Chuyên gia: Đến năm 2020, chỉ có thể đạt tối đa 50% mục tiêu Chiến lược biển

Thời sựThứ Sáu, 28/09/2018 09:15:00 +07:00

TS. Hoàng Việt, chuyên gia Ban Nghiên cứu luật Biển và hải đảo cho biết, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, Việt Nam hiện còn nhiều khó khăn và trở ngại để hoàn thành mục tiêu 10 năm Chiến lược biển đã đề ra.

Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X đã thông qua Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 9/2/2007 “Về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”, trong đó xác định ba mục tiêu chính: phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển; xây dựng và phát triển toàn diện các lĩnh vực kinh tế, xã hội, khoa học - công nghệ theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá; tăng cường hợp tác quốc tế, đồng thời bảo đảm vững chắc chủ quyền quốc gia trên biển, đảo.

Trả lời phỏng vấn của VTC News, TS. Hoàng Việt, chuyên gia Ban Nghiên cứu luật Biển và hải đảo thuộc Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho biết, việc phát triển kinh tế biển và xây dựng cơ sử hạ tầng, ứng dụng khoa học – công nghệ tiên tiến còn nhiều hạn chế, đồng thời những tranh chấp trên biển diễn ra liên miên khiến việc thực hiện chiến lược 10 năm biển đảo đến năm 2020 của Việt Nam gặp nhiều khó khăn, khó có thể hoàn thành mục tiêu đúng thời hạn.

Chuyên gia nhận định, theo tốc độ hiện tại thì đến năm 2020, Việt Nam chỉ có thể hoàn thành tối đa 50% mục tiêu đã đặt ra.

Thay_Hoang_Viet

Chuyên gia nghiên cứu Biển Đông Hoàng Việt. (Ảnh: Hcmulaw) 

Ông cũng nhấn mạnh, tình hình biển đảo nước ta đang có những diễn biến phức tạp, đe dọa đến chủ quyền lãnh thổ, đặc biệt trong vấn đề tranh chấp trên Biển Đông, đồng thời kiến nghị các cơ quan quản lý Nhà nước, lãnh đạo các ban ngành cần tỉnh táo để ngăn chặn những ‘bẫy tuyên truyền’ của Trung Quốc.

Thưa ông, trong Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 9/2/2007 “Về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020” đã xác định mục tiêu biến nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, tính đến thời điểm này Việt Nam đã đạt được mục tiêu đó chưa?

Muốn trở thành quốc gia mạnh về biển, chúng ta cần chú trọng phát triển kinh tế biển. Mặc dù thời điểm kết thúc chiến lược 10 năm về biển và hải đảo đã gần kề, nhưng việc phát triển kinh tế biển còn nhiều hạn chế. Theo dự định đến năm 2020 GDP từ các hoạt động kinh tế trên biển đóng góp khoảng 53-55% tổng GDP cả nước, tuy nhiên, theo thống kê đến năm 2013, tỷ trọng đóng góp cho GDP cả nước từ hoạt động kinh tế biển mới chỉ đạt 18% và không thay đổi nhiều trong những năm gần đây.

Đáng lưu ý là tỷ trọng này có chiều hướng giảm, từ 22% (năm 2005) xuống còn 18% (năm 2013) do có sự sụt giảm trong đó có đóng góp của ngành dầu khí và ngành hàng hải. Theo đà này đến hết năm 2020, để đạt được con số 53-55% theo kế hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản đề ra là rất khó, gần như không tưởng.

thay_hoang_viet-0757244 5

 

Theo tốc độ hiện tại thì đến năm 2020, Việt Nam chỉ có thể hoàn thành tối đa 50% mục tiêu đã đặt ra.

TS. Hoàng Việt

- Tốc độ phát triển các ngành nghề trên biển của nước ta liệu đã đáp ứng được với nhu cầu của thực tế và đúng với tiềm năng?

Chúng ta có thể nhìn thấy tốc độ tăng trưởng, phát triển trong lĩnh vực nuôi trồng và khai thác hải sản, tuy nhiên trong nhiều trương hợp tôi đánh giá mức độ tăng trưởng này không bền vững.

Việc ngư dân khai thác hải sản quá mức, kèm theo sử dụng các phương tiện có tính chất hủy diệt như thuốc nổ, kích điện, lưới giã cào dẫn đến việc hủy hoại môi trường sinh thái, cạn kiệt nguồn tài nguyên biển, làm giảm khả năng khai thác về sau.

- Và thế mạnh của Việt Nam trên biển là...

Ưu thế của nước ta là đường bờ biển dài, chạy dọc toàn bộ đất nước, đáp ứng tiềm năng khai thác, nuôi trồng hải sản. Bên cạnh đó, nước ta có nhiều bờ biển đẹp, là cơ sở quan trọng để phát triển du lịch biển và vận tải biển.

- Vấn đề thực hiện kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng - an ninh, và bảo vệ môi trường trên biển của nước ta được đánh giá là tốt, thưa ông?

Việc kết hợp phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng – an ninh, theo tôi, được thực hiện tương đối tốt. Trong những năm gần đây, nhiều tàu thuyền của Ấn Độ, Pháp, Mỹ, Anh,… đều cập cảng nước ta, điều này cho thấy việc đảm bảo an ninh quốc phòng trên biển của nước ta có những bước tiến quan trọng.

Tuy nhiên, việc kết hợp phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường biển tôi đánh giá là chưa làm tốt. Một số nguyên nhân có thể kể ra là việc khai thác quá mức tài nguyên biển, sử dụng các phương tiện gây hại trong quá trình đánh bắt trên biển, chưa có các vùng quy hoạch trong nuôi trồng, cùng những hệ lụy từ việc phát triển du lịch biển, như việc nhiều cơ quan, khách sạn, nhà hàng xả trực tiếp nước thải ra biển khiến khu vực bãi biển phía Bắc vịnh Nha Trang, Khánh Hòa bị ô nhiễm, bốc mùi hôi thối những ngày gần đây. Những hành vi như vậy gây ô nhiễm môi trường biển, ảnh hưởng đến các tiềm năng phát triển về sau.

Một ví dụ khác là thời gian gần đây nhiều địa phương đã hăng hái quá mức trong việc nhận chìm vật chất. Việc làm này có tác động thay đổi toàn bộ môi trường biển, ảnh hưởng đến sự phát triển của các sinh vật biển trong khu vực. Hoạt động nhận chìm đã được luật pháp quốc tế và luật pháp Việt Nam cho phép, tuy nhiên, nên có giới hạn và đặt dưới sự kiểm soát chặt chẽ.

- Còn vấn đề tiềm năng khoa học – công nghệ biển và kế hoạch xây dựng các cơ sở hạ tầng trên biển, thưa ông?

Ở một số khu vực, như Trường Sa, chúng ta đang thực hiện tốt theo chiều hướng cải tạo, phát triển các trung tâm cứu hộ trên biển. Tuy nhiên, việc phát triển hạ tầng trên biển ở các khu vực khác hiện vẫn chưa được chú trọng, chưa tương xứng với tiềm năng vốn có. Ví dụ, nhiều khu vực Trung Bộ và Nam Bộ đã xem xét xây dựng đê biển, hoạt động này cần rất nhiều kinh phí nhưng không đem lại nhiều hiệu quả do các đợt mưa lũ kéo dài.

Việc phát triển các tiềm năng công nghệ, cũng như xây dựng các cơ sở hạ tầng trên biển theo tôi đánh giá còn yếu, mới ở giai đoạn đầu.

2_quan_ly_tai_nguyen_moi_truong_bien_1 6

 Việt Nam có nhiều thế mạnh để phát triển kinh tế biển. (Ảnh minh hoạ)

Ông đánh giá thế nào về những nỗ lực của Việt Nam trong việc hợp tác quốc tế, thu hút các nguồn lực bên ngoài?

Trong nỗ lực phát triển kinh tế biển, Việt Nam không ngừng tìm kiếm sự hỗ trợ, hợp tác giúp đỡ từ bên ngoài. Thời gian qua, chúng ta đã đạt được những thỏa thuận quốc tế song phương với các nước có thế mạnh về biển, đồng thời chia sẻ những thông tin tình báo trên biển với nhiều quốc gia. Có thể nhận thấy Việt Nam có những bước tiến nhất định trong hợp tác quốc tế trên biển, tuy nhiên, quan hệ quốc tế chưa phát triển mạnh, đặc biệt, cơ chế hợp tác đa phương chúng ta vẫn chưa có.

Những tranh chấp trên biển cần phải được xử lý ra sao, thưa ông?

Tranh chấp trên biển ở nước ta khá phức tạp. Có thể kể đến tranh chấp về chủ quyền song phương Việt Nam – Trung Quốc trên quần đảo Hoàng Sa, và tranh chấp đa phương gồm 5 nước, 6 bên tại quần đảo Trường Sa (bao gồm Việt Nam, Trung Quốc, Malaysia, Philippines, Bruney và vùng lãnh thổ Đài Loan). Một tranh chấp khác không kém phần nghiêm trọng liên quan đến ‘đường lưỡi bò’ của Trung Quốc bao trùm khoảng 80% biển Đông, gây phẫn nộ cho rất nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Trước thực trạng đó, chủ trương của Đảng và Nhà nước Việt Nam là giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, dựa trên việc thực hiện nghiêm chỉnh luật quốc tế nói chung, trong đó có Hiến chương lập quốc và Công ước Luật biển năm 1982. Các văn bản này được xem là khung pháp lý, cơ sở để các quốc gia giải quyết xung đột với nhau trên biển.

- Nhiều ý kiến cho rằng chúng ta cần cảnh giác và có cách đối phó với “bẫy tuyên truyền” của Trung Quốc...

Trung Quốc đã ấp ủ chiến lược về biển từ rất lâu, trước đây do chưa đủ mạnh nên quốc gia này “giấu mình, chờ thời”, chỉ đến thời điểm hiện tại mới tiến hành kế hoạch. Trung Quốc, với mục tiêu “không đánh mà vẫn thắng”, đã thực hiện 3 cuộc chiến trên các phương diện luật pháp, tâm lý và kênh thông tin.

-080312 7

 

Trung Quốc có rất nhiều “chiêu bài” trong vấn đề chủ quyền lãnh thổ, tuy nhiên, chúng ta hoàn toàn có thể ngăn chặn những “bẫy tuyên truyền” của Trung Quốc.

Một mặt, Trung Quốc lên tiếng đe dọa các quốc gia nhỏ và ít tiềm năng hơn về việc sẽ phải nhận những bài học thích đáng nếu chống lại, thực hiện các biện pháp trừng phạt kinh tế. Mặt khác, Trung Quốc chú trọng hoạt động tuyên truyền, lôi kéo rất nhiều học giả phương Tây thân Trung Quốc đăng những bài viết có lợi cho Trung Quốc trên các diễn đàn quốc tế.

Trung Quốc, theo tôi, có khả năng cao trong việc “bẻ lái”, biến những điều không có thật về mặt chứng cứ thành những luận điệu có lợi, phục vụ mục đích của mình. Ví dụ, Trung Quốc dựa vào việc tên quốc tế của Biển Đông là South China Sea (Biển Nam Trung Hoa) để khẳng định rằng vùng biển này thuộc chủ quyền của họ. Tuy nhiên, điều này hoàn toàn không có cơ sở pháp lý, bởi nếu luật quốc tế dựa trên tên gọi thì Ấn Độ Dương phải thuộc về Ấn Độ, hoặc Vịnh Bắc Bộ phải hoàn toàn thuộc về Việt Nam chứ không phải cùng chia sẻ với Trung Quốc.

Trung Quốc có rất nhiều “chiêu bài” trong vấn đề chủ quyền lãnh thổ, tuy nhiên, nếu các cơ quan quản lý của Việt Nam có những hiểu biết sâu về vấn đề này, chúng ta hoàn toàn có thể ngăn chặn những “bẫy tuyên truyền” của Trung Quốc.

Những khó khăn và thách thức nào chúng ta gặp phải trong quá trình thực hiện các mục tiêu chiến lược biên giới Việt Nam đến năm 2020, thưa ông?

Chiến lược 10 năm biển đảo mà Đảng và Nhà nước đặt ra về mặt mục tiêu rất tốt, tuy nhiên chúng ta gặp phải nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện nó. Từ năm 2007 sau khi ban hành chiến lược về biển, đến thời điểm hiện tại, nước ta vẫn chưa thành lập được một Ban Điều phối, chịu trách nhiệm quản lý thực hiện các mục tiêu chỉ định. Việc quản lý theo ngành và lãnh thổ hiện còn gặp nhiều lúng túng, chồng chéo nhau. Vấn đề nữa là các mục tiêu được đưa ra còn chung chung, thiếu các phương án cụ thể.

vung_tau_5 4

 Việt Nam cần đẩy mạnh phát triển kinh tế biển. (Ảnh minh hoạ) 

Vậy khả năng hoàn thành các mục tiêu đã đặt ra của nước ta trong chiến lược biển năm 2020 khi thời gian đến thời điểm đó đã cận kề­­­?

Trong chiến lược đề ra năm 2007 bao gồm 3 mục tiêu lớn. Theo tình hình hiện tại, tôi đánh giá đến năm 2020 chúng ta chỉ có thể đạt tối đa 50% mục tiêu chiến lược.

Như đã trình bày ở trên, việc phát triển kinh tế biển và xây dựng cơ sử hạ tầng, ứng dụng khoa học – công nghệ tiên tiến còn nhiều hạn chế. Các tập đoàn lớn về hàng hải như Vinalines, Vinashin liên tục chịu thua lỗ, hiện chưa có dấu hiệu vực dậy. Tập đoàn dầu khí cũng gặp phải nhiều vấn đề về tham nhũng, thiếu những báo cáo về thăm dò những mỏ dầu mới, trong khi những mỏ dầu ở gần đã bị khai thác gần hết. Một số lĩnh vực đang phát triển khá tốt, tuy nhiên thiếu yếu tố bền vững.

- Cuối cùng, theo ông thời gian tới Việt Nam cần đẩy mạnh phát triển tiềm năng biển, đảo thế nào?

Hiện tại, chúng ta tập trung nhiều vào khả năng phòng vệ của quốc phòng trên biển. Tuy nhiên, theo tôi, điều đó là chưa đủ, chúng ta cần đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, bao gồm khai thác vận tải biển, tài nguyên biển (đặc biệt là dầu khí), nuôi trồng và khai thác tài nguyên sinh vật biển, kết hợp với việc ứng dụng khoa học – công nghệ.

Việc quản lý ở các khu vực hiện chưa được đồng bộ hóa, còn gặp nhiều khó khăn. Việc làm cấp thiết mà Việt Nam cần thực hiện trong thời gian tới là thiết lập một Ủy ban Điều phối phụ trách quản lý chiến lược biển đảo, đồng thời xây dựng một kế hoạch cụ thể đến từng ban ngành, địa phương để đảm bảo thực hiện các mục tiêu đã đề ra.

Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!

Cẩm My
Bình luận
vtcnews.vn