Chuyện chưa kể về thầy giáo quân hàm xanh đến từng nhà dạy chữ cho học sinh vùng cao

Giáo dụcThứ Năm, 26/10/2017 07:51:00 +07:00

Ít ai biết, ngoài nhiệm vụ cùng các chiến sỹ trong Đồn Biên phòng Tân Thắng (Bình Thuận) bảo vệ vùng biên cương Tổ quốc, thượng úy Dương Văn Sơn còn lặn lội đến từng nhà dạy chữ cho học sinh cùng bà con tại đây.

Tốt nghiệp Đại học Biên phòng, thượng úy Dương Văn Sơn (1985) quê ở Thiệu Hóa – Thanh Hóa có nhiều cơ hội việc làm ở thành phố nhưng anh vẫn chọn vùng đồng bào dân tộc khó khăn để công tác.

Hiện tại, anh Sơn đang công tác tại Đồn Biên phòng Tân Thắng – Ban chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh  Bình Thuận với vai trò Đội trưởng đội vận động quần chúng.

trao phong bi

 Thượng úy Dương Văn Sơn đã chia sẻ với những học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn.

Thời gian qua, thực hiện chương trình "Nâng bước em đến trường" do Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng  phát động, Đồn Biên phòng Tân Thắng (Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Thuận) đã phát động cán bộ, chiến sỹ trong đơn vị tham gia, chia sẻ với học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn nhằm giúp các em viết tiếp ước mơ của mình trong học tập ở nhà trường.

Sau quá trình tìm hiểu và biết tới hoàn cảnh khó khăn của nhiều gia đình, thượng úy Sơn đã nhận đỡ đầu 5 em học sinh.

Được biết, 5 học sinh này đều sống trên địa bàn đơn vị quản lý, con gia đình có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi cha mẹ hay cha mẹ không có khả năng lao động…

Mỗi học sinh có một hoàn cảnh khó khăn khác nhau, bản thân thượng úy Sơn luôn xem các em học sinh như một người thân trong gia đình. Vì vậy, anh thường xuyên gặp gỡ, trò chuyện, trao đổi với các em về việc học tập cũng như cuộc sống thường ngày.

Ngoài nhiệm vụ cùng các chiến sỹ trong Đồn Biên phòng Tân Thắng bảo vệ vùng biên cương Tổ quốc, thượng úy Sơn còn đến từng nhà dạy chữ cho học sinh cùng bà con trên địa bàn.

Anh Sơn kể: “Trên địa bàn nơi đơn vị đóng quân, có rất nhiều học sinh có nguy cơ dang dở giấc mơ đến trường. Ví dụ như gia đình em Thông Thị Thành (2004), dân tộc Chăm, hiện đang học lớp 7, trường THCS Tân Thắng. Cha em bị liệt cả hai chân, phải ngồi xe lăn, không làm được việc nhiều. Còn mẹ của Thành không có nghề nghiệp ổn định.

Vậy nhưng cha mẹ em phải nuôi 4 người con, Thành lớn tuổi nhất (13 tuổi) và 3 em sau đang còn rất nhỏ. Gia đình chỉ có căn nhà tạm bợ, luôn chồng chất khó khăn và cần sự giúp đỡ từ các tấm lòng hảo tâm”.

Vì vậy, anh Sơn thường dành thời gian hướng dẫn học tập, thường xuyên thăm hỏi, động viên gia đình tạo điều kiện để em Thành được tiếp tục đến trường.

trao qua tai nha 6

 Thượng úy Sơn tham mưu cho Cấp ủy, ban chỉ huy đơn vị trong thực hiện chương trình “Nâng bước em tới trường” và được cán bộ, chiến sỹ nhiệt tình tham gia, trở thành phong trào có sức lan tỏa mạnh mẽ trong đơn vị.

Từ những việc làm của bản thân, anh Sơn đã vận động được 28 học sinh bỏ học giữa chừng quay trở lại lớp học.

Anh Sơn thường xuyên gặp gỡ Ban giám hiệu nhà trường, giáo viên chủ nhiệm của các học sinh khó khăn để trao đổi về tình hình học tập. Vào khoảng thời gian ôn thi giữa hay cuối học kỳ, anh Sơn đã ghé thăm từng gia đình, động viên các em học tập, kiểm tra bài vở, hướng dẫn các em ôn thi để đạt kết quả cao nhất.

Được biết, khu vực địa bàn Đồn Biên phòng Tân Thắng đóng quân, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn. Các gia đình thường đông con, trình độ dân trí thấp. Vì vậy, nhiều em bỏ học giữa chừng, ở nhà phụ giúp cha mẹ để kiếm thêm thu nhập.

Chương trình “Nâng bước cho em đến trường” chính là hành động cụ thể, thiết thực động viên, khích lệ tinh thần những học sinh đang học tiếp tục đến trường hoặc những học sinh đã bỏ học quay trở lại lớp.

Thượng úy Dương Văn Sơn chia sẻ: “Vì muốn xóa mù chữ, tôi đã hướng dẫn các em học tập, nhất là kèm cặp trong những lúc ôn thi. Dù điều kiện kinh tế còn khó khăn, tôi vẫn dành dụm tiền để mua quần áo, giày dép, sách vở,.....để giúp học sinh có ý chí phấn đấu, tự tin tới trường học tập.

Tôi còn phối hợp với quân y Đồn Biên phòng Tân Thắng tổ chức thăm khám, phát thuốc miễn phí cho bà con”.

day hoc 7

 Anh Sơn đến từng nhà dạy chữ cho học sinh.

Là cán bộ công tác vận động quần chúng, ngoài công việc chuyên môn, anh Sơn còn dành thời gian đến thăm hỏi, kiểm tra bài vở cho các em, hướng dẫn các em học bài, kèm cặp các em trong những kỳ thi.

Được biết, từ năm 2011, thượng úy Sơn đã gắn bó với đơn vị, bà con dân tộc tại Tân Thắng (Bình Thuận).  Anh nhận thấy có những cảnh đời khác nhau nhưng đều có chung tinh thần hiếu học.

Người chiến sĩ chỉ có mong ước với sự đùm bọc yêu thương của cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Tân Thắng, hy vọng các em học sinh nơi đây sẽ không phải dang dở ước mơ đến trường.

Video: Thầy giáo hot boy Đại học Ngoại thường: 'Cuộc đời tôi thay đổi nhờ tiếng Anh'

Thành tích của thượng úy Dương Văn Sơn:

Giấy khen cho chiến sỹ đạt hành tích xuất sắc trong chiến dịch thanh niên tình nguyện hè 2012 của tỉnh đoàn Bình Thuận.

Chiến sỹ thi đua cấp cơ sở 2012 - Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Thuận.

Tỉnh Đoàn Bình Thuận trao tặng giấy khen Thanh niên tình nguyện hè 2013.

Chiến sỹ thi đua cấp cơ sở 2013 - Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Thuận.

Giấy khen của Uỷ ban nhân dân huyện Hàm Tân năm 2014.

Giấy khen của Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Thuận năm 2014.

 Chiến sỹ tiên tiến của Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Thuận năm 2014.

Giấy khen năm thanh niên tình nguyện năm 2014.

Giấy khen của Trung ương đoàn về Phong trào tuổi trẻ giữ nước 2014.

Giấy khen của Tỉnh Đoàn Bình thuận về Phong trào thi đua yêu nước  2015.

Giấy khen của Đoàn thanh niên cụm miền Đông Nam Bộ về thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác dạy năm 2015.

Bằng khen của Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Thuận năm 2015.

Giấy khen của Tỉnh Đoàn Bình Thuận về công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi năm 2015.

Giấy khen của Học viện Biên phòng năm 2016

Giấy khen của Ban chấp hành Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình thuận khi đạt thành tích xuất sắc trong hội thi “Báo cáo viên, tuyên truyền viên về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh năm 2017”.

Năm 2017, được đơn vị tín nhiệm đề xuất Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Thuận tặng danh hiệu chiến sỹ tiên tiến.

Năm 2017, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp Bộ GD-ĐT, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam và Tập đoàn Thiên Long tổ chức chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" nhằm tuyên dương gương cán bộ, chiến sĩ, đoàn viên thanh niên bộ đội biên phòng có nhiều thành tích trong dạy học, vận động học sinh đến trường cũng như xóa mù chữ ở vùng biên giới và hải đảo. 

Sau hai năm thực hiện (năm 2015 và 2016), chương trình đã vinh danh 106 giáo viên công tác tại các trường học điểm lẻ tại 64 huyện nghèo và các trường học nằm trên đảo thuộc các huyện đảo và các đơn vị hành chính cấp huyện có xã đảo.

Lưu Ly
Bình luận
vtcnews.vn