tăng 2,63% so với cùng kỳ 2018. Lạm phát cơ bản tháng 3 giảm 0,06%, mức giảm thấp nhất trong ba năm.

HOÀNG HƯNG
Bình luận
vtcnews.vn