Chuyên gia Đức: Châu Âu ngày nay dễ bị tổn thương từ trên không hơn 20 năm trước

Thế giớiChủ Nhật, 22/09/2019 18:50:00 +07:00

Vụ tấn công của máy bay không người lái nhằm vào các cơ sở dầu mỏ tại Ả-rập Xê-út là nguyên nhân khiến các chuyên gia Đức bắt tay thực hiện nghiên cứu này.

Châu Âu ngày nay đang trở nên dễ bị tổn thương hơn từ trên không so với 20 năm trước, và thật vô trách nhiệm khi để điều đó xảy ra - các chuyên gia Christian Mölling, phó giám đốc của Hiệp hội Chính sách đối ngoại Đức và Torben Schütz, một nhà nghiên cứu tại Berlin nhận định. Chính các cuộc thảo luận về việc liệu vụ tấn công gần đây nhằm vào các cơ sở dầu ở Ả-rập Xê-út có ý nghĩa gì đối với Đức đã thúc đẩy hai chuyên gia bắt tay nghiên cứu và đưa ra kết luận này.

Theo các chuyên gia, cuối tuần trước, máy bay không người lái tấn công các cơ sở dầu mỏ lớn nhất của Ả-rập Xê-út khiến các cơ sở này hứng chịu những tổn thất nghiêm trọng. Ông Mölling và Schütz tin rằng đây có thể coi là một tín hiệu cảnh báo nghiêm trọng cho cả châu Âu và Đức. Nguyên nhân là do ngày càng có nhiều loại máy bay xuất hiện trên thế giới, trong khi nền quốc phòng châu Âu lại có những khoảng trống và thiếu sót.

Ngày càng nhiều các bên quan tâm có thể sử dụng máy bay không người lái làm vũ khí, và các cuộc tấn công của họ có thể được hướng vào cả các mục tiêu quân sự lẫn các cơ sở hạ tầng quan trọng. Không những thế, những kẻ tấn công hoàn toàn có thể là những đối tượng chưa được biết đến - các nhà nghiên cứu nhấn mạnh.

1

Châu Âu đang dễ bị tổn thương từ trên không hơn so với 20 năm trước? (Ảnh: Reuters) 

Trong khi đó, các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái chỉ là một phần nhỏ trong những mối đe dọa hủy diệt từ trên không - các chuyên gia Đức cảnh báo. Trọng tâm của vấn đề chính là ở sự phổ cập và phát triển của các loại công nghệ và hệ thống vũ khí mới.

Hậu quả của các quá trình này rõ ràng là đánh lưu tâm không chỉ ở Trung Đông, mặc dù chúng đặc biệt rõ rệt: trong những tháng gần đây, người Hussite ngày càng sử dụng máy bay không người lái trong các hoạt động chiến đấu của họ một cách thường xuyên hơn. Xu hướng tương tự cũng được quan sát thấy ở châu Âu và ở những quốc gia nơi Đức có các hoạt động quân sự.

Do thực tế là trong thế giới hiện đại, các công nghệ như vậy là cực kỳ dễ tiếp cận, và ngày càng có nhiều “người chơi” có thể thực hiện các cuộc không kích – ví dụ như Hussite, tổ chức khủng bố IS hay dân quân ở miền đông Ukraine - các chuyên gia liệt kê. Thực trạng này cũng nhận được sự quan tâm của các quốc gia có khả năng cung cấp các hệ thống vũ khí như vậy cho các nhóm mà họ hỗ trợ trong một cuộc chiến trung gian.

Khi nhiều người có thể tấn công từ trên không, điều này làm mở rộng phạm vi khoanh vùng các đối tượng có khả năng chịu trách nhiệm thực hiện các cuộc tấn công - các chuyên gia Đức viết. Do đó, công việc chứng minh trách nhiệm chính xác thuộc về ai cũng trở nên khó khăn hơn. Cũng vì đó, các vụ tấn công như vậy sẽ không được coi là chiến tranh thực sự, nhưng lại gây ra những thiệt hại đáng kể.

Không chỉ có máy bay không người lái, các loại tên lửa tầm trung cũng tạo ra các mối đe dọa tiềm ẩn trên không - các nhà nghiên cứu lưu ý. Việc xóa bỏ Hiệp ước INF khiến chúng ta phải lưu ý đến khả năng hủy diệt của chúng – tên lửa hành trình tầm trung mặt đất của Nga hiện có thể tấn công vào tất cả các trung tâm chính trị ở châu Âu, ngoại trừ Lisbon. Chúng đặt ra mối đe dọa đối với các cơ sở hạ tầng quan trọng như bến cảng hay sân bay - các chuyên gia cảnh báo.

Thời gian nhận diện, cảnh báo đối với các hệ thống tên lửa như vậy là rất ngắn, do đó rất khó để đẩy lùi các cuộc tấn công đó. Trong những năm tới, tốc độ của tên lửa hành trình sẽ còn được tăng lên – giờ đây vũ khí siêu thanh có thể đạt tốc độ nhanh hơn nhiều lần so với tốc độ âm thanh.

Bên cạnh những khả năng mới, việc chuyển đổi các hệ thống phòng không và tên lửa hành trình sang các công nghệ số cũng dẫn đến cả những điểm yếu mới. Mục tiêu tấn công của những chiếc máy bay quân sự hiện đại giờ đây sẽ là mạng lưới số của các hệ thống phòng không.

Nếu thực sự coi các mối đe dọa này là đặc biệt nghiêm trọng, chúng ta cần phải tìm ra các giải pháp chính trị và giải pháp kỹ thuật mới - các tác giả kêu gọi. Đó có thể là một chế độ kiểm soát vũ khí mới hoặc các hiệp ước không phổ biến vũ khí – những cơ chế có thể ngăn chặn việc sử dụng một loạt các vũ khí như máy bay không người lái, máy bay quân sự hiện đại, tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình...

Các thỏa thuận này cũng cần phải bao gồm cả Trung Quốc và Ấn Độ, nhưng điều đó sẽ khó xảy ra cho đến khi nào có cái gì đó có thể thu hút các quốc gia này. Tuy nhiên, các thỏa thuận như vậy vẫn chưa phải là một giải pháp đầy đủ - các chuyên gia nói. Máy bay không người lái cỡ nhỏ có thể được sử dụng cho mục đích thương mại và chỉ cần những cải tiến nhỏ là hoàn toàn có thể sử dụng chúng trong lĩnh vực quân sự hoặc cho các cuộc tấn công khủng bố.

Trong 20 năm qua, Đức và châu Âu đã bị suy giảm khả năng phòng thủ trước các mối đe dọa trên không đi khoảng 2/3 - bài báo viết. Nếu nghiêm túc muốn đương đầu với các mối đe dọa mới, châu Âu sẽ cần đầu tư rất nhiều tiền vào việc phát triển hệ thống phòng thủ và tăng khả năng sẵn sàng chiến đấu - các chuyên gia kết luận.

Văn Đức
Bình luận
vtcnews.vn