Chuyện chưa kể về lá cờ giải phóng đầu tiên được cắm ở sân bay Sơn Nhất

Phóng sự - Khám pháThứ Tư, 22/04/2015 06:50:00 +07:00

9h sáng ngày 30/4/1975, là cờ sao vàng nửa xanh nửa đỏ của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đã hiên ngang tung bay trên sân bay Tân Sơn Nhất

(VTC News) - 9h30 sáng 30/4/1975, lá cờ sao vàng nửa xanh nửa đỏ của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đã hiên ngang tung bay trên tháp nước sân bay Tân Sơn Nhất, trong giờ phút hấp hối của chế độ Việt Nam Cộng Hòa.


Kỳ 1: 832 ngày đêm giữa sào huyệt quân thù

 
40 năm đã qua, người cắm ngọn cờ giải phóng đầu tiên ở Sài Gòn đã trở về với cuộc sống bình dị, vui vầy với cảnh thanh bình thôn quê. Ông là Phạm Văn Lãi, nguyên chiến sĩ của Phòng điện ảnh (có mật danh là B8) thuộc Cục Chính trị Quân giải phóng miền Nam (Cục Chính trị B2) hoạt động tại trại Davis, nằm trong sân bay Tân Sơn Nhất.

Trong những ngày tháng 4 lịch sử này, chúng tôi đã tìm về xã Tự Tân, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình để được nghe ông Lãi kể về những giây phút thiêng liêng hào hùng của 40 năm trước.

Sinh ra từ vùng đất giàu truyền thống cách mạng, có lẽ thế nên ngay từ nhỏ ông Lãi đã mang trong mình ý chí của một chiến sĩ quả cảm. Năm 1970 lúc đang học tại đại học thể dục thể thao Bắc Ninh, ông xung phong đi bộ đội.
 
Ông bảo, thời điểm ấy khắp nơi khí thế lắm, có hàng nghìn thanh niên sẵn sàng xung phong ra mặt trận, tất cả đều hướng về một điều duy nhất là phải giải phóng miền Nam, giành thống nhất đất nước.
Ông Phạm Văn Lãi 

Sau 6 tháng rèn luyện, ông Lãi được điều động vào chiến trường miền Đông (B2) – một trong những trận địa quan trọng của chiến dịch giải phóng miền Nam. Ở đó, trải qua những trận phục kích, những lần bị sốt rét ác tính, những lần bị rắn cắn… đã dần trui rèn nên một ý chí sắt đá trong con người của chiến sĩ Phạm Văn Lãi.

Tháng 1/1973, Hiệp định Paris về kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết, đã mở ra thời cơ mới cho cuộc kháng chiến của dân tộc Việt Nam theo phương châm “Mỹ cút, ngụy nhào”.

Tháng 2/1973, hai phái đoàn quân sự của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (sau đây gọi tắt là phái đoàn ta) có mặt tại “Trại Davis” trong sân bay Tân Sơn Nhất, tham gia Ban Liên hợp quân sự Trung ương 4 bên, có nhiệm vụ phối hợp hành động bảo đảm thi hành những điều khoản về quân sự của Hiệp định Paris.

Cũng trong năm đó, trẻ tuổi, nhanh nhẹn, ý chí sắt đá, ông Lãi đã nhanh chóng “lọt vào tầm ngắm” của cấp trên, trở thành chiến sĩ của Phòng điện ảnh (có mật danh là B8) thuộc Cục Chính trị Quân giải phóng miền Nam (Cục Chính trị B2) hoạt động tại trại Davis. Đó cũng là quãng thời gian 832 ngày đêm không thể nào quên của ông Lãi cùng với các đồng đội, cho đến ngày đất nước thống nhất, khi mà tất cả phải sống trong lòng địch, phải luôn luôn cảnh giác cao độ để đánh bật mọi âm mưu đen tối của kẻ thù.
Trại Davis trước khi miền nam hoàn toàn giải phóng       Ảnh tư liệu 

Với bản lĩnh của từng thành viên trong phái đoàn ta, cùng với nghiệp vụ dày dạn của các các bộ làm công tác an ninh, mọi âm mưu, thủ đoạn của địch đều như lao đầu vào đá.

Ta và địch chỉ cách nhau có 1 bờ rào, cho nên thời gian đầu, chúng thường nhắm đến những sĩ quan trẻ của ta để lung lạc tinh thần, vì chúng nghĩ họ còn ít kinh nghiệm và chưa được tôi luyện, thử thách nhiều qua chiến đấu. Bản thân chiến sĩ Phạm Văn Lãi cũng có lần bị dụ dỗ.

Đó là một lần nhân cuộc họp bàn về trao trả tù binh, một viên sĩ quan ngụy lân la lại gần làm quen. Được một lát, gã ta nheo mắt nửa đùa, nửa thật: “Sang với tụi này đi, sung sướng lắm…”. Chưa nói hết câu, ông Lãi đã quắc mắt đốp trả: “Cái trò tâm lý chiến kiểu đấy thì vứt đi…”. Tên sĩ quan tẽn tò, vội lỉnh đi chỗ khác.

Tâm lý chiến không ăn thua, chúng chuyển sang tìm mọi cách lôi kéo, dụ dỗ, rồi đưa cả người của cơ quan an ninh, tình báo ngụy cài vào “phục vụ” phái đoàn ta, dưới danh nghĩa là nhân viên tạp vụ, lái xe, điện nước…thậm chí tìm mọi cách bắt cóc người của ta rồi khống chế, vu khống là chiêu hồi, về với “chánh nghĩa quốc gia”… Tuy nhiên, tất cả mọi âm mưu đêu thất bại thảm hại trước ý chí trung kiên của các cán bộ, chiến sĩ.

Tháng 3-1975, khi chiến dịch Tây Nguyên của ta đại thắng, quân ngụy tăng cường uy hiếp trại Davis. Chúng thường xuyên cắt nước, cắt điện, gây rối, kể cả việc đưa hàng lương thực, thực phẩm tiếp tế, bán cho ta một cách thất thường. Giữa lúc chiến sự đang đến hồi nóng bỏng, để đảm bảo an toàn cho phải đoàn, cấp trên đã chuẩn bị cho đặc công đột nhập vào đưa mọi người trong trại Davis ra ngoài, nhưng ông Lãi cùng mọi người đã chọn phương án ở lại và sẵn sàng chiến đấu.

Những ngày đầu tháng 4, Ban lãnh đạo Đoàn B đã dự kiến và có kế hoạch đối phó với các tình huống xấu, đồng thời phải tổ chức chiến đấu giữ được từ 3-5 ngày chờ đại quân vào giải phóng. Chỉ thị gấp rút đào công sự và hầm trú ẩn được ban bố.

Mọi thứ được tận dụng đào hầm, từ dao găm chiến đấu đến các cọc sắt ở đầu giường để giăng mùng. Chỉ trong 10 ngày, các hầm trú ẩn và công sự chiến đấu đã hoàn thành ngay trong lòng địch. Mọi việc đều diễn ra hoàn toàn bí mật, đám lính Sài Gòn ngồi chĩa súng, canh gác ngay gần đó có nằm mơ cũng không đoán được một hệ thống “địa đạo” đang xuất hiện sát bên mình, khi mà các chiến sĩ bên ngoài vẫn sinh hoạt hết sức bình thường, sáng chiều hai cữ thể thao đầy đủ, vườn rau vẫn được chăm sóc, khu chiếu phim giải trí vẫn sáng ánh đèn và tiếng guitar vẫn bập bùng...

Ngày 26-4-1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu. Sư đoàn 25 ngụy ở Đồng Dù bị tiêu diệt, Chuẩn tướng Lý Tòng Bá bị bắt. Thiếu tướng Lê Minh Đảo, Tư lệnh Sư đoàn 18 bỏ “phòng tuyến thép” ở Xuân Lộc rút chạy về sông Đồng Nai. Tổng thống Dương Văn Minh lên cầm quyền, tình hình quân sự Việt Nam cộng hòa đang như ngàn cân treo sợt tóc.
Bản đồ các mũi tiến công của Chiến dịch Hồ Chí Minh Ảnh tư liệu 
Quân ta tấn công sân bay Tân Sơn Nhất    Ảnh tư liệu 

Các thành viên trong trại Davis hồi hộp theo dõi từng diễn biến của chiến dịch qua sóng điện đài. Chiều cùng ngày, anh em trong trại Davis chiếu liền 5 tập phim “Giải phóng châu Âu” của điện ảnh Liên Xô. Hình ảnh những chiếc xe tăng Hồng quân ào ạt tiến vào Berlin và lá cờ đỏ Búa Liềm tung bay trên nóc nhà Quốc hội Đức khiến mọi người được củng cố thêm sức mạng tinh thần, ý chí chiến đấu và tin tưởng rằng lá cờ cách mạng sẽ hiên ngang bay trên nóc Dinh Độc Lập.

Liên tiếp những ngày 27, 28, 29/4, pháo ta nã đạn cấp tập vào Sài Gòn. địch liên tục cho các đoàn khách vào trại Davis xin thương thuyết ngừng bắn, ông Lãi cùng đồng đội biết rằng, có tài thánh thì Mỹ - ngụy cũng không lật nổi được thế cờ.

Sáng ngày 30-4-1975, chỉ huy trưởng đội cảnh vệ tập hợp toàn đội, Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn (trưởng phái đoàn B) với giọng bốc lửa chỉ thị cho chiến sĩ Phạm Văn Lãi: “Chủ lực của ta đang tiến vào nội thành Sài Gòn, đồng chí vào kho lấy cờ đem xuống đội vệ binh truyền đạt mệnh lệnh của tôi cắm cờ lên đỉnh tháp nước để quân ta biết hướng tấn công và quân địch đang đóng trong sân bay nhìn thấy lá cờ của ta sẽ hoang mang, buông súng, không còn khả năng chiến đấu”.


Còn tiếp…

Minh Sơn Lê - Hải Minh
>> ĐỌC TIẾP...
Bình luận
vtcnews.vn