Chuyên gia an ninh quốc phòng: Nga và phương Tây đang rơi vào Chiến tranh Lạnh 2.0, đe dọa toàn cầu

Thế giớiThứ Bảy, 31/03/2018 08:15:00 +07:00

Đại tá Lê Thế Mẫu, chuyên gia kỳ cựu về an ninh, quốc phòng cảnh báo hiểm họa toàn cầu từ căng thẳng ngoại giao hiện nay giữa Nga và phương Tây.

Hiện nay, Nga đang rơi vào khủng hoảng ngoại giao lớn nhất trong vòng 30 năm với Mỹ và nhiều nước phương Tây. Hai bên có những động thái căng thẳng như trục xuất các nhà ngoại hay thậm chí là đóng cửa các lãnh sự quán.

Liên quan vấn đề này, VTC News phỏng vấn Đại tá Lê Thế Mẫu, nguyên Trưởng phòng Thông tin - Khoa học quân sự thuộc Viện Chiến lược quân sự (nay là Viện Chiến lược Quốc phòng). Đại tá Lê Thế Mẫu cho rằng: "Giữa phương Tây và Nga đang diễn ra Chiến tranh Lạnh 2.0, nếu leo thang tới mặt trận đối đầu bằng sức mạnh quân sự, nó sẽ là hiểm họa đối với cả thế giới".

le the mau vtc

 Đại tá Lê Thế Mẫu, nguyên Trưởng phòng Thông tin - Khoa học quân sự thuộc Viện Chiến lược quân sự.

- Những ngày qua, căng thẳng ngoại giao giữa Nga với Mỹ và phương Tây hiện nay là gì, khi Mỹ và nhiều nước phương Tây trục xuất hơn 100 nhà ngoại giao Nga, thậm chí đóng cửa lãnh sự quán của Nga tại Seattle, động thái chưa từng có kể cả từ thời Chiến tranh Lạnh...

Quan sát hành động và cách ứng xử của nhà cầm quyền Anh và Mỹ cũng như các đồng minh của họ trong Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, trước hết là tại Liên Hợp Quốc, xoay quanh cáo buộc London cho rằng rất có thể Nga đứng đằng sau vụ cựu điệp viên Sergei Skripal và con gái Yulia bị sát hại bằng vũ khí hóa học, có thể thấy căng thẳng ngoại giao này thực sự trở thành cuộc chiến tranh ngoại giao có mức độ nguy hiểm chưa từng có trong lịch sử quan hệ quốc tế từ thế kỷ XX tới nay.

Tính chất nguy hiểm của cuộc chiến tranh ngoại giao này trước hết được khởi phát từ một cáo buộc chỉ có tính giả thuyết là rất có thể Tổng thống Nga Putin ra lệnh sử dụng vũ khí hóa học để sát hại Sergei Skripal và con gái.

Video: Nga trục xuất 60 nhà ngoại giao, đóng cửa lãnh sự quán Mỹ

Lẽ ra, trước khi đưa ra cáo buộc có tính chất và mức độ cực kỳ nghiêm trọng như vậy, một quốc gia tự cho mình luôn tôn trọng quyền tối cao của pháp luật, trước hết và nhất thiết, Anh phải đưa ra bằng chứng xác thực, tin cậy. Thế nhưng nhà cầm quyền Anh không đưa ra được bất cứ bằng chứng nào xác thực có thể công bố trước toàn thế giới.

Đến nay, Bộ ngoại giao Nga nhiều lần yêu cầu phía Anh phải đưa ra bằng chứng hoặc phải chuyển cho phía Nga những bằng chứng mà họ sử dụng trong cuộc họp thượng đỉnh với các nhà lãnh đạo Liên minh Châu Âu (EU), nhưng không nhận được câu trả lời. Rõ ràng, nhà cầm quyền Anh không cần bằng chứng trong việc cáo buộc Nga.

- Phải chăng đây là cáo buộc tưởng tượng và sẽ gây ra nguy hiểm khôn lường?

Có hơn 160 quốc gia yêu cầu nhà cầm quyền Anh công bố trước toàn thế giới về bằng chứng xác nhận Nga đứng đằng sau vụ tấn công hóa học ở Anh. Dư luận quốc tế có lý khi cho rằng sự cáo buộc Nga lần này của nhà cầm quyền Anh tương tự như chuyện Lodon từng cùng với Washington dàn dựng bằng chứng cáo buộc Iraq sở hữu vũ khí hóa học, mượn cớ đó phát động cuộc chiến tranh để trừng phạt quốc gia này năm 2003.

Về sau, chính cựu Thủ tướng Anh Tonny Blair phải thú nhận cáo buộc Iraq sở hữu vũ khí hóa học là sai lầm. Trả lời phỏng vấn của hãng tin Mỹ CNN ngày 25/10/2015, cựu Thủ tướng Anh Tony Blair công nhận những lỗi lầm gây nên trong cuộc chiến tranh Iraq năm 2003 của liên quân do Mỹ chỉ huy.

Không cần có trí tưởng tượng phong phú cũng có thể nhận thấy, mức độ nguy hiểm đối với quan hệ quốc tế khi một quốc gia tự cho mình quyền cáo buộc một quốc gia khác có hành động tội ác mà không cần bằng chứng.

Nhân đây cũng nhắc lại lịch sử, Mỹ, Anh và các đồng minh phương Tây của họ nhiều lần dàn dựng chứng cứ giả để cáo buộc không ít các quốc gia phạm tội ác chống lại loài người để mượn cớ ra tay trừng phạt.

2

 Cựu điệp viên người Nga Sergei Skripal và con gái.

Ngoài chuyện dàn dựng bằng chứng giả Iraq sở hữu vũ khí hóa học, Mỹ và Anh cùng với NATO từng dàn dựng câu chuyện Tổng thống Nam Tư Milosevich vi phạm nhân quyền. Để rồi, với lập luận nhân quyền cao hơn chủ quyền và bảo vệ nhân quyền, NATO phát động cuộc chiến tranh ở Nam Tư cuối năm 1998 đầu năm 1999 nhằm tiêu diệt Tổng thống Milosevich.

Năm 2011, Mỹ và NATO dàn dựng lên câu chuyện nhà lãnh đạo Libya, ông Muammar Gaddafi, ném bom giết hại dân thường để thông qua Nghị quyết 1973 của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc về cái gọi là thiết lập vùng cấm bay ở Libya.

Mượn cớ này, NATO phát động chiến tranh xâm lược Libya, để lại hậu quả tàn khốc với quốc gia này mà cả thế giới lúc này được chứng kiến.

Năm 2013, Mỹ dàn dựng câu chuyện Quân đội Syria sử dụng vũ khí hóa học để phát động cuộc chiến tranh quy mô lớn nhằm vào quốc gia này. Theo đề xuất của Nga, Chính phủ Syria tiêu hủy hoàn toàn vũ khí hóa học, trên cơ sở đó Hội đồng bảo an Liên hợp quốc thông qua nghị quyết xác định, mọi hành động quân sự nhằm vào Syria với cớ liên quan tới vũ khí hóa học phải dựa trên kết quả xác minh của Liên hợp quốc.

Trong bối cảnh trên thế giới đang tồn tại rất nhiều điểm nóng, có thể châm ngòi một cuộc chiến tranh thế giới mới như cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, cuộc khủng hoảng Ukraine, cuộc chiến chống khủng bố ở Syria... nếu các bên liên quan hành xử vô trách nhiệm và vô căn cứ như nhà cầm quyền Anh và đồng minh thì sẽ là hiểm họa khôn lường với nền hòa bình và an ninh quốc tế.

Video: Nguồn gốc chất độc trong vụ tấn công cự điệp viên Nga ở Anh

- Vậy Anh sẽ phải đối mặt rủi ro gì khi khởi xướng hoạt động trục xuất các nhà ngoại giao Nga từ một vụ tấn công mơ hồ, chưa công bố bằng chứng cụ thể?

Tổng thống Nga Putin tuyên bố: “Nước Nga không phải là Libya. Còn nước Anh chưa phải là đối thủ ngang tầm của Nga”. Không sớm thì muộn, hành động của nhà cầm quyền Anh sẽ bị thế giới phanh phui.

Khi đó, không loại trừ khả năng Thủ tướng Theresa May sẽ phải ra đi, nước Anh vốn đang gặp khó khăn với hậu Brexit sẽ lâm vào khủng hoảng. Đó có thể là rủi ro lớn nhất đối với nhà cầm quyền Anh trong canh bạc mạo hiểm này.

- Có nhiều lời cảnh báo từ giới chuyên gia, thậm chí Tổng thư ký Liên Hợp Quốc cho rằng căng thẳng ngoại giao hiện nay giữa phương Tây và Nga là cuộc Chiến tranh Lạnh mới, có châm ngòi Thế chiến 3, theo ông, nguy cơ này hiện hữu ở mức độ nào?

Theo tôi, giữa phương Tây và Nga đang xảy ra Chiến tranh Lạnh 2.0. Các công trình nghiên cứu lịch sử gần đây chứng tỏ, các thế lực gây ra những cuộc chiến lớn đều là các tập đoàn tài phiệt Mỹ vươn lên giành quyền bá chủ thế giới.

Âm mưu chiến lược này được hoạch định dựa trên cơ sở học thuyết địa chính trị của giới tinh hoa cầm quyền ở Anh, đứng đầu là Halford Mackinder, công bố vào năm 1904.

 
Giữa phương Tây và Nga đang xảy ra Chiến tranh Lạnh 2.0.

Đại tá Lê Thế Mẫu

Tuy nhiên, ý đồ chiến lược này bị phá sản do sự ra đời Liên Xô sau Thế chiến I và sau đó Liên Xô giành chiến thắng trong Thế chiến II, đánh bại Hitle.

Do đó, mục tiêu của Mỹ trong Chiến tranh Lạnh không chỉ là làm sụp đổ Liên Xô mà còn là làm tan rã nước Nga. Vì thế, Chiến tranh Lạnh thường được gọi là Thế chiến III.

Sau khi Liên Xô sụp đổ, Mỹ thực hiện chiến lược khiến nước Nga tan rã thành nhiều quốc gia nhỏ hơn do Washington bảo hộ. Sau khi lên cầm quyền vào năm 2000, Tổng thống Nga Putin không chỉ làm phá sản âm mưu chiến lược này của Mỹ mà còn xây dựng và phát triển nước Nga thành cường quốc mới.

Do đó, Mỹ phát động cuộc Chiến tranh lạnh mới, cũng có thể gọi đó là Thế chiến IV chống phá Nga, trước hết là loại bỏ ông Putin ra khỏi Điện Kremlin

Hiện nay, có thể nói, Chiến tranh Lạnh 2.0 đang diễn ra trên nhiều mặt trận. Đó là mặt trận Ukraine, nơi Mỹ sử dụng các lực lượng phát xít mới chống phá Nga; Mặt trận châu Âu, nơi Mỹ và NATO đang mở rộng căn cứ tới sát biên giới Nga và xây dựng hệ thống đánh chặn tên lửa để sẵn sàng thực hiện đòn tấn công phủ đầu nhằm vào Nga; Mặt trận Syria, nơi cuộc chiến chống khủng bố trở thành cuộc đối đầu Mỹ - Nga; Mặt trận cấm vận kinh tế; Mặt trận ngoại giao.

Tổng thống Nga Putin đang nỗ lực ngăn chặn Chiến tranh Lạnh 2.0 leo thang tới mặt trận đối đầu bằng sức mạnh quân sự bởi nó sẽ là hiểm họa đối với cả thế giới.

Muốn thế, nước Nga phải mạnh, đủ sức làm phá sản mọi mưu toan của các thế lực. Đó là động lực khiến Tổng thống Nga Putin phải công khai thông báo trước thế giới về những loại vũ khí độc nhất vô nhị của Nga trong Thông điệp liên bang ngày 1/3/2018.

- Như ông nói phía trên, ngay khi ông Putin tái đắc cử, Mỹ và phương Tây lại có những động thái căng thẳng, thậm chí là mạnh nhất trong hàng thập kỷ qua. Các động thái đó cho thấy điều gì?

Theo tôi, Mỹ và phương Tây phát động chiến tranh ngoại giao nhằm cô lập Nga, không để ông Putin thực hiện thành công chủ trương phát triển đột phá về kinh tế nhằm cải thiện và nâng cao mức sống của người dân.

Cuộc chiến tranh ngoại giao này sẽ kết hợp với các hoạt động phá hoại từ bên trong.

- Ngoài căng thẳng ngoại giao, liệu Mỹ, Anh và các nước phương Tây có thêm đòn trừng phạt nào nữa nhằm vào Nga hay không?

Cuộc chiến tranh ngoại giao do Anh và Mỹ phát động chống phá Nga sẽ không dừng lại ở chỗ trục xuất các nhà ngoại giao.

Nên lưu ý rằng Chiến tranh Lạnh 2.0 hoàn toàn khác với 3 cuộc chiến trước đây, trong đó không có chiến tuyến rõ ràng, diễn ra trong tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, quân sự, văn hóa, giáo dục, khoa học-công nghệ. Vì thế, đa số người dân không cảnh giác.

3 3

 Cảnh sát tại hiện trường cha con cựu điệp viên Sergei Skripal bị đầu độc.

- Trong bối cảnh hiện nay, căng thẳng ngoại giao giữa hai cường quốc quân sự Nga, Mỹ được cho là lên đến đỉnh điểm sẽ khiến thế giới đối mặt với nguy cơ gì?

Trong cuộc tranh cử năm 2016, ứng cử viên Donald Trump từng tuyên bố nếu trở thành Tổng thống Mỹ, ông sẽ hợp tác với Nga để đem lại lợi ích cho nước Mỹ.

Đúng là sự hợp tác Mỹ -Nga sẽ mang lại nhiều lợi ích không chỉ cho hai nước mà còn cho cả thế giới.

Vì vậy, chiến tranh ngoại giao hiện nay giữa phương Tây do Mỹ đứng đầu nhằm vào Nga sẽ hạn chế nỗ lực chung của thế giới trong việc hỏa giải các điểm nóng, trước hết trong cuộc chiến chống khủng bố trên phạm vi toàn cầu.

- Theo ông, đâu sẽ là giải pháp để xử lý căng thẳng này, nước nào sẽ chủ động xuống thang hay phải có sự can thiệp của một quốc gia, tổ chức đứng ngoài sự việc?

Tại Diễn đàn Đại hội đồng Liên hợp quốc năm 2015 nhân kỳ niệm 70 năm thành lập tổ chức này, Tổng thống Nga Putin từng tuyên bố, giải pháp duy nhất đúng, có hiệu quả bền vững và lâu dài là các quốc gia phải hành động trên cơ sở tuân thủ nghiêm túc Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế.

Chưa bao giờ Liên hợp quốc lại có vai trò quan trọng và to lớn như lúc này, khi thế giới đang lâm vào trạng thái bất ổn, bất an và bất định.

Rất tiếc là có nhiều quốc gia khi hành động đang phớt lờ Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế để theo đuổi lợi ích cục bộ của họ, gây thiệt hại đối với lợi ích của các quốc gia khác.

Sergey Skripal từng là sỹ quan tình báo của Nga nhưng làm việc cho tình báo Anh, ngày 4/3 ông này cùng con gái được phát hiện đang bất tỉnh trên băng ghế trong công viên, các chuyên gia cho rằng 2 người này bị đầu độc bởi chất độc thần kinh A-234.

London cáo buộc Matxcơva có liên quan đến vụ đầu độc này, nhưng chưa cung cấp được bằng chứng thuyết phục và cũng từ chối đề nghị hợp tác điều tra của Matxcơva. Phía Nga nhiều lần bác bỏ thẳng thừng cáo buộc của Anh.

Xin cảm ơn ông!

Tùng Đinh
Bình luận
vtcnews.vn