Chuyên gia: Chỉ 15 tỷ đồng, thảm cảnh ngập khủng khiếp tại TP.HCM sẽ chấm dứt

Thời sựThứ Năm, 08/09/2016 15:08:00 +07:00

Kỹ sư Nguyễn Văn Sự đang công tác tại Công ty cổ phần tư vấn xây dựng Tân Cửu Long tại Cần Thơ đề xuất hướng xử lý chống ngập với phương pháp tăng cường khả năng tự chảy trong hệ thống cống bằng hệ thống máy bơm nước được bố trí ở cuối hệ thống cống và gần bờ kênh.

Kỹ sư Nguyễn Văn Sự từng tham gia thiết kế cơ sở hệ thống thoát nước mưa, nước thải sinh hoạt của dự án Đầu tư cơ sở hạ tầng Khu TTHC huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu rộng 28,5ha và thiết kế kỹ thuật thi công Khu Tái định cư Phường 3, thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang rộng 10,5ha.

Ông có kinh nghiệm 22 năm trong việc tư vấn các hệ thống thoát nước và chống ngập. Thông qua trao đổi với Báo điện tử VTC News, kỹ sư Nguyễn Văn Sự mong muốn đề xuất biện pháp khẩn cấp xử lý chống ngập cho TP.HCM. 

Theo ông Sự, vấn đề ngập do mưa, ngập do triều cường hay do lũ ở TPHCM diễn ra theo dạng cục bộ, chỉ ngập ở những khu vực trũng thấp hoặc xa kênh rạch, thiếu hệ thống cống thoát nước.

Do đó, để tiến hành ngay việc chống ngập thì phải làm theo thứ tự ưu tiên như sau: Chống ngập ở những khu vực có vị trí xung yếu trước (như những khu vực có thể tràn lan qua các khu vực khác thông qua tuyến cống hay tuyến đường mà không thể ngăn được). 

Kế đến là những khu vực có tiềm năng phát triển về lợi ích Quốc gia và của TP.HCM như khu vực sân bay, quân sự, các khu trung tâm hành chính, các khu di tích lịch sử, các trung tâm thương mại, khu mua sắm, các tuyến đường tập trung đông người qua lại, các khu tập trung dân cư đông đúc. Sau cùng là các khu vực còn lại ít tiềm năng phát triển hơn. 

Video: Sài Gòn ngập trong nước

- Theo ông, thực trạng việc chống ngập ở TP.HCM đang thế nào?

Theo tôi, hiện nay TP.HCM chống ngập thực sự chưa đúng hướng.

Bởi vì việc đầu tư xây dựng các dự án nhiều tỷ đồng để nâng đường, làm cống thoát nước việc đầu tư nâng cấp đê bao, hay như mới đây thành phố khởi công dự án 10 ngàn tỷ đồng để đầu tư các tuyến đê bao, các cống kiểm soát lũ... tất cả đều có thể chống ngập được.

Nhưng cái cốt lõi của vấn đề là việc đầu tư hiện nay vẫn chưa giải quyết được tình trạng ngập cục bộ, chống chỗ này thì xì chỗ khác, nâng chỗ này thì ngập chỗ kia... Cứ vài hôm đọc báo thì thấy TP.HCM hôm nay mưa to kéo dài hàng giờ gây ngập nhiều nơi, có nơi ngập đến cả mét.

Việc thành phố đầu tư lớn để chống ngập theo như qui hoạch thì phải đến năm 2030 mới cơ bản chống ngập được (với điều kiện mực nước lũ không cao thêm nữa) và khi đó thì tất cả các tuyến đường và nhà cửa đều nâng lên khỏi cao trình +1.70. Nhưng bắt lũ không dâng thêm nữa thì hơi khó, vì vậy hướng chống ngập qui mô này, có thể nói, còn lâu mới hoàn tất.

- Ông có thể nói rõ hơn về nguyên nhân cứ mưa TP.HCM lại ngập?

Nội ô TP.HCM bao gồm rất nhiều tuyến đường lớn nhỏ, xây dựng từ thời Pháp, Mỹ, hiện nay Nhà nước đã và đang xây dựng rất nhiều tuyến đường lớn nhỏ kết hợp với hệ thống cống thoát nước thải, nước sinh hoạt.

Xét về mặt bằng cao độ chung của các tuyến đường, thì các tuyến đường mới xây lúc nào cũng có cao độ cao hơn các tuyến đường cũ, do đó đối với các tuyến đường mới xây thì có cao độ cao hơn đỉnh lũ, nhưng các tuyến đường cũ thì có thể là không cao hơn đỉnh lũ.

Mà mực nước lũ năm sau cao hơn năm trước do biến đổi khí hậu. Vì vậy khi gặp mưa các khu vực có cao trình cao hơn sẽ đổ nước về các khu vực có cao trình thấp và như thế các khu vực thấp hơn (vùng trũng) sẽ là điểm tập trung một lượng lớn nước mưa, nước thải sinh hoạt và từ đây lượng nước này sẽ chuyển vào hố ga và cống thoát nước để thoát ra sông rạch.

Đối với các khu vực ngập thường xuyên, đa số là ở xa các kênh rạch hoặc thuộc khu vực trũng thấp. Khi mưa, những khu vực khác cao hơn sẽ dồn nước về các khu vực này gây ra tình trạng quá tải hệ thống thoát nước, mặt khác các hệ thống cống này đa số đã cũ, năng lực không còn phù hợp với hiện tại, nên phải qua nhiều giờ sau mới thoát hết được lượng nước trên mặt đường.

Ky su Nguyen Van Su

 Kỹ sư Nguyễn Văn Sự đề xuất giải pháp chống ngập cho TP.HCM

Một nguyên nhân cốt lõi tồn tại của hệ thống thoát nước nữa là cao trình mặt đường hiện tại tương đối thấp (có thể thấp hơn mực triều cường và mực nước lũ) nên khả năng nước tự chảy trong hệ thống cống rất hạn chế. Nếu các trận mưa lớn đúng vào lúc triều cường thì sự chênh lệch cao độ càng ít, càng làm chậm quá trình chuyển nước ra kênh rạch và làm cho thời gian ngập kéo dài.

Từ đây có thể xác định nguyên nhân ngập cục bộ chủ yếu là do khả năng thoát nước bằng hình thức tự chảy trong hệ thống cống rất kém (kể cả khi không gặp triều cường), ngoài ra có thể còn nhiều nguyên nhân khác ảnh hưởng tới việc ngập cục bộ như cống nhỏ hoặc không có cống, rác thải . . .

- Trong đề xuất gửi đến Báo điện tử VTC News, ông đã đưa ra giải pháp chống ngập cục bộ có chi phí 15 tỷ đồng và vận hành hàng năm gần 2 tỷ đồng. Xin ông cho biết cụ thể thế nào, tính hiệu quả ra sao?

Với nguyên nhân chủ yếu làm ngập cục bộ trong các khu vực nội đô đa số là các khu vực vùng trũng, tôi đề xuất hướng xử lý chống ngập bằng cách tăng cường khả năng tự chảy trong hệ thống cống bằng hệ thống máy bơm nước được bố trí ở cuối hệ thống cống và gần bờ kênh.

Hệ thống máy bơm này sẽ nhanh chóng thu tất cả lượng nước trong hệ thống cống và đổ ra sông, chủ động cắt giảm tối đa lượng nước gây ngập cho khu vực.

Tạm tính chi phí đầu tư và vận hành cho hệ thống có công suất bơm là 2.000m3/h, lưu lượng nước ngập khoảng 6.000m3, chi phí đầu tư xây dựng: 15 tỷ/trạm (không kể chi phí bồi hoàn, giải phóng mặt bằng), chi phí bảo dưỡng thiết bị hàng năm khoảng 1 tỷ/năm và chi phí điều hành khoảng 900 triệu/năm.

- Nếu chỉ có máy bơm có giải quyết được vấn đề ngập và chống ngập cho thành phố không, thưa ông?

Tôi đề xuất thêm Qui hoạch hướng đê bao khép kín ven theo các tuyến kênh rạch có sẵn để quây thành cụm, sau đó xây dựng các trạm bơm để chủ động đưa nước ra ngoài. Vì lưu lượng máy bơm bằng gấp hàng chục lần lưu lượng bình thường tự chảy trong cống, không kể khi gặp triều cường.

Mặt khác, các tuyến đê bao hiện nay hầu như đã tương đối hoàn chỉnh, chỉ cần tu sửa thêm chút ít nữa thôi là đã đảm bảo chống ngập được, chi phí đầu tư sẽ ít tốn kém hơn. Khu vực nào ngập nặng thì làm trước, khu vực nào ít ngập thì làm sau.

Về lâu dài, lợi dụng các tuyến kênh có sẵn để làm hồ điều tiết nước bằng cách nạo vét lòng kênh, gia cố bờ kênh và xây các đập có hệ thống máy bơm để điều hòa mực nước. Qua đó có thể chọn các đầu mối này làm khu vực xử lý nước thải tập trung, sau đó mới thải ra sông lớn.

Xin cảm ơn ông!

Video: Mưa ngập sâu đường dẫn vào sân bay Tân Sơn Nhất

Linh Lan
Bình luận
vtcnews.vn