Chuyến công du mở ra không gian hợp tác mới toàn diện và sâu sắc

Thế giớiChủ Nhật, 19/10/2014 05:11:00 +07:00

Chuyến thăm Châu Âu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thành công tốt đẹp với nhiều dấu ấn ngoại giao quan trọng.

Chuyến thăm Châu Âu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thành công tốt đẹp với nhiều dấu ấn ngoại giao quan trọng.

Sáng 19/10, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã về đến Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Liên minh Châu Âu, CHLB Đức và Vương quốc Bỉ; đồng thời tham dự Hội nghị Cấp cao Á-Âu (ASEM) lần thứ 10 tại Milan, Italy và thăm Tòa thánh Vatican.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch Ủy ban châu Âu tại cuộc họp báo 

Chuyến công du châu Âu lần này của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng không chỉ mở ra không gian hợp tác mới toàn diện, sâu sắc và thực chất với Liên minh Châu Âu (EU), Đức và Bỉ mà còn thắt chặt sự tin cậy chính trị, lòng tin chiến lược và thúc đẩy hợp tác kinh tế cùng có lợi giữa Việt Nam với các quốc gia Châu Á – Thái Bình Dương.

Thúc đẩy hợp tác kinh tế là mục tiêu trọng tâm trong chuyến thăm chính thức EU, Đức và Bỉ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lần này.

Tâm điểm chú ý không chỉ đối với Việt Nam và 28 nước thành viên EU mà cả với thị trường thương mại toàn cầu, đó là Tuyên bố chính trị giữa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch Ủy ban Châu Âu José Durão Manuel Barroso về định hướng kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do Việt Nam- EU sau 2 năm 4 tháng hai bên đã tiến hành 10 vòng đàm phán.

Tuyên bố của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Barroso là dấu mốc quan trọng vì hai bên cơ bản đã thống nhất về nội dung, chỉ còn lại một số vấn đề kỹ thuật.

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam- EU kỳ vọng sẽ kết thúc đàm phán và ký kết vào đầu năm 2015, chắc chắn sẽ mở ra một không gian hợp tác mới với thị trường rộng lớn hơn, cơ chế thuận lợi và bình đẳng hơn cho doanh nghiệp cả hai bên, nhất là thúc đẩy đầu tư của EU vào Việt Nam và đẩy mạnh hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU.
Lễ ký kết EU tài trợ 400 triệu Euro cho Việt Nam 
Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng nhận định: “…Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU được ký kết theo tính toán sơ bộ khả năng xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ tăng thêm 1 năm từ 5-6%.

Hiện nay chúng ta xuất khẩu sang EU với tốc độ bình quân 18%. Nếu Hiệp định được ký kết, 1 năm chúng ta sẽ tăng trưởng xuất khẩu sang EU từ 24-25%. Một con số hết sức có ý nghĩa trong bối cảnh chúng ta đang đẩy mạnh sản xuất trong nước, tiêu thụ thị trường nội địa vừa mở rộng thị trường bên ngoài…”.

Quan hệ hợp tác song phương giữa Việt Nam với Đức và Bỉ cũng đi thẳng vào thực chất, thiết thực từ cấp độ Chính phủ đến các bộ, ngành, địa phương, giữa các doanh nghiệp và công tác bảo hộ công dân trong chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tới 2 nước thành viên quan trọng này của EU.
Tân Thủ tướng Vương quốc Bỉ đón và hội đàm với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng 
Đón, hội đàm với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong ngày làm việc đầu tiên trên cương vị Thủ tướng Vương quốc Bỉ, Thủ tướng Charles Michel khẳng định mạnh mẽ quyết tâm cùng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp hai nước tăng cường kết nối hợp tác trong các lĩnh vực Việt Nam ưu tiên và Bỉ có thế mạnh, nhất là cảng biển, dịch vụ hậu cần, giao thông vận tải, công nghệ xanh, công nghệ cao và hàng không-vũ trụ.

Hiện thực hóa quyết tâm chính trị này, Hai Thủ tướng đã chứng kiến lễ trao Giấy phép đầu tư cho Công ty Rent-a-port đầu tư tại huyện đảo Cát Hải, Hải Phòng và Thỏa thuận Bỉ dành cho Việt Nam khoản vay ODA 62 triệu EURO hỗ trợ phóng tiểu vệ tinh thứ 2 VNREDSat-1B phục vụ quan sát tài nguyên thiên nhiên và thiên tai...
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Angela Merkel 
Cùng với phối hợp chặt chẽ tổ chức các hoạt động thiết thực kỷ niệm 40 năm Việt Nam- Đức thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng Thủ tướng Đức Angela Markel nhất trí chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ các dự án hợp tác trọng điểm giữa hai nước như Ngôi nhà Đức, xây dựng tuyến tầu điện ngầm số 2 tại thành phố Hồ Chí Minh cũng như khuyến khích và tạo động lực để thúc đẩy đầu tư của Đức vào Việt Nam.

Thủ tướng Angela Markel ủng hộ phát triển trường Đại học Việt - Đức tiêu biểu xuất sắc với đẳng cấp khu vực; mở rộng Chương trình hợp tác thí điểm đưa điều dưỡng viên Việt Nam sang làm việc dài hạn tại Đức, hướng tới những ngành nghề xã hội Đức đang có nhu cầu và lao động Việt Nam có thể đáp ứng. Chính phủ Đức cũng khẳng định tiếp tục duy trì ODA cho Việt Nam tập trung vào 3 lĩnh vực ưu tiên là năng lượng, bảo vệ môi trường và dạy nghề…

Tại Hội nghị cấp cao Á-Âu lần thứ 10 tại Milan, Italy, một lần nữa Việt Nam thể hiện rõ là thành viên tích cực, năng động và có trách nhiệm với các vấn đề nổi lên mang tính toàn cầu.

Các nhà lãnh đạo ASEM đánh giá cao 3 sáng kiến mới thiết thực của Việt Nam liên quan đến quản lý bền vững nguồn nước nhằm bảo đảm an ninh lương thực, Tuần lễ thanh niên ASEM hành động mạnh mẽ hơn nhằm giải quyết thách thức về không đói nghèo và kỹ năng xanh hướng tới tăng trưởng toàn diện và bền vững.
Phát biểu tại Hội nghị cấp cao Á-Âu, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Để duy trì hòa bình, thực tiễn đã khẳng định, cần kiên trì xây dựng lòng tin chiến lược - sự tin cậy lẫn nhau bền vững, lâu dài 
Ấn tượng nhất và nhận được sự đồng thuận cao nhất của các nhà lãnh đạo ASEM tại hội nghị là bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về tăng cường đối thoại, hợp tác Á - Âu và tương lai ASEM.

Thủ tướng nhấn mạnh:“…Chiến tranh hay hòa bình hoàn toàn tùy thuộc vào ý thức trách nhiệm và ý chí chính trị của các quốc gia. Để duy trì hòa bình, thực tiễn đã khẳng định, cần kiên trì xây dựng lòng tin chiến lược - sự tin cậy lẫn nhau bền vững, lâu dài - trên cơ sở Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, tôn trọng độc lập chủ quyền của nhau; giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, hợp tác bình đẳng cùng có lợi, tôn trọng lẫn nhau và tăng cường đối thoại về các khác biệt, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực…”.

Quan điểm này của Việt Nam được thể hiện rõ trong Tuyên bố của Chủ tịch Hội nghị Cấp cao ASEM 10 trong giải quyết các thách thức toàn cầu cũng như các vấn đề nổi lên hiện nay, trong đó có vấn đề biển Đông.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết thêm: “…Rõ ràng vấn đề an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở biển Đông là lợi ích chung của tất cả các nước, do đó tất cả các nước đều rất quan tâm.

Khi Thủ tướng ta nêu vấn đề này các bạn đều thấy rằng, đây là lập trường rất chính đáng, không chỉ đáp ứng lợi ích của Việt Nam, của các nước liên quan mà của tất cả cộng đồng quốc tế. Cho nên Tuyên bố của Chủ tịch ASEM 10 cũng nhấn mạnh việc cần phải đảm bảo an toàn, tự do hàng hải  ở các khu vực biển trên thế giới, đặc biệt là biển Đông.

Ngay trong hội nghị lần này, rất nhiều ý kiến phát biểu cần phải duy trì những nguyên tắc rất cơ bản trong quan hệ quốc tế, tức là phải tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng Công ước luật Biển 1982 và sử dụng các biện pháp hòa bình để giải quyết các tranh chấp chứ không được sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, hoặc các hành động đơn phương khác để thay đổi nguyên trạng…

Điều này tạo ra sức ép rất lớn để các nước mà có hành động đơn phương thì cũng phải cân nhắc trong bối cảnh tất cả các quốc gia trên thế giới đều mong muốn có môi trường hòa bình, ổn định để phục hồi và phát triển kinh tế…”

Mặc dù dày đặc lịch tham dự các hoạt động của Hội nghị Cấp cao ASEM 10 nhưng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã liên tiếp tiến hành các cuộc gặp song phương với các Nguyên thủ, Người đứng đầu Chính phủ các nước như Nhật Bản, Thụy Sỹ, Trung Quốc, Italy, Ba Lan, Mông Cổ, Bulgaria, Na Uy, Thái Lan, Myanmar….để trao đổi và thống nhất nhiều biện pháp cụ thể nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương ngày càng thực chất hơn trên các lĩnh vực, nhất là kinh tế, thương mại, đầu tư cũng như trao đổi các vấn đề cùng quan tâm…

Sau dấu ấn sâu đậm tại Hội nghị Cấp cao ASEM10, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tới Rome và tiến hành thăm Tòa thánh Vatican lần thứ 2 trên cương vị Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam. Giáo hoàng Francis nhấn mạnh, đây dịp rất tốt để hai bên tăng cường hiểu biết lẫn nhau, qua đó thúc đẩy tốt đẹp hơn nữa quan hệ giữa Việt Nam và Tòa thánh.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết thêm: “…Thủ tướng ta lần này đến Tòa thành gặp gỡ với Giáo hoàng, đồng thời hội đàm với Thủ tướng Tòa thánh với thông điệp rõ ràng: Đảng, Nhà nước Việt Nam rất coi trọng tín ngưỡng của đồng bào ta ở trong nước, đồng thời hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho đồng bào công giáo cũng như các tôn giáo khác tham gia tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế xã hội của đất nước và bảo vệ tổ quốc.

Đồng thời cũng thảo luận rất kỹ có những bước đi thích hợp để tiếp tục đưa quan hệ hướng tới thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Tòa thánh bằng những giai đoạn và thời điểm phù hợp….”.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hội kiến Giáo hoàng Francis (Ảnh: Đức Tâm) 
Tiếp kiến Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Giáo hoàng Francis bày tỏ quan ngại về tình hình căng thẳng ở Biển Đông và khẳng định mong muốn đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh tại khu vực và trên thế giới.

Giáo hoàng Francis cũng nhấn mạnh phải thực hiện tốt hơn nữa đường hướng “sống Phúc âm giữa lòng dân tộc”, “giáo dân tốt phải là công dân tốt”, “người Công giáo Việt Nam phải đồng hành cùng dân tộc Việt Nam xây dựng đất nước ấm no, hạnh phúc”, “người Công giáo Việt Nam phải là người yêu nước”.

Hai bên cũng thống nhất tích cực duy trì đối thoại, tiếp xúc để tăng cường quan hệ tốt đẹp và hướng dẫn Giáo hội cùng cộng đồng Công giáo Việt Nam thực hiện tốt các huấn từ và sứ điệp này của Giáo hoàng...

Chuyến thăm Châu Âu lần này của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thành công tốt đẹp với nhiều dấu ấn ngoại giao quan trọng cả trên bình diện song phương và đa phương.

Thành công của chuyến thăm này không chỉ dừng lại ở góc độ song phương bằng những thỏa thuận hợp tác cụ thể hay ở góc độ đa phương bằng những cam kết chính trị mạnh mẽ, mà còn củng cố vững chắc lòng tin chiến lược, thắt chặt sự tin cậy chính trị đối với Việt Nam - một đối tác tin cậy, một thành viên luôn có trách nhiệm, đóng góp tích cực vào nỗ lực chung duy trì hòa bình, an ninh, ổn định và thịnh vượng ở Đông Nam Á cũng như ở hai châu lục Á - Âu và trên toàn thế giới.

Theo VOV
Bình luận
vtcnews.vn