Chuyên gia: Bóng thám không rơi ở Hà Giang là loại đặc biệt

Thời sựThứ Năm, 21/06/2018 07:06:00 +07:00

TS Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu (Viện Hàn lâm và Khoa học Công nghệ Việt Nam) cho biết, qua hình ảnh sơ bộ có thể thấy bóng thám không rơi ở Hà Giang là loại đặc biệt được thiết kế cho một mục đích thử nghiệm.

Liên quan đến việc một bóng thám không rơi ở huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang, trả lời VTC News, TS Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu (Viện Hàn lâm và Khoa học Công nghệ Việt Nam) cho rằng cần phải xem xét kĩ lưỡng bóng thám không này vì qua hình ảnh cho thấy đây có thể là loại đặc biệt.

TS Nguyễn Xuân Anh nhận xét: "Bóng thám không rơi ở Hà Giang cần phải xem xét kỹ đây là loại gì, thuộc dạng thông thường hay dạng khác. Qua hình ảnh sơ bộ có thể thấy đây là loại đặc biệt được thiết kế cho một mục đích thử nghiệm nào đó". 

TS Nguyễn Xuân Anh cho rằng cần phải xem xét chi tiết vấn đề này.

hagiang-1140242

Bóng thám không rơi ở vùng rừng núi huyện Bắc Mê, Hà Giang. (Ảnh: FB)

TS Nguyễn Xuân Anh cho biết: "Hiện nay trên thế giới có khoảng 1300 vị trí thả bóng thám không khí tượng. Ở các vị trí này, bóng thám không thường được thả hai lần trong ngày (vào 0h và 12h UTC). Đây là nguồn số liệu quan trọng phục vụ dự báo thời tiết và thông thường được các nước chia sẻ.

Bóng thám không khí tượng hiện đại bao gồm thiết bị đo được quả bóng bơm heli hoặc hydro nâng lên. Thiết bị đo đạc các thông số khí quyển (nhiệt độ, áp suất, độ ẩm, gió) hoặc ozone theo chiều cao và số liệu đường truyền qua phát sóng vô tuyến về mặt đất", 

Về độ an toàn của bóng thám không, TS Nguyễn Xuân Anh cho biết đa số các bóng thám không đều an toàn trong khi vận hành cũng như khi bị nổ và rơi xuống.

"Thiết bị đo thông thường có khối lượng khoảng vài trăm gram, có tích hợp GPS. Khi được nâng lên cao, quả bóng nở ra do áp suất giảm và vỡ ở độ cao khoảng 20-30km, thiết bị đo không thu hồi được.

Các bóng thám không thương mại thường có giá khoảng vài trăm USD. Việc thiết kế, chế tạo và thả bóng thám không được quy định chặt chẽ để đảm bảo an toàn cao nhất khi rơi xuống", TS Anh nói.

Theo TS Nguyễn Xuân Anh, ngoài các loại thông thường, bóng thám không còn có loại đặc biệt như: có thể bay lên cao hơn trong tầng bình lưu và tồn tại lâu trong đó; được gắn các thiết bị chuyên dụng như camera quan trắc; thực hiện các nghiên cứu thử nghiệm khoa học, viễn thám và thông tin liên lạc.

"Thiết bị có thể được thu hồi khi rơi xuống. Việc cấp phép được thực hiện tuân thủ chặt chẽ các quy định an toàn hàng không", TS Anh cho hay.

Trước đó, mạng xã hội xuất hiện một số hình ảnh cùng thông tin cho rằng vật thể lạ từ trên trời rơi xuống khu rừng ở Hà Giang. Theo người đăng tải thông tin, những hình ảnh này được ghi lại vào sáng 16/6, tại Dốc 35 (đoạn thuộc xã Minh Ngọc, huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang).

Người đăng tải hình ảnh cho biết, nhiều người đi qua khu vực Dốc 35 nhìn thấy một vật thể lạ giống khinh khí cầu có màu trắng từ trên trời rơi xuống. Đặc biệt, người dân còn thấy phía bên trong vật thể lạ này có hệ thống điện nhấp nháy rất kỳ lạ.

Liên quan đến vụ việc trên, ngày 20/6, trả lời PV VTC News, ông Trần Tú Oanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Mê cho biết vật thể lạ là bóng thám không dùng trong công tác nghiên cứu khí tượng.

“Vụ việc trên xảy ra cách đây 4 – 5 hôm rồi, đó chỉ là bóng thám không thôi. Ngay khi xuất hiện vật thể lạ rơi xuống, người dân đã báo chính quyền. Bộ đội và công an tỉnh và huyện cũng đã có mặt tại hiện trường để xác minh làm rõ. Sau khi xác minh, lực lượng chức năng kết luận đây là bóng thám không dùng trong trong công tác nghiên cứu khí tượng, không có gì đặc biệt cả. Các thiết bị điện tử đi kèm là thiết bị dùng trong ngành khí tượng”, ông Oanh nói.

Lưu Thủy
Bình luận
vtcnews.vn