Chuyện đời giông bão của cô gái chuyển giới được công nhận đầu tiên tại VN

Đời sốngThứ Tư, 11/02/2015 07:38:00 +07:00

Cuộc đời cô là chuỗi những tháng ngày dài giằng xé đấu tranh giữa hình hài và giới tính thật.

(VTC News) - Cuộc đời cô là chuỗi những tháng ngày dài giằng xé đấu tranh giữa hình hài và giới tính thật.

Không quá nổi bật nhưng mặn mà và đầy nữ tính. Ít ai biết rằng cô giáo Phạm Lê Quỳnh Trâm ở huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước từng là đàn ông 100% với cái tên khai sinh Phạm Văn Hiệp.

Cuộc đời cô là chuỗi những tháng ngày dài giằng xé đấu tranh giữa hình hài và giới tính thật. Ước mơ tìm được chính mình của cô đã thành sự thật nhiều năm trước khi cô quyết định sang Thái Lan chuyển đổi giới tính từ nam sang nữ. Hạnh phúc càng nhân đôi khi cô cũng là người đầu tiên được chính quyền công nhận chuyển giới. 

Nước mắt đàn bà bên trong thân xác đàn ông

Lần đầu gặp Trâm, chúng tôi quá ấn tượng với một người phụ nữ đầy đặn, da trắng như tuyết, trên đôi môi quyến rũ luôn thường trực nụ cười hiền dịu.

Đặc biệt ấn tượng nhất là giọng nói nhẹ nhàng như phát ra từ trái tim, không ngượng nghịu hay cố “gồng” mình như nhiều “cô gái” (chuyển giới hoặc chưa) khác chúng tôi từng gặp. Cô đang tạm ngưng nghiệp đứng lớp để chuẩn bị hành trình cho con đường ca hát phía trước. 
 
Đó là một “cơ duyên” mới và bất ngờ của người phu nữ đa tài này. Vì từ nhỏ, Trâm luôn ước mơ trở thành một bác sĩ hoặc kỹ sư. Trâm sinh ra tại TP HCM nhưng từ nhỏ đã theo cha mẹ di cư đến vùng kinh tế mới ở Bình Phước làm ăn sinh sống. Trâm là người lưỡng tính với phần "con gái" lấn át hơn, nhưng mang ngoại hình con trai. Tuổi dậy thì, cơ thể bắt đầu có những thay đổi như một người phụ nữ, ngực cứ từ từ lớn dần.

Trâm lo sợ và không dám nói chuyện này với ai, chỉ biết giấu bằng cách ăn thật nhiều cho cơ thể mập lên để không ai biết. Trâm nặng 84 kg trong khi chiều cao chỉ 1,57 mét.

Với thân hình đó, cô thành trò giễu cợt của mọi người. “Nhưng thà như thế còn hơn là để lộ giới tính. Lúc đó, người ta rất khắt khe, thậm chí khinh miệt”-cô kể. Chỉ sau này, khi đã đủ can đảm quyết định trở về với giới tính thật, Trâm mới ăn kiêng và giảm xuống còn 47 kg.

Từ nhỏ Trâm học rất giỏi nên luôn được thầy cô và bạn bè yêu mến. Dù vậy, mang trong mình nỗi mặc cảm "nam không ra nam, nữ không ra nữ" nên Trâm chỉ thui thủi đi học rồi lại về nhà đóng cửa một mình. Tuổi ô mai, Trâm từng đem lòng yêu thương một người bạn nam nhưng luôn chôn chặt chuyện ấy trong lòng.

Học xong lớp 12, Trâm thi đậu đại học rồi học song song 2 trường: Đại học Kinh tế TP HCM và Học viện Ngân hàng. Trâm mang hình hài đàn ông với tên Hiệp, cũng có một vài cô gái thích, cũng có nhiều người mối lái cho những cô gái khác. Những lúc như vậy, Trâm nhẹ nhàng từ chối rồi về phòng nằm một mình suy nghĩ miên man.

Buồn! Trâm lên mạng làm quen với bạn bè trong thế giới ảo. Trâm lập một nick name với tên con gái và dùng ảnh đại diện là một cô gái xinh đẹp lấy trên mạng. Quỳnh Trâm là tên của một MC có tiếng ở Sài Gòn. Trâm thấy cô đẹp, tên cũng đẹp nên lấy đặt luôn cho tên mình. Nhiều chàng trai tìm vào làm quen và tán tỉnh.

Rồi cô gặp và yêu một chàng trai Việt kiều sống ở Mỹ. Chưa bao giờ gặp mặt nhưng anh chính là người có ảnh hưởng lớn nhất đến cuộc sống của Trâm bây giờ.

Nhiều lần anh chàng kia xin cho xem webcame nhưng cô một mực từ chối vì sợ gây thất vọng cho "người yêu". “Tôi kể cho anh ấy nghe hoàn cảnh của mình và anh rất thông cảm. Anh cũng thường xuyên động viên, an ủi tôi trong mọi việc và khuyến khích tìm lại giới tính thật".

Cuộc “lột xác” diệu kỳ và hành trình chông gai tìm lại chính mình

Mong muốn được gặp mặt "người yêu" cùng với khao khát được sống với giới tính thật đã thôi thúc Trâm đi đến quyết định phẫu thuật chuyển giới. Năm 2006, xét nghiệm y khoa cho thấy lượng hormone cũng như đặc điểm bộ phận sinh dục của chàng trai Phạm Văn Hiệp thiên về giới tính nữ nhiều hơn nên các bác sĩ ở một bệnh viện tại TP HCM đã tư vấn sang Thái Lan để làm phẫu thuật.

"Hồi đó nhà tôi nghèo lắm làm gì có tiền mà đi Thái Lan. Nhưng vì đã quyết tâm nên tôi nghỉ học để đi làm thêm kiếm tiền.

Từ đó, Trâm dành toàn thời gian đi dạy thêm 3 môn "sở trường" là Toán, Lý, Hóa ở các trung tâm luyện thi trong địa bàn TP.HCM. Cao điểm có ngày chị phải tăng ca gần 20 tiếng đồng hồ, đạp xe gần 20 km để "chạy sô" dạy kèm.

Dành dụm mãi rồi cũng có đủ tiền để qua Thái Lan. Với số tiền 250.000 USD có được nhờ dành dụm và sự giúp đỡ của "người yêu" ở Mỹ, Trâm đã dốc toàn bộ vào kinh phí đi lại và phẫu thuật xác định lại giới tính kéo dài trong vòng hai năm tại Thái Lan.

"Lúc đi tôi không dám nói cho gia đình biết vì sợ cha mẹ lo. Nhiều khi tôi cũng nghĩ nếu phẫu thuật không thành công, mình có thể bỏ mạng nơi đất khách quê người. Nhưng rồi nghĩ lại thà một lần phẫu thuật để được làm chính mình thì dù có chuyện gì xảy ra tôi cũng không hối tiếc". 

Đến giữa năm 2008 sau khi trải qua phẫu thuật phần dưới, Trâm đã thực sự trở thành phụ nữ. Cũng trong năm đó, vị bác sĩ làm phẫu thuật thấy Trâm có khuôn mặt khả ái và làn da trắng đã đề nghị chị gửi ảnh tham gia cuộc thi Tiffany Show dành cho người đẹp chuyển giới tổ chức tại Thái Lan. Kết quả Trâm đã giành được giải thưởng phụ "người đẹp Tiffany qua ảnh". Điều này động viên tinh thần rất nhiều, giúp cô tự tin hơn. 

Trở về nước với thân hình phụ nữ nhưng giấy tờ tùy thân vẫn mang cái tên Phạm Văn Hiệp, rắc rối đầu tiên cô gặp phải là không làm được hồ sơ nhập cảnh vì ngoại hình khác với ảnh passport.

Sau lần đó, phải mất một thời gian khá lâu hoàn thành nhiều thứ thủ tục xác minh, Trâm mới được cơ quan chức năng đóng dấu cho phép nhập cảnh về nước. “Trong thời gian chờ đợi, tôi thực sự buồn và tủi lắm nhưng không biết làm gì khác. Điều mong ước duy nhất của tôi lúc ấy là một ngày nào đó được thay đổi lại giấy tờ cho phù hợp với con người của mình hiện tại”, Quỳnh Trâm chia sẻ.

Một lần Trâm chạy xe máy trên đường bị cảnh sát giao thông tuýt còi và yêu cầu xuất trình giấy tờ tùy thân. “Tôi bối rối quá vì đưa giấy phép lái xe ra thì hình trong giấy tờ và tôi là hai người hoàn toàn khác nhau. Tôi cố giải thích mà cảnh sát không tin, thấy họ cứ nhìn chằm chằm giống như tôi từ thế giới khác đến vậy”. 

Sau vụ việc này tôi càng thêm quyết tâm phải làm giấy tờ xác định lại giới tính”. Cô mạnh dạn làm đơn gửi các cơ quan chức năng để trình bày rõ hoàn cảnh của mình và tha thiết xin xem xét. Cô mất một năm trời đi khắp nơi làm các thủ tục từ xét nghiệm y khoa, dịch thuật hồ sơ giấy tờ phẫu thuật chuyển đổi giới tính ở Thái Lan, xin giấy xác nhận của cơ quan tư pháp, công an, ủy ban nhân dân tỉnh, trị trấn... Vì chưa có tiền lệ nên mọi thủ tục trở nên vô cùng phức tạp. 

Cuối cùng đến đầu năm 2009, Trâm đã được chính quyền địa phương cấp giấy quyết định "Thay đổi cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, xác định lại giới tính". Giấy này ghi rõ: cho phép Phạm Văn Hiệp được xác định lại giới tính từ nam sang nữ và đổi tên thành Phạm Lê Quỳnh Trâm. Ngày cầm tấm giấy quyết định trong tay, Trâm khóc như một đứa trẻ bởi nghĩ rằng "từ đây mình mới sống thật là mình".

“Hạnh phúc lắm. Đó là lần đầu tiên tôi khóc”-Trâm nói. Cô chưa bao giờ khóc, kể cả khi nằm trên bàn phẫu thuật. Dù đã được gây tê mê nhưng vẫn đau đớn như xé từng thớ thịt khi dao kéo lia đến những nơi nhạy cảm nhất trên cơ thể. Dù vậy cô vẫn không khóc. Cho đến khi chính quyền công nhận cô là nữ, cô khóc òa ngay tại ủy ban. 

Tuy nhiên, sau vài năm yên lành, UBND tỉnh Bình Phước chỉ đạo Sở Tư pháp tỉnh thu hồi giấy chứng nhận chuyển đổi giới tính mà UBND thị trấn cấp cho cô trước đây. Cuộc đời của Trâm tưởng chừng có hồi kết đẹp nay lại đứng trước một cơn bão giông mới.

 “Trâm buồn lắm, nhiều ngày qua Trâm lại khóc. Không lẽ những người như Trâm không bao giờ tìm được chính mình sao”?- Cô buồn bã. Niềm an ủi của Trâm là học sinh và phụ huynh luôn ở bên cô, cảm phục cô về nghề nghiệp và yêu thương cô vì sự dịu dàng, nữ tính. 

Cả xã hội đã mở rộng vòng tay, duy chỉ có một tấm giấy “thông hành” giúp cô sống thật với mình vẫn đang là một rào cản ghê gớm sau những đắng cay cô đã trải qua. Bỏ qua tất cả, cô vẫn đang sống rạng ngời, tràn đầy hy vọng và cháy bỏng ước mơ một lần tay trong tay với “người yêu” cũng là ân nhân mà chưa bao giờ cô được gặp.


Y Trang
Bình luận
vtcnews.vn