Chuyện đâm xe, cứu cháu bé... hãi hùng của lái tàu ở VN

Phóng sự - Khám pháThứ Bảy, 07/08/2010 12:07:00 +07:00

Cái nhìn cuối cùng của các thanh niên bê tráp, người già và trẻ con trên chiếc xe đi ăn hỏi xấu số đã ám ảnh tài xế Đào Nguyên Ngọc.

Ánh nhìn trong tích tắc trước lúc bị tàu cán chết là một nỗi ám ảnh khủng khiếp. Trong vụ tàu đâm xe ăn hỏi, tài xế tàu hỏa nói: "Những người ngồi trên ô tô vạch rèm cửa sổ nhìn tôi với ánh mắt sửng sốt pha lẫn tuyệt vọng và cầu cứu nhưng…".

Nỗi ám ảnh

Cái nhìn cuối cùng của các thanh niên bê tráp, người già và trẻ con trên chiếc xe đi ăn hỏi xấu số đã ám thị tài xế Đào Nguyên Ngọc (sinh năm 1977). Sau vụ tai nạn thảm khốc đó, Ngọc phải nghỉ một thời gian ngắn, người gầy rộc và xanh xao. Dần dần, Ngọc mới hồi lại được tinh thần để tiếp tục công việc chạy tàu.

Ngọc hồi tưởng: "Lúc đó tàu chạy với tốc độ 60 km/h, chậm hơn tốc độ cho phép 20 km/h thì bỗng nhiên chiếc xe chở khách vọt ra từ một đường ngang khuất không gác chắn. Cự ly quá gần, làm sao mà em phanh kịp”. Ngọc ngồi đối diện với tôi, đôi mắt sâu, người gầy gò, khó nhọc kể lại câu chuyện trên. Cũng may, gia đình nhỏ của Ngọc (ở Ngọc Hồi, gần đường sắt, đoạn qua bến xe Nước Ngầm - Hà Nội) là sự cứu rỗi.

 

Ngọc kể, sau những chuyến hành xa đầy căng thẳng về căn nhà nhỏ, vợ con chạy ùa ra xách cặp, quấn quýt, anh thấy vơi bớt mệt mỏi. Hằng ngày, 2 đứa con Ngọc hễ cứ nghe tiếng còi tàu chạy qua nhà lại níu tay mẹ bảo: "Tàu hỏa của bố đấy".

Có lẽ chúng hình dung, tàu bố Ngọc chở đầy ắp khách đang hú còi reo vui. "Em sẽ không cho con cái sau này theo nghề bố đâu. Em thường dặn người thân, bạn bè tránh xa đường ray xe lửa ra", Ngọc nói. Đợt tàu Ngọc lái tông vào xe ăn hỏi, cả nhà nghe tin đã vật vã khóc. Sau vụ đó, bố mẹ khuyên Ngọc bỏ nghề.

Thường đã bị tàu hỏa đâm trực diện thì khó tránh khỏi chết thương tâm. Đâm bất cứ ai chết cũng đều xót xa. Lái tàu đâm chết người thân hoặc người nhà đồng nghiệp mình càng xót xa. Cánh lái tàu thuộc Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội vẫn còn nhắc câu chuyện về tài xế Phạm Minh Hà đâm chết anh trai của đồng nghiệp.

Tài xế Tạ Xuân Dũng (sắp nghỉ hưu) vẫn chưa quên khi tàu của anh (lúc đó lái phụ) nhiều năm trước đâm chết người bác của đồng nghiệp ngay gần ga Hà Nội. Lúc đâm không biết nạn nhân là ai nhưng khi kéo xác ra khỏi gầm máy mới phát hiện người quen. "Nhưng kể cả đang điều khiển tàu hỏa mà thấy vợ con trước mặt ở khoảng cách gần cũng không thể hãm phanh nổi", tài xế Dũng nói.
Tôi còn nhớ, trước đây trên các đầu tàu chi chít chân hương. Giờ đây, ngành đường sắt cấm tài xế thắp hương trên đầu máy nhưng như kể lại, hầu như bác tài nào trước khi nhận nhiệm vụ cũng đều thắp hương cầu xin bình an từ ở nhà.

Những pha cứu người

Nếu cứ đúng quy trình, lái tàu phải đảm bảo an toàn cho hơn 10 toa tàu chở khách phía sau, còn những người vi phạm an toàn giao thông nếu không đúng cự ly hãm phanh thì tàu buộc phải đâm. Tuy nhiên, có không ít tài xế đã cứu người thoát nạn một cách ngoạn mục.

Nguyễn Ngọc Tiến (sinh năm 1983, quê Ninh Bình) mới vào nghề được 18 tháng nhưng đã cứu được một em bé. Hôm đó, Tiến ngồi ghế lái phụ trên chuyến tàu Đồng Đăng 4. Đoàn tàu đang chạy với tốc độ 50 km/h giữa đoạn rừng cây thuộc địa bàn Lạng Sơn thì phát hiện chướng ngại vật nhỏ cách vài trăm mét.
Dùng cốc nước để cảnh báo người lơ đãng.

Tàu tiến gần hơn một chút, lái chính và lái phụ tá hỏa khi thấy một đứa bé tầm 2 tuổi đang đứng trên đường ray nhìn tàu khóc ré. Ngay lập tức, lái chính phanh tàu, còn Tiến mở cửa trèo ra phía trước mũi tàu kịp thời dùng chân gạt cháu bé văng ra vệ đường. Pha hành động mạo hiểm của Tiến đã cứu thoát cháu bé trong tích tắc. Tàu dừng hẳn, Tiến và đồng nghiệp còn bế cháu bé đi tìm bố mẹ vì nhà dân ở khu vực đó ở rất thưa.

Nhiều lái tàu kể, họ ít khi mua các đồ vật giá trị để trên buồng lái vì nhiều khi đó là những vật dùng để ném cảnh báo. Có những trường hợp mải nghe điện thoại giữa đường ray không để ý tiếng còi tàu, tài xế đành phải dùng tất cả những gì có thể để ném cảnh báo.
"Thật khổ tâm và bất lực khi chứng kiến ánh mắt của bao nhiêu người ngồi trên xe ngước nhìn mình. Tích tắc thôi nhưng khó quên lắm. Ngay sau vụ tai nạn, em không thể điều khiển đầu máy được nữa, cơ quan đã điều người khác đến thay" - Ngọc tâm sự

Chuyện cứ như đùa khi cốc, chén uống nước, xà phòng cục, có khi cả bát ăn mì tôm, hộp cơm cũng được dùng để ném.

Không hiếm trường hợp vì được "ăn" chén uống nước mà thoát khỏi cảnh bị phanh thây dưới bánh tàu hỏa.

Với cánh lái tàu, nếu kéo còi mà người ta tránh cho là điều may mắn. Đường sắt về lý thuyết là dành cho tàu hỏa nhưng đang oằn mình cõng nhiều loại phương tiện khác và vô vàn đường ngang hợp pháp, lẫn bất hợp pháp.

Chỉ có những người thần kinh thép mới dễ dàng thanh thản sau mỗi chuyến hành xa. Tôi đã ngồi trên đầu tàu chạy ban ngày và ban đêm. Đôi khi, tôi hình dung trên đường sắt không chỉ có tàu hỏa, các loại xe cố tình vượt, mà còn có cả dãy dài linh hồn tả tơi đang liêu xiêu. Những linh hồn ấy như thể đang gào thét với người sống: Đừng đâm đầu vào chỗ chết nữa, đừng chết lãng xẹt nữa! Tiếc thay, những tiếng gào thét ấy không như còi, không thành hơi.

Theo Đình Thắng (Tiền phong)


Bình luận
vtcnews.vn