Chuyên gia công nghệ: 'Flappy Bird bị chết một cách tức tưởi'

Kinh tếThứ Hai, 24/02/2014 03:27:00 +07:00

(VTC News) - Đó là tiếc nuối của ông Mai Liêm Trực cũng như nhiều chuyên gia công nghệ thông tin khi đánh giá về hiện tượng Flappy Bird trong thời gian vừa qua.

Ông Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông (nay là Bộ TT&TT) đánh giá: Với việc Flappy Bird đã trở thành hiện tượng gây sốt trên toàn cầu, qua đó có thể thấy rằng CNTT Việt Nam vẫn có nhiều cơ hội ở thị trường thế giới.
Theo ông Trực, các kho ứng dụng mang tính toàn cầu như App Store và Google Play sẽ khiến những trường hợp thành công như Nguyễn Hà Đông xuất hiện nhiều hơn nữa. Giờ đây, trong lĩnh vực CNTT chỉ cần có sản phẩm là có thể bán ra tại nhiều thị trường trên toàn thế giới.

Ông Mai Liêm Trực: Flappy Bird đã chết một cách tức tưởi

Nhìn từ câu chuyện thành công của Flappy Bird có thể thấy đội ngũ nhân lực CNTT ở Việt Nam là rất tiềm năng.
"Chúng ta đã có cơ hội nhưng tại sao lại không phát huy được, qua đó khiến con chim bé nhỏ kia bị chết một các tức tưởi như vậy?", ông Trực đặt ra câu hỏi.
Đồng thời ông Trực cũng chỉ ra rằng, nếu Flappy Bird là sản phẩm của một doanh nghiệp thì có lẽ nó vẫn có thể tồn tại tiếp, từ đó có thể thấy ở Việt Nam hiện chưa có chính sách nào hỗ trợ cho những cá nhân giỏi để phát triển các sản phẩm mang tính toàn cầu, ông Trực nhận định.
Cùng quan điểm, ông Bùi Mạnh Hải, Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam, cho rằng hiện các chính sách đang khá bị động, khó có thể tạo ra được nhiều trường hợp thành công như Flappy Bird.
Tiêu biểu là việc Bộ Tài chính định thu ngay 10 tỷ đồng tiền thuế từ Flappy Bird, ông Hải khẳng định nếu biết cách khuyến khích để tựa game này phát triển, nguồn thu sẽ còn lớn hơn nhiều lần so với số tiền trên. Câu chuyện này giống như trồng 1 cái cây, thay vì vừa ra quả đầu tiên đã tận thu luôn, nếu biết cách chăm sóc chúng ta sẽ có nhiều quả gấp bội, ông Hải so sánh.
Cũng theo ông Hải, đã đến lúc tư duy chính sách cần có thay đổi, khi thấy có sản phẩm tiềm năng thay vì nhìn vào số lợi nhuận ban đầu rồi nghĩ phải thu ngay cho công bằng thì cần tạo điều kiện nó cho phát triển nhằm mang lại nguồn thu lớn hơn, lâu dài hơn.
Ông Lê Doãn Hợp, nguyên Bộ trưởng Bộ TT&TT, cũng cho rằng qua hiện tượng Flappy Bird có thể thấy sự sáng tạo và tài năng trong những người trẻ Việt Nam là rất lớn. Nhà nước cần có chính sách khuyến khích, không nên đặt cái lợi trước mắt làm triệt tiêu khả năng sáng tạo.
Nguồn thu đến của tựa game này từ nước ngoài về Việt Nam, chính vì vậy cần khích lệ cá nhân phát triển, sau đó khuyến khích và tạo điều kiện cho nộp thuế, lúc đó số tiền được nộp sẽ nhiều hơn, ông Hợp tư vấn.
Dưới quan điểm doanh nghiệp, ông Nguyễn Trung Chính, Tổng Giám đốc CMC, đánh giá Flappy Bird đã củng cố niềm tin cho ngành CNTT Việt Nam, rằng, chúng ta hoàn toàn có cơ hội ở thị trường quốc tế.
Việc một ứng dụng đơn giản do cá nhân phát triển có thể trinh phục được hơn 50 triệu khách hàng trên toàn thế giới quả là kỳ tích. Qua đó có thể thấy thành công trong lĩnh vực CNTT không phải chỉ xuất hiện ở các quốc gia lớn, có nguồn lực phát triển dồi dào mà đôi lúc chỉ cần có 1 cá nhân với khoản đầu tư nhỏ cũng có thể cho ra đời các sản phẩm để đời, ông Chính nhận định.
Tựa game Flappy Bird của tác giả Nguyễn Hà Đông đã trở thành hiện tượng trong làng công nghệ Việt Nam và thế giới trong đầu năm 2014. Vào tháng 1/2014, Flappy Bird đã đứng đầu bảng xếp hạng ứng dụng miễn phí tại App Store và Google Play với hơn 50 triệu lượt tải và doanh thu khoảng 1 tỷ đồng/ngày qua hệ thống quảng cáo trong game.
Đến ngày 9/2/2014, Nguyễn Hà Đông đã chính thức khai tử tựa game này. Nguyên nhân được cho rằng do sức ép đến từ nhiều phía như: sự thành công đã ảnh hưởng lớn đến đời sống của Đông, vấn đề thuế và vi phạm bản quyền....
Bình luận
vtcnews.vn