Chuyện đau lòng ở Quảng Bình: Nghĩa địa của những oan hồn Biển Đông

Khám pháThứ Bảy, 31/10/2015 06:40:00 +07:00

Âm hồn tự và nghĩa trang oan hồn ở thôn Sa Động là nơi chôn cất và thờ cúng những người gặp nạn trôi dạt về vùng biển của thôn.

Âm hồn tự và nghĩa trang oan hồn ở thôn Sa Động là nơi chôn cất và thờ cúng những người gặp nạn trôi dạt về vùng biển của thôn.


Nghĩa trang của những oan hồn


Âm hồn tự (hay còn gọi là Sa hải tự) và nghĩa trang oan hồn ở thôn Sa Động, xã Bảo Ninh (TP.Đồng Hới, Quảng Bình) là nơi chôn cất và thờ cúng những người gặp nạn trôi dạt về vùng biển của thôn.

Nghĩa trang được người dân Bảo Ninh lập ra bên cạnh bờ biển quanh năm sóng vỗ rì rào. Khuôn viên rộng hơn 400m2 là nơi an nghỉ của 120 oan hồn là những người gặp nạn trên biển Đông. Với những ngư dân ở đây, nghĩa trang là một nơi tâm linh tôn kính tựa như nghĩa trang chôn cất người thân trong làng.

Xã Bảo Ninh có một địa thế vô cùng độc đáo, phía trên là cửa biển, phía trước là con sông Nhật Lệ thơ mộng, phía sau lại là biển cả mênh mông. Với địa hình như vậy, hàng năm cứ đến mùa lũ, nước ở thượng nguồn con sông đổ về khiến bao nhiêu nhà cửa, trâu bò và người trôi dạt về hạ nguồn.

Trong đó, kinh hoàng nhất có lẽ là trận lũ lụt lớn vào năm 1950, khiến hàng trăm nghìn hộ dân sống ven sông Nhật Lệ đứng trước bờ vực thẳm.

“Âm hồn tự” và nghĩa trang của những oan hồn tại làng biển Sa Động
“Âm hồn tự” và nghĩa trang của những oan hồn tại làng biển Sa Động 

Ông Trương Phương Xa (1946, Bảo Ninh, TP.Đồng Hới) là vị thủ từ của nghĩa trang oan hồn cho biết: “Khi đó tôi đang còn nhỏ lắm, lớn lên một chút tôi được cha mẹ kể lại, trận lũ năm ấy thuyền, đò có thể chèo vào giữa lòng TP.Đồng Hới. Dưới dòng sông Nhật Lệ, rất nhiều người dân bị dòng nước cuồn cuộn nhấn chìm. Chính vì vậy mà sau trận lũ lịch sử, có rất nhiều người chết trôi dạt vào bờ”.

Những người không thể nhận dạng, không có giấy tờ tuỳ thân được ngư dân của thôn làm lễ chôn cất, được một thời gian thì bốc hài cốt của họ đưa vào nghĩa trang thờ tự.

Ông Xa cho biết “Khi tôi lớn lên đã thấy nghĩa trang. Cũng đã nhiều lần tôi tò mò hỏi các vị cao niên trong làng nghĩa trang có từ bao giờ, các cụ nói có từ khi lập làng.

Nếu tính theo cách này, nghĩa trang hình thành khoảng thế kỷ thứ XI với mốc lịch sử anh hùng Lý Thường Kiệt sau khi dẫn quân đi chinh phạt Chiêm Thành mở mang bờ cõi phía nam Đại Việt, đã huy động dân từ Thanh Hoá, Nghệ An vào đây thành lập làng, trấn an bờ cõi”.

Theo thời gian, số oan hồn trôi dạt về bãi biển của làng Sa Động được người dân đem đến chôn cất ở nghĩa trang ngày càng nhiều hơn.

Chứa đầy lòng bao dung, tôn kính


Ông Trương Quốc Hội (1954), giữ chức bí thư chi bộ thôn Sa Động đã 20 năm cho biết: “Năm 1979, người dân phát hiện 2 ngư dân trôi dạt vào bờ. Với những đặc điểm của chiếc tàu bị sóng biển xô đẩy lên bãi, ngư dân biết đó là người Trung Quốc.

Trong hai người, một người có thân hình vạm vỡ và nước da trắng hồng, khoảng 30 – 35 tuổi, người kia khoảng 50 tuổi. Sau khi hoàn tất thủ tục, hội đồng pháp y của tỉnh đã tiến hành khám nghiệm tử thi thì thấy trong dạ dày của cả hai người không có thức ăn, chỉ còn sót lại một số hạt gạo.

Với kinh nghiệm đi biển lâu năm, những cao niên dự đoán họ gặp nạn trên biển đã mấy ngày, cố gắng giành giật sự sống trước biển cả bao la nhưng đành bất lực vì sức khoẻ đã cạn kiệt. Không còn thức ăn, họ đành phải ăn gạo cầm chừng”.

Ông Trương Phương Xa, kể chuyện về “Âm hồn tự” và nghĩa trang oan hồn
Ông Trương Phương Xa, kể chuyện về “Âm hồn tự” và nghĩa trang oan hồn  

Vào năm 1979, giữa lúc cuộc chiến tranh biên giới phía bắc dang diễn ra mạnh mẽ, nhưng với tâm thức, nghĩa tử là nghĩa tận, dân làng thôn Sa Động vẫn mở lòng nhân ái. Họ chôn cất 2 ngư dân Trung Quốc sau đó bốc hài cốt bỏ chung vào nghĩa trang, không một chút phân biệt quốc tịch hay xuất xứ.

Vào ngày rằm, mùng một hàng tháng, ông Xa thay mặt dân làng đến thắp hương, đốt vàng cho linh hồn những người xấu số. Vào dịp rằm tháng 7, dân làng thôn Sa Động làm một lễ rất lớn, được xem như ngày kị (giỗ) của những âm hồn.

Trước đây, khi chưa xây dựng nghĩa trang bằng xi măng, người dân mang cuốc xẻng đến làm vệ sinh, đổ cát lên giống như chạp mã vào dịp tết. Sau này, nghĩa trang được xây dựng bề thế hơn, người dân thường đến quét dọn, làm vệ sinh cho sạch sẽ.

Một người dân cho biết: “Dân làng chúng tôi từ xưa tới nay đều tỏ lòng thành kính, thờ tự và cúng bái những vong hồn ở nghĩa trang này như người thân trong làng, cầu mong họ phù hộ độ trì để tai qua nạn khỏi khi làm ăn lênh đênh trên biển cả”.

Tháng 7/2011, “Âm hồn tự” và nghĩa trang các oan hồn ở thôn Sa Động được UBND Quảng Bình cấp bằng công nhận là một trong những di tích văn hóa lịch sử cấp tỉnh.


Nguồn: Ngô Huyền (Người đưa tin)
Bình luận
vtcnews.vn