Chuyên gia chỉ rõ lý do bị lây nhiễm HIV từ lăn kim, dùng huyết tương khi làm đẹp

Sức khỏeThứ Bảy, 04/05/2019 16:10:00 +07:00

Làm đẹp ở các cơ sở không đảm bảo, thiết bị không được vô trùng, người dân dễ mắc các bệnh qua đường máu như viêm gan B, viêm gan C, thậm chí là cả HIV.

Thời gian qua, câu chuyện làm đẹp bằng công nghệ huyết tương giàu tiểu cầu (PRP) tại Mỹ làm ít nhất 2 người bị phơi nhiễm HIV thu hút sự chú ý của các chị em.

Thông tin về phương pháp làm đẹp có phần lạ, độc này, Th. BS Nguyễn Hồng Sơn - Khoa Phẫu thuật Thẩm mỹ và Phục hồi chức năng, Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, PRP (Platelet Rich Plasma) hay còn gọi là "mặt nạ ma cà rồng" là phương pháp lấy máu tự thân của người dùng, đem quay ly tâm để lấy ra một lượng huyết tương giàu tiểu cầu và sử dụng phương pháp lăn kim để đẩy các dưỡng chất trong huyết tương vào da mặt.

Các yếu tố tăng trưởng trong tiểu cầu khi được đưa vào da sẽ kích thích tăng sinh collagen và hình thành các mạch máu mới giúp trẻ hóa da, giảm hình thành nếp nhăn, trị sẹo rỗ, bảo vệ da khỏi các tác nhân gây oxy hóa... Liệu pháp được cho là làm trẻ hóa làn da và giảm rụng hói tóc.

Do được quảng cáo có công dụng khá “kỳ diệu”, nên PRP được nhiều người ưa chuộng, các thẩm mỹ viện coi đây là xu hướng thẩm mỹ khá thịnh hành và phát triển nhanh chóng.

Tuy nhiên, theo bác sĩ Sơn, phương pháp này cũng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro nếu không thực hiện đúng kỹ thuật và đảm bảo quy trình xử lý vô trùng nghiêm ngặt.

Cụ thể, nếu trong quá trình thực hiện PRP, kim lăn chưa được khử trùng sạch sẽ sau nhiều lần điều trị, bệnh nhân rất dễ mắc các bệnh qua đường máu nguy hiểm như viêm gan B, viêm gan C và cả căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS.

lan kim

 Lăn kim thẩm mỹ là phương pháp tiềm ẩn nhiều rủi ro lây bệnh nếu được thực hiện ở những cơ sở không đảm bảo, các trang thiết bị y tế không được xử lý vô khuẩn. (Ảnh: VNN)

Ths.BS Lã Thanh Hà, Trưởng khoa Da liễu, Bệnh viện Tuệ Tĩnh thông tin thêm, HIV có thể lây qua 3 con đường: là từ mẹ sang con; quan hệ tình dục và qua đường máu. Do đó, người bệnh nếu dùng chung bơm kim tiêm, truyền máu hoặc tiếp xúc với vết thương hở của người bị HIV đều có nguy cơ lây nhiễm.

“Dù làm đẹp bằng phương pháp ít xâm lấn hay có xâm lấn, người dân đều có nguy cơ lây nhiễm HIV rất cao. Bởi nếu dụng cụ thực hiện thủ thuật chưa được xử lý, khử trùng, sẽ xảy ra tình trạng lây nhiễm chéo, rất nguy hiểm”, bác sĩ Hà nói.

Cũng theo bác sĩ Hà, nếu ở môi trường bên ngoài, virus HIV có thể bị dễ dàng tiêu diệt bởi nhiệt độ và các chất sát khuẩn y tế (chỉ tồn tại trong không khí với nền nhiệt 32 - 36 độ C không quá 5 phút). Tuy nhiên, virus HIV sẽ sống rất lâu trong bơm kim tiêm, thậm chí có thể lên tới 7 ngày.

Vì vậy, việc sử dụng phương pháp lăn kim tại các cơ sở không đảm bảo, trang thiết bị y tế không được vô trùng, người dân hoàn toàn có thể bị nhiễm HIV.

Trước hiện trạng trên, bác sĩ Hà khuyến cáo, nguy cơ lây nhiễm bệnh tật qua đường máu từ các dịch vụ sức khỏe công cộng hiện nay đang rất báo động. Do đó, bác sĩ thực hiện những phương pháp này đều phải đảm bảo tuân thủ nghiêm quy trình vô trùng, sát khuẩn trước khi làm.

Đối với người dân, cần tỉnh táo, tìm hiểu kỹ thông tin trước khi làm đẹp bằng bất kỳ phương pháp nào, trong đó có lăn kim. Khi có nhu cầu làm đẹp, mọi người nên đến các cơ sở uy tín, có bác sĩ chuyên khoa da liễu để thực hiện tránh tai biến đáng tiếc có thể xảy ra.

“Chỉ có bác sĩ chuyên khoa đã qua đào tạo bài bản, có chuyên môn mới được thực hiện những kỹ thuật xâm lấn để thẩm mỹ, làm đẹp cho người dân”, bác sĩ Hà nhấn mạnh.

Bác sĩ Hà cũng cảnh báo, với lăn kim thẩm mỹ, không phải ai, người nào cũng được làm. Theo đó, những người có tiền sử bị ung thư da, da có vết thương, trứng cá hoạt động, bệnh nhân đang xạ trị, đái tháo đường, các bệnh rối loạn đông máu, bệnh lý khác không rõ nguyên nhân, mang thai và cho con bú đều không được dùng phương pháp này để bảo đảm sức khỏe.

Video: Điều tra 2 trường hợp nhiễm HIV do làm đẹp bằng phương pháp lăn kim tại Mỹ

 

Phạm Quý
Bình luận
vtcnews.vn