Chuyện ghi lại ở Đồn Biên phòng 653

Tổng hợpThứ Năm, 16/12/2010 11:48:00 +07:00

(VTC News) - "Núi rừng biên cương bao dốc đèo mà chân ta đã leo. Chớp quật mưa quăng có sá gì mà chân ta vẫn cứ đi…".

(VTC News) - ‘’Núi rừng biên cương bao dốc đèo mà chân ta đã leo. Chớp quật mưa quăng có sá gì mà chân ta vẫn cứ đi….” Bài “Hành khúc biên phòng” của Trần Chung thôi thúc tôi về với các chiến sĩ biên phòng653.

 

Chiếc xe U-oát lúc chồm lên dốc cao lúc như lao xuống thác trên con đường ven núi mới bạt của xã La Ê Ê, huyện Nam Giang, Quảng Nam. “Sốc” hơn nữa khi anh lái xe quả quyết rằng: “Thế này là “đường thành phố” rồi, sướng gấp nhiều lần năm trước”. “Thế năm trước đi như thế nào?”. Anh lại xe trả lời quả quyết “Thì đi… bộ! Chưa có thâm niên đi bộ 10 cây số trở lên chưa phải là lính Đồn 653”. 

 

Quản lý 11 cột mốc với 29,5 km đường biên giới với nước bạn Lào, cái khó của Đồn biên phòng 653 được tính bằng… đường đi. Muốn đến thôn A Sò, anh em phải đi bộ từ sáng sớm, vượt qua 13 cái dốc lớn mới đến được cột mốc 706.

 

Còn để xuống thị trấn Thành Mỹ giải quyết công việc hoặc họp hành, mùa mưa đường lầy lội, không đi được xe, phải đi bộ một ngày, mang theo lương thực, tối cắm võng ngủ giữa rừng, ngày mai cứ thế bộ hành.

 

Bây giờ đỡ hơn, nhưng tiền xe ôm làm cán bộ thường xuyên “viêm màng túi’’. Chẳng phải là “ốc đảo” vậy mà sóng thông tin ở đây gần như biệt lập, điện thoại cứ phụ thuộc vào thời tiết, thỉnh thoảng ngày đẹp trời đem máy di động ra gò đất trống, nghiêng bên này, hứng bên kia nghe đôi tiếng lõm bõm từ quê nhà. Nghe đâu đơn vị đã nhiều lần xin lắp đặt trạm thu sóng, nhưng một số hãng di động lên nghiên cứu rồi về luôn  vì chi phí quá lớn. 

Các chiến sĩ Đồn Biên phòng 653 trên đường tuần tra. 
 

Khó khăn là thế, nhưng chẳng ai nhụt chí. Nhiều năm nay, Đồn 653 đã bám dân, bám núi rừng, giữ vững chủ quyền quốc gia và an ninh trên địa bàn. CB-CS thường xuyên tuần tra hoặc phối hợp cùng công an, dân quân địa phương kiểm soát đường biên, cột mốc, khu vực trọng điểm; chốt chặn đường mòn tiểu mạch; phát hiện, thu giữ hàng trăm chiếc bẫy động vật tại khu vực giáp ranh.

 

Chuyện giúp dân của bộ đội 653 đã trở thành chuyện thường ngày. Năm 2009, trận mưa đá dữ đội kèm theo lốc xoáy làm hư hỏng tốc mái hàng loạt nhà dân và trường học. CB-CS của Đồn đã nhanh chóng giúp sửa chữa, ổn định cuộc sống nhân dân. Bộï đội còn làm mới một phòng học mầm non, phối hợp với trường THCS và tiểu học xã rà soát, vận động 18 em đến lớp, tặng 40 cuốn sách truyện cho học sinh của các trường; vận động chị em đặt vòng tránh thai, tiêm chủng mở rộng trẻ em.

Bệnh xá quân dân y với bác sĩ biên phòng đã thực sự là chỗ dự tin cậy của người dân trong vùng. Nhiều ca hiểm nghèo, tai nạn lao động, rắn cắn đã được bộ đội cứu chữa  lành lặn.        

 

Đến La Ê Ê chúng tôi nghe bà con Cơtu ở đây ai cũng khen ngợi bộ đội Đồn 653 thật khéo tay. Anh em vào rừng xa hàng 5 km đốn gỗ (khu vực cho phép), buộc dây khiêng từng súc, cùng với thợ xẻ, bào, dựng nhà cho người nghèo. Riêng năm 2009, đã có 3 nhà đại đoàn kết “Mái ấm cho người nghèo, biên giới, hải đảo” được xây dựng bằng công sức của bộ đội Đồn 653.

 

Gắn bó với Đồn từ năm 1998, Thiếu tá Nguyễn Hữu Khải, Đồn phó Quân sự nói trìu mến: “Chúng tôi biết ơn đồng bào ở đây. Có được mảnh sân bê tông rộng rãi, sạch đẹp như thế này cũng là nhờ bà con gùi từng cân xi măng lên giúp bộ đội những năm trước đấy”.

 

Còn với Thượng sĩ Bnước Phan, dân tộc Cơtu, anh muốn phục vụ lâu dài trong quân ngũ, để được gắn bó mãi với màu áo xanh, bởi ở đây mới có những đêm lửa hồng bập bùng, tay trong tay chiến sĩ biên phòng và thanh niên các thôn múa hát, có ngày sinh nhật ấm áp, có buổi hành quân qua suối sâu và cái nắm tay ấm áp của đồng đội vượt ghềnh đá. Đó cũng là tâm sự của nhiểu CB-CS Đồn biên phòng 653 khi kể về ngôi nhà thân yêu của mình.

 

Hồng Vân

Bình luận
vtcnews.vn