Chuyên gia cảnh báo: Dân không còn sức mua

Kinh tếThứ Năm, 12/07/2012 06:00:00 +07:00

(VTC News) - Nhiều chuyên gia kinh tế cảnh báo lạm phát 6 tháng qua giảm mạnh so với cùng kì năm ngoái là do sức mua yếu, đình trệ sản xuất.

(VTC News) - Nhiều chuyên gia kinh tế cảnh báo lạm phát 6 tháng qua giảm mạnh so với cùng kì năm ngoái là do sức mua yếu, đình trệ sản xuất. Do đó đây là điều đáng lo hơn mừng.

Sức mua giảm, giá đội cao

Chia sẻ tại Hội thảo đánh giá chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 6 tháng đầu năm do Học viện Tài chính tổ chức, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội cho biết, doanh số bán lẻ trong tháng 6 tại các siêu thị đã giảm từ 10-12% với nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân giá điện tăng và lãi suất ngân hàng quá cao tác động lớn đến giá thành đầu vào. Nhiều doanh nghiệp (DN) sản xuất tổn thất kinh doanh do không đủ bù đắp chi phí, giá nhiều mặt hàng qua trung gian bị đẩy lên cao, có DN đòi chiết khấu 42%. Ngoài ra, dù các siêu thị đưa nhiều chính sách khuyến mại, giảm giá để kích thích tiêu dùng nhưng không ăn thua, bởi người dân không còn sức mua.

Một chục (12 quả) dừa Bến Tre bán tại vườn chỉ ở mức 12.000 đồng nhưng một quả dừa đó ở Hà Nội được bán lên đến 15.000-17.000 đồng, có nơi 25.000 đồng.(Ảhh minh họa) 

“Giá lương thực, thực phẩm trên thị trường vẫn chưa có dấu hiệu giảm, giá cả tháng 5 và 6 tuy có giảm đôi chút nhưng so với hai năm trước thì mặt bằng giá mới đã tăng rất cao. Do đó, thu nhập của người dân không theo kịp giá dẫn đến sức mua cạn kiệt”, ông Phú chia sẻ.

Ông Phú dẫn chứng, một chục (12 quả) dừa Bến Tre bán tại vườn chỉ ở mức 12.000 đồng nhưng một quả dừa đó ở Hà Nội được bán lên đến 15.000-17.000 đồng, có nơi 25.000 đồng. Có mặt hàng ở Hà Nội hiện nay, khi đưa đến bán lẻ, các siêu thị đòi chiết khấu lên tới 47%.

“Nhiều DN phân phối tỏ ra thiếu trách nhiệm với nhân dân, người tiêu dùng vì nhóm lợi ích thao túng. Một mặt hàng sau ba cấp phân phối đã bị đẩy giá lên rất cao, khiến cho cả nhà sản xuất lẫn người tiêu dùng cuối cùng chịu thiệt thòi”, ông Phú nói.

Còn ông Nguyễn Tiến Nghị, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, 6 tháng qua, sức mua mặt hàng thép đã giảm 10% so với cùng kì năm ngoái. Năm nay, Hiệp hội chỉ dám đặt ra mục tiêu tăng trưởng sản phẩm 5%. Tính đến 30-6, lượng hàng tồn kho lên đến 350.000 tấn thép các loại. Dự kiến 6 tháng cuối năm giá cả có biến động hay không tuỳ thuộc vào sức tiêu thụ của thị trường, nhưng nhất định thời điểm cuối năm giá mặt hàng sắt thép cần điều chỉnh tăng để kích thích DN sản xuất.

Xu hướng tăng giá mặt hàng trở lại cao

Theo chuyên gia kinh tế TS Ngô Trí Long, Nguyên viện trưởng Viện nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), bản chất lạm phát âm không phải do kiềm chế thấp mà do nền kinh tế khó khăn. Mừng ở chỗ kiểm soát được lạm phát nhưng lo là lạm phát thấp do đình trệ sản xuất. Đấy là cái đáng lo nhất, bất ổn nhất của kinh tế vĩ mô.

“Xét hiệu quả trước mắt về kiểm soát lạm phát có thể là một thành công của Chính phủ nhưng thực trạng kinh tế đang gặp khó khăn, tăng trưởng kinh tế thấp hơn nhiều, DN vô cùng khó khăn. Vấn đề đặt ra là tháo gỡ khó cho DN”, ông Long nhấn mạnh.

Còn chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Minh Phong cho rằng, khác với đà giảm sâu CPI năm 2009 với nguyên nhân chủ yếu do khủng hoảng thế giới, còn năm nay, đà giảm này chủ yếu do nội tại kinh tế trong nước. Đây là lần đầu tiên trong 2 thập kỷ qua, tổng cầu của chúng ta xuống thấp như vậy. Đó là do sự trì trệ chung của một số thị trường liên ngành như bất động sản, làm cho hoạt động đầu tư kinh doanh ăn theo, thu nhập xung quanh bị suy giảm theo.

Sức mua của người dân rất thấp 

“Sự giảm giá này còn gắn liền với việc cung tiền ra nhiều nhưng lại ít xuống DN, mà điển hình là ẩn số 300.000 tỷ đồng Ngân hàng Nhà nước bơm ra, nhưng đọng ở đâu đó, loanh quanh khu vực Ngân hàng và Nhà nước chứ không tới được dân”, ông Phong nhìn nhận.

Theo dự báo của Tổng cục Thống kê, CPI 2012 sẽ quanh mốc 6-7%, dự báo CPI tháng 7 sẽ vẫn tiếp tục âm. Tuy nhiên, TS Ngô Trí Long phân tích, CPI năm 2007 là 12,63%, năm 2008 là 19,89% thì đến năm 2009, chỉ có 6,53%. Năm 2010, CPI là 11,75%, năm 2011 là 18,13%. Đến 6 tháng đầu năm nay, CPI chỉ tăng 2,52% và dự báo cả năm 2012 chỉ còn 5,5-6%. Nếu vậy, đây sẽ là lần thứ 2 trong vòng 6 năm liên tiếp lặp lại tình trạng 2 năm tốc độ lạm phát cao, một năm tốc độ lạm phát thấp. Nếu tính từ năm 2007 đến hết năm 2011, lạm phát bình quân 5 năm qua là 13%/năm. Còn nếu tính trung bình 6 năm tới năm 2012 thì tốc độ lạm phát là trên 12%/năm.

“Đây vẫn là con số cao. Nếu không kiểm soát chặt thì nguy cơ lạm phát quay trở lại vào cuối năm sẽ tái diễn”, TS Ngô Trí Long cảnh báo.

Còn theo bà Nguyễn Thị Thuý Nga, Phó Cục trưởng Cục Quản lý (Bộ Tài chính), CPI cả năm nay dự đoán chỉ ở mức 6-7%, sau đà giảm của tháng 6, CPI tháng 7 khả năng vẫn tiếp tục âm. Hiện giá cả trên thị trường không có biến động lớn, yếu tố tác động giá không lớn đến tâm lý người tiêu dùng. Thời gian tới, công tác điều hành giá của các cơ quan quản lý nhà nước tiếp tục được triển khai đồng bộ, đặc biệt kiểm soát các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, điện để đáp ứng lộ trình cơ chế thị trường.

Tuy nhiên, đại diện Cục Quản lý Giá cũng cảnh báo, xu hướng tăng giá trở lại vào cuối năm với các mặt như điện, nước, hiện tượng lạm phát cao có thể quay trở lại.

Ngọc Quỳnh

Bình luận
vtcnews.vn