Chuyện bi hài về người săn chiêng cổ độc nhất xứ Mường

Thời sựChủ Nhật, 08/09/2013 12:12:00 +07:00

Trong hơn 60 năm tuổi đời của người đàn ông dân tộc Mường có đến 35 năm gắn bó với hành trình đi săn lùng chiêng cổ.

Trong hơn 60 năm tuổi đời của người đàn ông dân tộc Mường ấy có đến 35 năm gắn bó với hành trình đi săn lùng chiêng cổ.

Thành quả của ông giờ đây là bộ chiêng 35 chiếc, thuộc hạng độc nhất xứ Mường ở Hòa Bình. Mỗi chiếc chiêng gắn với một câu chuyện rất thú vị, đôi khi là bi hài cũng như đầy gian khổ của ông.

Bán cả đàn bò để mua chiêng

Ngoài đời thường Bùi Tiến Xô là anh thợ hàn xì. 

Ông có tên Bùi Tiến Xô, sinh năm 1952, là một người Mường chính hiệu, sinh ra ở xã Liên Vũ, Lạc Sơn, Hòa Bình, nhưng lại đang sinh sống ở xã Vĩnh Tiến, Kim Bôi, Hòa Bình. Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất với văn hóa ẩm thực của rượu cần và âm nhạc của cồng chiêng, chàng trai Xô khi ấy cảm thấy vô cùng lạ và luyến tiếc là tại sao người Mường không còn thích chơi chiêng, đánh chiêng nữa. Những chiếc chiêng vô cùng quý giá do ông cha để lại bị đem bán đồng nát hoặc làm vật dụng chứa đồ trong nhà.

Sau khi học xong phổ thông, do gia đình nghèo khó, chàng trai Bùi Tiến Xô phải đi làm ăn khắp nơi bằng nghề thợ mộc học được từ người cha. Chính cái nghề thợ mộc ấy đã giúp Xô bắt gặp cơ duyên với chiếc chiêng cổ đầu tiên.

Ông nhớ lại: “Năm 1978, tôi cùng vài người thợ mộc nữa nhận làm thuê cho một gia đình ở tận bản Lác, Mai Châu. Công việc của chúng tôi là làm mộc, dựng nhà sàn cho gia chủ. Tất cả cánh thợ làm quần quật trong suốt hơn 2 tháng trời mới được thanh toán công. Sau khi nhà sàn đã được dựng lên, đến lúc thanh toán tiền công thì gia chủ đã khất 1 tháng sau mới trả tiền, hoặc trả tôi chiếc chiêng bằng đồng cổ”.
Chiếc chiêng cổ đầu tiên mà ông Xô săn lùng được. 

Những người thợ cùng hội với ông Xô đều từ chối cách trả công này, vì chiếc chiêng đem bán đồng nát cũng chả được là bao. Nhưng ông Xô sau khi nhìn qua chiếc chiêng rất lớn, màu đồng đã ôxy hóa, thì nhận ngay mà không hề tiếc công sức đã bỏ ra trong hơn 2 tháng trời.

Ông Xô tâm sự, sau khi vác chiếc chiêng ấy về nhà, người vợ cũng cằn nhằn không vui. Nhưng sau khi nói cho vợ hiểu thì bà ấy đã vui vẻ trở lại. Thật ra lúc đó ông chỉ lấy chiếc chiêng ấy vì sự thích thú và lòng đam mê, chứ không hề nghĩ đến chuyện sưu tầm đồ cổ để sau này vụ lợi.

Ông nhiệt tình dẫn chúng tôi đến bên chiếc chõng tre để chiêm ngưỡng chiếc chiêng đầu tiên trong chiến tích săn lùng của mình. Đó là một chiếc chiêng rất lớn có đường kính trên 60cm, đã bị thủng một lỗ khá lớn ở sườn.

Theo ông Xô cho biết, một số người am hiểu về đồ cổ đã xác định chiếc chiêng này có tuổi đời trên 400 năm, còn giá trị của nó thì chưa ai biết được. Mà dù có trả giá, ông Xô cũng nhất quyết không bao giờ bán.

Năm 1993, trong một chuyến đi làm nghề và kết hợp dò hỏi tin tức về cồng chiêng ở  mạn Đà Bắc, Hòa Bình, ông biết có một gia đình ở đây đang sở hữu bộ chiêng 8 chiếc. Họ cất giữ chiêng khá cẩn thận, với mục đích để sau này được giá thì sẽ bán đồ cổ, chứ không am hiểu và đam mê cồng chiêng. Ông Xô phải nài nỉ mãi họ mới đồng ý bán bộ chiêng đó, nhưng với cái giá cắt cổ.

Ông tức tốc về nhà vét hết tiền dành dụm bấy lâu nay, rồi vay mượn tiền của anh em nhưng vẫn không đủ. Cuối cùng, bí bách quá, ông đã phải bán sạch đàn bò 8 con để lấy tiền đi mua chiêng. Vậy là mỗi chiếc chiêng tương đương với giá trị 1 con bò. Ông cười bảo với chúng tôi: “Các chú cứ thử tính xem, nếu tính ra tiền bây giờ đàn bò ấy cũng ngót gần 100 triệu đó”.

Cũng ở mạn Đà Bắc, ông Xô từng kiếm được một chiếc chiêng cổ cũng có đường kính 60cm với giá 7 triệu đồng vào năm 2001. Nhưng sau một lần cho đội văn nghệ huyện mượn, thì chiếc chiêng đã bị thất lạc. Ông vô cùng tiếc nuối không phải vì số tiền 7 triệu đồng, mà vì giờ đây kiếm được một chiếc chiêng lớn, cổ như thế vô cùng khó khăn.

Nhiều chuyến đi lùng chiêng ông phải tay trắng trở về, bởi nhiều gia đình ở Hòa Bình không bán chiêng, cũng không cho, mà cứ vứt xó để cho nó hoen ố. Ông rất tiếc và xót, nhưng cũng không còn biết làm cách nào khác.
Bộ cồng chiêng đồ sộ trong căn nhà sàn nhỏ. 

Tính đến nay ông Xô đã có 35 chiếc chiêng với các kích cỡ, độ cũ mới khác nhau trong bộ sưu tầm. Vậy là bình quân mỗi năm ông lại lùng mang về nhà được 1 chiếc chiêng. Có những chiếc chiêng mới vẫn còn óng ánh màu vàng đỏ của đồng thau, có chiếc cũ đã nhuốm màu mốc mác của hiện tượng ôxy hóa.

Nghệ sĩ đa tài


Ông bảo quê ông, vùng đất Hòa Bình có 4 mường là mường Bi, mường Vang, mường Thàng và mường Động. Trong 4 mường ấy, văn hóa cồng chiêng mỗi nơi lại có một nét đặc biệt và rất thú vị. Với năng khiếu và đam mê tìm hiểu nhạc cụ dân tộc từ nhỏ nên ông Xô có thể chơi được tất cả các loại cồng chiêng của cả 4 mường.

Sau khi treo chiêng lên những chiếc dây trong căn nhà sàn xong xuôi, bộ cồng chiêng 35 chiếc đồ sộ của ông giờ đây đã trở thành một dàn nhạc giao hưởng độc đáo nhất xứ Mường vang tiếng giữa núi rừng. Trước khi biểu diễn cho chúng tôi nghe vài âm điệu, ông Xô so sánh: “Nếu như cồng chiêng Tây Nguyên có cung độ âm thanh đanh, sắc thì ngược lại, chiêng Mường Hòa Bình lại có độ âm vang xa, rộng hơn”.

Có nghĩa chiêng Mường Hòa Bình đánh xong thì âm thanh sẽ ngân lâu và ngân xa trong không gian. Rồi ông đồng loạt thử cả dàn chiêng để chọn ra một số cái gõ xướng bài hát “Giải phóng Điện Biên”, rồi “Miền Trung nhớ Bác”, cả bài “Tiến quân ca”…

Không chỉ am hiểu, đam mê cồng chiêng, ông còn biết chơi và thể hiện ấn tượng gần 20 loại nhạc cụ của các dân tộc thiểu số miền núi và cả một số nhạc cụ hiện đại. Trên gần mái căn nhà sàn của ông Xô là kho nhạc cụ với đủ các loại: Khèn, tiêu, sáo, ghita, tam thập lục, đàn đáy, đàn nhị, đàn bầu, đàn tính, trống cơm…

Bản “Tiếng đàn bầu”, rồi “Lòng mẹ” đã vang lên ngay sau đó từ chiếc đàn bầu do chính ông Xô tự chế. Rồi như đang nổi cơn hứng, nghệ sĩ Xô vớ ngay cây tiêu ngồi tựa cửa sổ thổi một bản nhạc của núi rừng Tây Bắc mà những người Mông rất ưu thích. Tất cả các nhạc cụ ông đều làm ra được, thể hiện tốt và rất có hồn. Chúng tôi đã có một ngày thưởng thức âm nhạc miễn phí tuyệt vời giữa núi rừng, cùng với món cá suối, rau rừng trong căn nhà sàn do chính ông tự đi kiếm gỗ và một mình dựng lên trong 1 tháng trời.
 

Giờ đây, người Mường ở vùng Kim Bôi chẳng mấy ai còn ở nhà sàn như ông Xô nữa. Người Mường cũng chẳng còn biết đánh cồng, đánh chiêng. Còn ông Xô, sau những giây phút thăng hoa với âm nhạc, cuối ngày lại trở về công việc đời thường là một anh thợ hàn xì đầy gian khó. Trải qua không biết bao nhiêu nghề để mưu sinh, để nuôi dưỡng đam mê chiêng Mường.

Nhưng ông không chỉ đi lùng chiêng về để ở nhà ngắm, hoặc chơi cho vài người bạn nghe. Bao năm nay, ông đã mang tiêng chiêng ấy đi truyền thụ ở khắp nơi, miễn phí. Ông chỉ sợ mọi người không chịu học, chứ tiền dạy ông không bao giờ nhắc tới.

Ông đã đến mạn Lạc Sơn, Đà Bắc, Tân Lạc, rồi TP.Hòa Bình để tìm và mở những lớp dạy cồng chiêng miễn phí. Người dạy và người học đến với nhau hoàn toàn trên tinh thần tự nguyện và tự giác. Còn nhạc cụ để giảng dạy, ông cũng chẳng ngại ngần vác bộ cồng chiêng của mình đi cho học sinh thực hành.

Hiện nay, mặc dù công việc nhà rất bận rộn, nhưng ông Xô vẫn thường xuyên đi truyền dạy cồng chiêng. Riêng ở huyện Kim Bôi, ông Xô đang dạy cho 3 đội cồng chiêng ở các xã với số thành viên lên tới hơn 60 người.

Chị Bùi Thị Cúc - một thành viên trong đội cồng chiêng của xã Đú Sáng - tâm sự: “Mình là người Mường gốc ở Kim Bôi này. Từ năm 2007, khi chú Xô truyền dạy chiêng cho một số chị em trong các xã, mình đã đăng ký tham gia.

Sau 2 năm theo học, mình đã biết được nhiều cách đánh cơ bản, cũng như cung bậc của tiếng chiêng Mường. Mình thấy rất đáng tiếc khi nhiều thanh thiếu niên Mường giờ không hiểu chút gì về cồng chiêng. Họ đang  quay lưng lại với cồng chiêng để du nhập nhiều thứ âm nhạc phương Tây, âm nhạc thời mới”.

Đội cồng chiêng của xã Đú Sáng, Kim Bôi hiện có 32 thành viên, toàn là phụ nữ Mường. Đặc biệt trong các đội cồng chiêng, ông Xô đã vận động được nhiều em nhỏ (trẻ nhất 13 tuổi) tham gia học để giữ gìn bản sắc dân tộc. Cũng có nhiều phụ nữ đã gần 60 tuổi vẫn tình nguyện theo học những lớp cồng chiêng do ông Xô truyền dạy.

Tình yêu dành cho cồng chiêng đã vơi cạn dần trong thế hệ trẻ người Mường ở Hòa Bình hôm nay. Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, ông Xô đã không ít lần trăn trở, lo lắng về tương lai của cồng chiêng Mường. Trong khi đó, ngành văn hóa nghệ thuật tỉnh Hòa Bình lại không hề có phương án hay những chương trình nhằm bảo tồn, phát huy nét văn hóa âm nhạc đặc sắc này.

Theo ông Bùi Đức Tân - Chủ tịch xã Vĩnh Tiến, Kim Bôi - thì việc làm của ông Xô hiện nay rất đáng biểu dương, xã hết sức ủng hộ, nhưng khi nói đến một khoản ngân sách, kinh phí hỗ trợ cho những đội học cồng chiêng thì ông Tân cũng chỉ biết lắc đầu ngán ngẩm.




Theo Lao động
Bình luận
vtcnews.vn