Chuyện đau lòng và man rợ ở Tháp Sọ Người

Phóng sự - Khám pháThứ Hai, 14/10/2013 01:07:00 +07:00

(VTC News) - Những chiếc hộp sọ của kẻ thù được sử dụng cùng cát sỏi vôi vữa để xây thành tòa tháp lớp, như là một lời cảnh báo man rợ nhất.

(VTC News) - Những chiếc hộp sọ của kẻ thù được sử dụng cùng cát sỏi vôi vữa để xây thành tòa tháp lớp, như là một lời cảnh báo man rợ nhất.


Giữa trung tâm xứ Nis của Serbia tồn tại một trong những tòa tháp rùng rợn nhất trên thế giới có tên gọi Cele Kula, có nghĩa là Tháp Sọ Người.

Đúng như tên gọi đáng sợ của mình, Tháp Sọ Người được xây nên từ chính những chiếc đầu lâu của một đội quân chiến bại thời Trung cổ. Đó là đội quân của một nhà lãnh đạo địa phương dám đứng lên chống lại ách đô hộ của người Ottoman (Thổ Nhĩ Kỳ) ngay trong gia đoạn cường thịnh nhất của đế chế này.

Năm 1809 đánh dấu cột mốc đầu tiên trong quá trình người dân Serbia đứng lên chiến đấu chống lại Đế chế Ottoman hùng mạnh. Những người nông dân xứ Nis dưới sự lãnh đạo của người đàn ông có tên là Stevan Sindelic đã dám thách thức quyền lực của một trong những đế chế hùng mạnh nhất đương thời.

Cận cảnh những chiếc sọ người được dùng để xây tháp 
Nhiều hộp sọ đã được thân nhân lấy mang đi chôn cất 

Tuy nhiên, họ nhanh chóng phải đối mặt với những quân đoàn đông và thiện chiến hơn gấp bội. 36.000 binh sỹ hoàng gia Ottoman đã vây ráp quân nổi dậy tại ngọn đồi Cegar xứ Nis và liên tục tổ chức những cuộc tấn công mãnh liệt. Sự tan vỡ của quân nổi dậy chỉ còn là vấn đề thời gian.

Thế nhưng thay vì đầu hàng hay chạy trốn, Stevan Sindelic và những người lính chân đất của ông đã quyết tử chiến với kẻ thù.

Trong nỗ lực kháng cự cuối cùng khi quân Ottoman đã tràn ngập các chiến hào phòng thủ, Sindelic đã ra lệnh cho nổ kho thuốc súng dự trữ của mình. Vụ nổ khủng khiếp gần như đã xóa sổ cả chiến trường, bao gồm cả quân nổi dậy và những kẻ đang săn đuổi họ.

Tuy nhiên vẫn còn 58 hộp sọ gắn trên tường ngọn tháp 
Quân Ottoman xây tháp nhằm cảnh báo cư dân địa phương dám chống lại họ 

Hurshid Pasha, viên tướng chỉ huy quân Thổ Nhĩ Kỳ đã vô cùng tức giận trước những tổn thất mà đội quân của Stevan Sindelic đã gây ra. Ông ta quyết định trả thù một cách tàn khốc nhất, dù cho Stevan Sindelic và quân nổi dậy đều đã chết.

Pasha cho chặt đầu kẻ thù, lột da và nhồi rơm vào đó để gửi về cho tòa án Hoàng gia ở Istanbul như là bằng chứng của chiến thắng vinh quang. Tàn nhẫn hơn, ông ta còn ra lệnh sử dụng những chiếc hộp sọ thu được để xây thành một tòa tháp ở ngay con đường chính dẫn vào thành phố.

Đó là lời cảnh báo man rợ nhất dành cho người dân địa phương về hậu quả khủng khiếp của bất kỳ cuộc “nổi loạn” nào.

Tổng cộng có tới 952 chiếc sọ người đã được dùng để xây tháp, cùng với gạch đá vôi vữa. Ban đầu, tòa tháp rùng rợn này có chiều cao 15 feet (khoảng 4,57 mét) và rộng 13 feet (gần 4 mét).

Tuy nhiên người Serbia vẫn tiếp tục chiến đấu và đã giành được độc lập vào năm 1830 

Những chiếc sọ người được sắp xếp thành 56 vòng bao quanh ngọn tháp, mỗi vòng chứa 17 hộp sọ mỗi bên. Hộp sọ của của Stevan Sindelic, lãnh đạo quân nổi dậy, được gắn ở hàng đầu tiên, ngay phía trước của tòa tháp.

Trong suốt hàng trăm năm sau đó, Tháp Sọ Người như là một vết sẹo khủng khiếp trong lịch sử của dân tộc Serbia. Tuy nhiên, những kẻ nhẫn tâm xây nên tòa tháp đã không đạt được mục đích của mình. Nó chỉ càng làm cho người dân địa phương thêm căm giận.

Nhân dân Serbia vẫn tiếp tục chiến đấu kiên gan để chống lại những kẻ xâm lược man rợ. Một cuộc khởi nghĩa lớn diễn ra vào năm 1815 đã thành công, đánh tan quân Ottoman và giành độc lập cho đất nước Serbia vào năm 1830.

Nhà nguyện được xây để người dân cầu kinh cho những oan hồn trong tòa tháp 
Chân dung và hộp sọ của Stevan Sindelic, lãnh đạo đội quân nổi dậy bị tàn sát 

Sau khi chiến thắng kẻ thù, thân nhân của những người bị gắn hộp sọ vào tòa tháp đã tiến hành đục lấy di thể của họ để mang về an táng. Tuy nhiên cho đến ngày nay vẫn còn 58 chiếc đầu lâu chưa được gỡ ra, trở thành nỗi ám ảnh cho bất kỳ ai từng đến thăm ngọn tháp.

Các nhà chức trách Serbia sau đó cũng đã tiến hành xây dựng một nhà nguyện vào năm 1892 để người dân đến cầu kinh cho những linh hồn oan khuất. Hộp sọ của Stevan Sindelic hiện vẫn được trưng bày trang trọng tại đây.

Khuôn viên của nhà nguyện sau đó đã bao bọc lấy toàn bộ ngọn tháp, để bảo tồn di tích này như là một biểu tượng của lòng dũng cảm và tinh thần dân tộc. Thế nhưng vô hình chung nó cũng trở thành biểu tượng cho sự tàn khốc, man rợ của những cuộc chiến tranh.


Thái Hồ

Bình luận
vtcnews.vn