Chuyên gia: Đề án 'Doanh nghiệp vì người tiêu dùng' rất nhân văn

Doanh nghiệp vì người tiêu dùngThứ Hai, 28/11/2022 15:18:00 +07:00
(VTC News) -

Ông Vũ Vinh Phú, nguyên Phó giám đốc Sở Thương mại, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội phân tích về đề án "Doanh nghiệp vì người tiêu dùng" giai đoạn 2021 - 2025.

Ngày 31/12/2020, Bộ trưởng Công Thương ký Quyết định số 3620/QĐ-BCT về việc phê duyệt Đề án "Doanh nghiệp vì người tiêu dùng" giai đoạn 2021 - 2025. Đề án được xây dựng dựa trên những kế thừa và kết quả của “Đề án Doanh nghiệp vì người tiêu dùng giai đoạn 2018 - 2020”, đồng thời hướng đến các mục tiêu dài hạn trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng như nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mà Đảng và Nhà nước đã đạt trong những năm qua.

Nhận định về đề án này, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng, 5 nhóm nhiệm vụ được nêu trong đề án đã thể hiện việc Nhà nước thực sự quan tâm đến người tiêu dùng, hướng đến quan hệ đối xử giữa người với người trong thương mại trở nên nhân văn hơn.

“Theo tôi, đề án này khá toàn diện với mục đích hết sức nhân văn, tôi hoàn toàn đồng tình. Chúng ta đang phát triển, hội nhập mạnh mẽ. Việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng càng nên được đề cao hơn nữa”, ông Phú nói.

Chuyên gia: Đề án 'Doanh nghiệp vì người tiêu dùng' rất nhân văn - 1

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, nguyên Phó giám đốc Sở Thương mại, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội.

Ông Phú cho biết thêm, ở các nước trên thế giới, vấn đề về con người luôn được đặt lên hàng đầu, sau đó mới đến các yếu tố về vật chất, cơ sở hạ tầng, quy định, quy tắc khác. Ở Việt Nam, yếu tố con người vẫn chưa thực sự được đề cao. Vì thế, đề án được đẩy mạnh thực hiện trong thời điểm này là vô cùng cần thiết.

Tuy nhiên, ông Phú nhấn mạnh: “Bảo vệ người tiêu dùng là phải bảo vệ một cách toàn diện. Trong lĩnh vực thương mại, khi người tiêu dùng tham gia vào quá trình mua bán hàng hóa trên thị trường thì phải được bảo vệ cả về chất lượng, giá cả cũng hàng hóa như quan hệ đối xử giữa con người nhau, đó chính là văn hóa kinh doanh".

Ông Phú dẫn chứng, chẳng hạn như giá thịt heo hơi giảm xuống khoảng 20%, giá thịt heo ngoài chợ trung bình 130.000 đồng/kg nhưng trong một số siêu thị, giá thịt heo vẫn ở mức trung bình 200.000 đồng/kg. Thực tế này khiến người chăn nuôi vẫn lỗ còn người tiêu dùng vẫn phải mua đắt. Rồi những chương trình khuyến mại cuối năm được tung ra rầm rộ, với quảng cáo giảm giá “sập sàn", nhưng vấn đề được đặt ra là các sản phẩm khuyến mại có bị thổi giá lên trước khi khuyến mại hay không, chất lượng có đảm bảo không thì không ai kiểm chứng được. 

“Theo kinh nghiệm của tôi, những tường hợp tăng giá 100% xong chỉ khuyến mại hạ giá 30% không phải là cá biệt trên thị trường. Trong trường hợp này, người tiêu dùng đang bị vi phạm quyền lợi. Như thế là “giết người tiêu dùng" chứ không phải khuyến mại. Người tiêu dùng vẫn không được bảo vệ trong những tình huống như thế này", chuyên gia Vũ Vinh Phú nêu quan điểm.

Một thực trạng nữa mà ông Phú nhắc đến là việc hàng hóa hết hạn sử dụng được người bán xóa đi, dán nhãn mới vào để bán tiếp. Hành vi vi phạm này có thể coi là vấn nạn vô cùng nhức nhối đối với cơ quan chức năng trong quá trình phát hiện, xử lý để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.

Dẫn chứng thêm nhiều tình huống mà quyền lợi của người tiêu dùng bị xâm phạm, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho hay: “Một hộp xốp thức ăn được bọc kín, bán trong một số siêu thị với đầy đủ mã vạch. Đương nhiên, nếu chưa trả tiền, người tiêu dùng không có cách nào kiểm tra được chất lượng bên trong. Nhưng mua xong, mang về nhà mở ra lúc đó mới biết đồ ăn đó có chất lượng hay không. Đây cũng là một tình huống cho thấy người tiêu dùng không được quyền đánh giá chất lượng sản phẩm trước khi quyết định mua chúng".

Ông cũng cho biết, có trường hợp không trực tiếp vi phạm quyền lợi người tiêu dùng song lại gián tiếp vi phạm. Đó là hiện tượng chèn ép nhà sản xuất, nhà cung ứng khi đưa hàng vào một số siêu thị với chiết khấu cao vô lý từ 25-30%. Việc này đã đẩy giá bán lên cao, "móc túi" vô lý người tiêu dùng.

Vì thế, quan điểm của vị chuyên gia này là việc bảo vệ người tiêu dùng là phải bảo vệ từ con cá mớ rau, là những cái nhỏ nhất đến cái lớn như xe máy, ô tô. “Đừng có nói chuyện bảo vệ người tiêu dùng ở những điều to tát như việc mua cái ô tô, xe máy… mà người tiêu dùng cần được bảo vệ từ việc mua những cái tăm”, ông nói.

Ngoài ra, một điểm đáng lưu ý mà chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú nhắc đến đó là Đề án "Doanh nghiệp vì người tiêu dùng" nên có thêm việc sơ kết, đánh giá hiệu quả cụ thể trong quá trình thực hiện. Theo ông Phú, hiện nay, các chương trình khuyến mại sau khi kết thúc hầu như không hề có sự đánh giá xem ai làm tốt, ai làm chưa tốt, những bài học kinh nghiệm cần được rút ra là gì.

Vì không có đánh giá hiệu quả thực tế nên sự minh bạch trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng còn kém. “Chúng ta dễ dàng thấy một hãng nước ngọt, sữa hoặc đồ uống có cồn treo thưởng bằng cả một chiếc ô tô trong chương trình khuyến mại cuối năm. Nhưng chiếc ô tô treo thưởng ở trung tâm thương mại, hết chương trình lại thấy bị chuyển đi, mà chuyển đi đâu thì không ai biết. Vì người tiêu dùng thì trước hết cần phải minh bạch, trung thực. Thực ra chúng ta có nghị định khuyến mại nói rất rõ, chiếc ô tô khuyến mại giả sử trị giá 1 tỷ đồng thì phải nộp một tỷ đồng vào kho bạc. Khi có người trúng, được công khai danh tính hay không thì không bàn, nhưng không có ai trúng thì doanh nghiệp chỉ nhận lại nửa tỷ đồng đã nộp thôi, còn nửa tỷ đồng còn lại phải nộp vào quỹ xúc tiến quốc gia. Tuy nhiên, nhiều năm nay số liệu này tôi chưa thấy cơ quan nào báo cáo cụ thể”, vị chuyên gia phân tích.

Chuyên gia: Đề án 'Doanh nghiệp vì người tiêu dùng' rất nhân văn - 2

Theo chuyên gia Vũ Vinh Phú, người tiêu dùng Việt vẫn chưa được bảo vệ toàn diện bởi tính minh bạch trong thị trường thương mại chưa được đảm bảo.

Cuối cùng, ông Phú nói đến vai trò của các tổ chức như các hiệp hội bảo vệ nguyền lợi người tiêu dùng, Cục Cạnh tranh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng…Theo đó, đề án "Doanh nghiệp vì người tiêu dùng" cần đề cập nhiều hơn đến quyền hạn của các tổ chức này. Phải bổ sung thêm quyền thì mới có thể bảo vệ người tiêu dùng hiệu quả được.

Theo ông Phú, ở các nước, các hiệp hội có quyền đề nghị đình chỉ bán hàng vào siêu thị nếu vi phạm nghiêm trọng nhiều lần; đồng thời trách nhiệm của hội là nếu không bảo vệ được quyền lợi cho người tiêu dùng thì cũng phải chịu trách nhiệm. Còn ở Việt Nam, trong nghị định về các hội không có quyền hạn và cũng không có trách nhiệm trên. Nhiều người tiêu dùng còn chưa biết đến vai trò của những cơ quan này.

"Phải thấy rằng các cơ quan này cũng đã cố gắng hết sức để phát huy được vai trò bảo vệ người tiêu dùng của mình. Muốn đề cao việc bảo vệ người tiêu dùng lên một cấp nào đấy để người tiêu dùng được hưởng lợi, xã hội được văn mình hơn thì còn cả một chặng đường dài mà các tổ chức cần phấn đấu. Do đó, cần tăng thêm quyền hạn để họ thực hiện tốt vai trò của mình", ông Phú nói.

Đề án Doanh nghiệp vì người tiêu dùng do Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) là đơn vị chủ trì gồm 3 phần: Nhiệm vụ (gồm 5 nhiệm vụ), mục tiêu đạt tới và hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.

5 nhóm nhiệm vụ của đề án lần lượt là: Hoàn thiện Bộ tiêu chí đánh giá “Doanh nghiệp vì người tiêu dùng”; Nâng cấp và phát triển hệ thống công nghệ thông tin; Nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, người tiêu dùng và cộng đồng xã hội về vai trò, ý nghĩa của chương trình, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia chương trình; Tăng cường hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp tham gia chương trình, xây dựng và thực hiện các chính sách, quy trình sản xuất kinh doanh nhằm tuân thủ pháp luật, thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp đối với người tiêu dùng; Hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện khảo sát, đánh giá hiện trạng đáp ứng Bộ tiêu chí “Doanh nghiệp vì người tiêu dùng", hoàn thiện chính sách, quy trình sản xuất, kinh doanh.

Mục tiêu của Đề án nhằm thúc đẩy văn hóa kinh doanh vì người tiêu dùng của doanh nghiệp, góp phần xây dựng môi trường tiêu dùng, kinh doanh lành mạnh, bền vững. Tạo điều kiện, cơ chế để khuyến khích các doanh nghiệp nâng cao trách nhiệm của mình đối với người tiêu dùng, giúp doanh nghiệp phát triển nhanh và bền vững. Bên cạnh đó, thúc đẩy doanh nghiệp xây dựng giá trị thương hiệu, định hướng để người tiêu dùng có thể lựa chọn các doanh nghiệp có uy tín, lựa chọn những hàng hóa, dịch vụ chất lượng, an toàn, tiết kiệm và giảm thiểu tác hại tới môi trường.

Công Hiếu
Bình luận
vtcnews.vn