Chuyện chỉ có ở giàn khoan: Một năm thắp hương một lần, xin ý kiến từ đất liền

Thị trườngThứ Năm, 11/02/2021 11:53:00 +07:00
(VTC News) -

Cuộc sống và làm việc trên giàn khoan có nhiều điều mà người ngoài không tưởng tượng được, ngay cả những câu chuyện nhỏ nhặt nhất.

Nếu ai nghĩ rằng cuộc sống của công nhân trên những giàn khoan khai thác khí và dầu ngoài biển sung sướng lắm thì tất cả đã nhầm.

Một ngày họ phải làm việc 12 tiếng/ca, giữa 2 ca chỉ được nghỉ 30 phút. Và khi đã vào ca trực thì bất kể trời mưa hay nắng, ngày hay đêm, ngày lễ hay ngày tết…

Chuyện chỉ có ở giàn khoan: Một năm thắp hương một lần, xin ý kiến từ đất liền - 1

Một chuyến đi thăm giàn khoan.

Một năm thắp hương một lần, mất nửa ngày chuẩn bị

Ở các giàn khoan khai thác dầu và khí, việc đảm bảo an toàn, phòng chống cháy nổ luôn được đặt lên hàng đầu. Để chống cháy nổ, các đồ bảo hộ lao động phải bằng sợi bông, được thiết kế, dệt may theo một quy trình riêng biệt. Các loại quần áo có pha nilon, hoặc len lông thú là tuyệt đối cấm. Trên giàn không được phép hút thuốc, ngoài một vị trí đã được quy định.

Nhưng riêng chuyện thắp hương thì mới thật kỳ lạ.

Hàng năm, trên giàn khoan duy nhất được thắp hương một lần, đó là vào phút giao thừa. Cũng có một số giàn khai thác dầu cho phép thắp hương thêm vào sáng mùng 1 Tết, hoặc ngày giỗ Bác Hồ.

Để thắp được nén hương vào đêm giao thừa, giàn trưởng phải có một báo cáo chi tiết về quy trình thắp hương và các biện pháp phòng chống cháy nổ kèm theo, gửi về Ban an toàn của Tổng Công ty. Sau khi được Ban an toàn đồng ý bằng văn bản thì việc thắp hương mới được phép bắt đầu và phải chuẩn bị trước đó…nửa ngày.

Nơi được phép đặt bàn thờ là trong phòng câu lạc bộ. Trước khi thắp hương khoảng 12 tiếng, phòng được đóng kín và có máy làm tăng áp suất trong phòng. Sở dĩ áp suất trong phải cao hơn là vì phải " đẩy"  không khí mang theo hơi khí đốt từ bên ngoài lọt vào.

Khi thắp hương thì bên ngoài và bên trong phải có các công nhân cầm máy đo nồng độ khí cháy và dĩ nhiên, trong thời điểm đó, hệ thống báo cháy ở phòng câu lạc bộ phải được cắt. Thời gian cắt mấy phút phải được lãnh đạo công ty phê duyệt từ trong đất liền.

Vào thời điểm Giao thừa, Giàn trưởng thắp 3 nén hương rồi cùng anh em khấn vái, xin cho một năm mới làm ăn yên ổn, gia đình mạnh khỏe và khi chuông đồng hồ điểm 12 tiếng, thì chỉ vài phút sau là nén hương  được tắt ngay. Tắt hương xong, lại phải làm báo cáo gửi về đất liền rằng đã tắt hương ở ngoài giàn.

Cấm xỉa răng

Trên một số giàn khai thác có liên doanh với người nước ngoài, đặc biệt là giàn liên doanh với người Nhật không hề có tăm xỉa răng. Hỏi ra mới biết, người Nhật vốn không có thói quen xỉa răng sau khi ăn cơm. Tuy nhiên, trên giàn khoan có công nhân Việt Nam thì nhiều khi thiếu cái tăm là cả một sự khó chịu.

Sở dĩ người Nhật là chủ mỏ không cho dùng tăm xỉa răng là bởi vì, công nhân Việt Nam, Phillipines và Malaysia có một thói quen “hơi xấu”, đó là xỉa răng xong vứt tăm ở bất cứ chỗ nào thấy tiện. Những chiếc tăm đó nếu như bị trôi vào đường cống thoát nước hoặc lavabo thì sẽ là thủ phạm, là nguyên nhân gây tắc đường ống. Và để sửa chữa một đường ống tắc trên giàn khoan thì là cả một vấn đề, không đơn giản, thậm chí tốn rất nhiều tiền. Chính vì thế, trên một số giàn khoan có liên doanh với nước ngoài, họ không cho phép dùng tăm xỉa răng hoặc có nơi du di cho anh em thì phải ra một khu vực riêng.

Không đi giày có thể mất 15.000 USD

Chuyện chỉ có ở giàn khoan: Một năm thắp hương một lần, xin ý kiến từ đất liền - 2

Giầy bảo hộ lao động cho công nhân trên giàn khoan nặng 1,4kg.

Ở ngoài giàn khoan, công tác bảo hộ lao động cũng được đặt lên hàng đầu. Đó là phải mặc quần áo bảo hộ lao động bằng vải cotton do xí nghiệp may của Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro sản xuất. Bộ đồ bảo hộ lao động này nghe nói có giá đắt hơn 1 áo sơ mi của Pierre Cardin vài lần. Ra giàn buộc phải đeo kính bảo hộ, phải đội mũ, đi giày. Kính bảo hộ cũng là loại kinh bằng mica cực tốt, chống xước, chống hóa chất, và rất kín mắt, thậm chí, có cả loại kính bảo hộ đeo trùm ra ngoài kính lão.

Nhưng đắt nhất, và cũng là quan trong nhất chính là đôi giày.

Loại giày bảo hộ lao động này Việt Nam không sản xuất được mà phải mua từ Mỹ, Hàn Quốc hoặc Indonesia. Giày bảo hộ lao động trên giàn khoan có mũi bằng thép và chịu được sức nặng của khối sắt khoảng 20kg, rơi từ độ cao 2m xuống mà chân người đi giày không bị ảnh hưởng gì. Chỉ có điều là giày rất nặng. Trung bình mỗi đôi giày bảo hộ cho công nhân trên giàn khoan nặng từ 1,2kg đến 1,4 kg. Trong khi đó, một đôi giày cao cổ dành cho cảnh sát đặc nhiệm cũng chỉ nặng có 1kg). Giá đôi giày này cũng đắt "khét lèn lẹt" - khoảng từ 500 đến 800 USD.

Trong bài học an toàn, người ta dạy công nhân thế này: “Nếu anh không đi giày bảo hộ, chẳng may có một vật cứng rơi vào hoặc anh đi bị vấp, khiến ngón chân anh bị thương…Hậu quả tiếp theo là anh phải nghỉ việc. Nếu vết thương có diễn biến xấu thì buộc phải đưa anh về đất liền chữa trị và phải điều 1 công nhân từ đất liền ra thay thế. Nếu trường hợp cấp bách phải cấp cứu thì buộc phải thuê máy bay. Giá một chuyến bay trực thăng ít nhất cũng trên 15.000 USD…(Giá vé máy bay trực thăng cho công nhân ra giàn khoan ở khoảng cách 300km đắt gấp 3 lần vé máy bay thương mại Hà Nội-TP.HCM).

Những ngày anh về đất liền chữa vết thương, anh chỉ được hưởng 1 mức lương tối thiểu, thấp hơn rất nhiều so với đi làm ngoài giàn. Vậy là thu nhập của anh sẽ bị giảm sút. Và nếu vết thương trầm trọng, anh phải nghỉ việc nửa tháng trở lên thì công việc của anh ở ngoài giàn có khi đã có người thay thế, anh sẽ phải chờ đợi không biết bao lâu để được đi làm tiếp...”. Hậu quả của việc không đi giày là như thế!

Cách giáo dục về công tác an toàn trên giàn đơn giản nhưng cũng thật khó quên!

Nguyễn Như Phong
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp