Chuyên gia: Cần mở cửa lại nền kinh tế để lo sinh kế cho dân, doanh nghiệp

Đầu TưThứ Năm, 09/09/2021 13:29:00 +07:00
(VTC News) -

Theo các chuyên gia, đã đến lúc cần mở cửa nền kinh tế vì lo sinh kế cho người dân và doanh nghiệp cũng rất quan trọng.

Đại dịch COVID-19 bùng phát tại Việt Nam đến nay đã kéo dài gần 2 năm. Trong đợt dịch lần thứ tư này, rất nhiều địa phương gần bước sang tháng thứ 5 thực hiện giãn cách, hàng loạt doanh nghiệp đang ở ngưỡng không thể cầm cự thêm. Trong khi đó, cuộc sống của hàng chục triệu người dân cũng lâm vào cảnh kinh tế suy kiệt.

Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 8 tháng đầu năm 2021 là 85,5 nghìn doanh nghiệp, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó TP.HCM có 24.000 doanh nghiệp, tăng 6,6%. Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 43,2 nghìn doanh nghiệp.

Cũng trong 8 tháng năm nay, 85,5 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động hoặc chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2020. Như vậy, trung bình mỗi tháng có gần 10,7 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Trước tình hình này, nhiều ý kiến cho rằng, đã đến lúc mở cửa trở lại nền kinh tế để tránh sự kiệt quệ của cả người dân và doanh nghiệp.

Sinh kế của người dân, doanh nghiệp cũng rất quan trọng

Các chuyên gia kinh tế phân tích, đã đến lúc phải mở cửa trở lại nền kinh tế và chấp nhận sống chung với dịch. Cơ hội cho sự phục hồi không phải chỉ của riêng Việt Nam mà của tất cả các nền kinh tế trên thế giới. Nếu chúng ta chậm trễ, bỏ lỡ cơ hội để đón đầu sự mở cửa thì cơ hội sẽ chuyển sang tay các đối thủ cạnh tranh khác. Ví dụ, các đơn hàng dệt may, da giày của doanh nghiệp Việt có thể bị chuyển sang Bangladesh, du khách sẽ chuyển từ Việt Nam sang Thái Lan, Singapore…Từ sản xuất cho tới thương mại, dịch vụ... các doanh nghiệp sẽ định vị lại cấu trúc, định vị lại công xưởng của toàn khu vực.

TS. Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam khẳng định, mở cửa nền kinh tế là chủ trương hoàn toàn chính xác. Bởi lẽ, các biến thể của dịch bệnh ngày càng phức tạp và luôn luôn thay đổi. Vì thế, rất khó để có thể triệt tiêu hoàn toàn được dịch bệnh.

Trong khi đó, việc đóng cửa nền kinh tế tác động rất lớn đến tình hình kinh tế và xã hội nói chung và "sức khỏe" của các doanh nghiệp nói riêng.

Trả lời tại Tọa đàm "Không thể sống mãi trong phong tỏa" do Truyền hình VTC1 tổ chức sáng 7/9, Tiến sĩ Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam - nhận định: Sau đợt giãn cách lần thứ tư này, doanh thu của nhiều doanh nghiệp đã giảm 50% và giảm mạnh trên diện rộng. Nhu cầu các ngành hàng cũng giảm mạnh. Trong khi đó, chi phí đầu vào, vận chuyển ngày càng tăng, nguyên vật liệu bị thiếu hụt, dẫn đến hậu quả là doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề.

Theo ông Nam, đối với nền kinh tế, sự thiệt hại cũng rất rõ ràng. Một loạt chỉ số phát triển công nghiệp, bán lẻ hàng hoá, hàng tiêu dùng suy giảm, đặc biệt các vùng trọng điểm như TP.HCM. Ngoài ra còn nhiều thiệt hại trong trung và dài hạn như: Áp đặt biện pháp hành chính chưa hợp lý, còn quá nhiêu khê, cồng kềnh, phức tạp làm xói mòn lòng tin của các doanh nghiệp. Niềm tin bạn hàng nước ngoài cũng suy giảm do đổ vỡ chuỗi cung ứng, không đảm bảo tiến độ giao hàng, làm ảnh hưởng đến quyết định đầu tư của nhiều nhà đầu tư nước ngoài.

"Càng kéo dài các biện pháp giãn cách thì sự ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất càng lớn", ông Nam khẳng định.

Chuyên gia: Cần mở cửa lại nền kinh tế để lo sinh kế cho dân, doanh nghiệp - 1

Đại dịch kéo dài khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào cảnh bế tắc. (Ảnh minh họa).

Trong khi đó, ông Cấn Văn Lực cũng đồng tình nêu quan điểm: “Chúng ta cần lên kịch bản sống chung với dịch thay vì đóng cửa, giãn cách như hiện nay. Các nước trên thế giới họ cũng đã đi theo hướng này”, ông Cấn Văn Lực nhấn mạnh.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng cho rằng, việc nới lỏng giãn cách, dần mở cửa nền kinh tế là rất cần thiết vào lúc này. "Nhìn vào thực tiễn của Việt Nam, đóng cửa kinh tế quá lâu thì người dân, doanh nghiệp sống bằng gì?", bà Lan đặt câu hỏi.

"Qua thời gian này, dịch có thể đỡ nhưng đời sống của hàng chục triệu người dân bị ảnh hưởng, kinh tế gia đình lại cạn kiệt. Nếu kéo dài giãn cách, người lớn không có việc làm, người già, trẻ em không có gì ăn thì xoay xở sao được?", bà Lan phân tích thêm.

Do đó, theo bà Lan, cùng với việc chống dịch, phải cần thêm sự điều chỉnh để giảm dần các biện pháp siết chặt. "Cần tập trung cứu chữa một nhóm bệnh nhân nhưng cũng cần quan tâm đến hàng vạn người khác, họ vẫn phải làm ăn, sinh sống. Sự điều chỉnh nới lỏng là hoàn toàn xác đáng, tôi rất đồng tình. Nhưng phải xác định tinh thần là sống chung với dịch, vẫn kiểm soát COVID-19 để không lây lan thành dịch bệnh", bà Lan nhấn mạnh.

Phân tích ở góc độ doanh nghiệp, bà Lan cho biết, sau một thời gian dài chống chọi với các đợt dịch dồn dập ập đến, hầu hết doanh nghiệp cũng đã gặp khó khăn, nhiều doanh nghiệp cạn kiệt nguồn lực. Số lượng 85.000 doanh nghiệp phải ngừng hoạt động trong đợt dịch này là rất cao. "Đợt dịch lần này đã tấn công đến các doanh nghiệp quy mô lớn chứ không chỉ doanh nghiệp nhỏ", bà Lan nhận định.

Theo các chuyên gia kinh tế, có thể mở cửa dần nền kinh tế bằng nhiều cách. Ví dụ cấp "hộ chiếu vaccine" cho người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine COVID-19 và giấy đi đường cho người tiêm 1 mũi, cho phép nhóm đối tượng này được tham gia một số dịch vụ. Ngoài ra, có thể đẩy mạnh tiêm chủng với nhóm dịch vụ, địa phương du lịch để đón du khách, hồi phục dần ngành du lịch...  

Nới lỏng nhưng phải đảm bảo an toàn

Tuy cùng đồng tình với việc mở cửa trở lại nền kinh tế nhưng các chuyên gia đều nhấn mạnh việc phải sống chung với đại dịch, đảm bảo an toàn cho người dân và cộng đồng. "Nới lỏng nhưng vẫn phải an toàn, nới lỏng phải linh hoạt, thích ứng hơn với điều kiện mới", ông Cấn Văn Lực nói.

Đặc biệt, phải đẩy nhanh tiêm vaccine, tuân thủ nghiêm 5K, chủ động tích cực hơn ứng dụng công nghệ thông tin và dữ liệu trong phòng chống dịch. 

Bên cạnh đó, theo ông Lực, các quyết định đưa ra phải nhận được sự đồng lòng giữa người dân, doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước. Phải có kế hoạch, kịch bản chi tiết. Ví dụ nếu xảy ra F0 thì phải xử lý như thế nào từ người dân đến doanh nghiệp, chính quyền chứ không phải thấy F0 là đóng cửa ngay nhà máy. 

Chấp nhận mở cửa thì không thể không có F0 nhưng ta phải làm gì đề doanh nghiệp đó vẫn duy trì được hoạt động. Người nhiễm bệnh thì được đi chữa, người khỏe thì phải được đi làm, sống chung với dịch trong tình hình mới là phải như vậy”, ông Lực dẫn giải.

Còn theo bà Phạm Chi Lan, phục hồi kinh tế phải đi liền với phát triển công nghệ, không chỉ phục hồi y cũ mà phục hồi phải có màu sắc mới, rút kinh nghiệm từ việc đã bị đứt gãy các chuỗi cung ứng nội địa như thế nào, đặc biệt là ở khu vực phía Nam. 

Để có thể sống chung với dịch, một trong những yếu tố quan trọng theo bà Lan là phải đầu tư mạnh hơn nữa hệ thống y tế, phát triển y tế cộng đồng, tăng cường đội ngũ y bác sỹ, trang thiết bị vật tư y tế. Khi số ca nhiễm có thể tăng lên sau khi giãn cách được nới lỏng thì năng lực xét nghiệm, cách ly, cấp cứu, điều trị, nhất là điều trị các ca bệnh nặng…đảm bảo đáp ứng được nhu cầu.

Bên cạnh đó, phải liên tục truyền thông để nâng cao ý thức phòng dịch đến toàn dân, yêu cầu tiếp tục thực hiện biện pháp 5K, không tụ tập, hội họp đông người.

Ngọc Vy
Bình luận
vtcnews.vn