Chuyến bay 'giải cứu': Nghiêm trị những kẻ làm méo mó chủ trương nhân đạo

Chính trịThứ Năm, 29/09/2022 07:25:00 +07:00
(VTC News) -

Từ chính sách tốt đẹp, mang ý nghĩa nhân đạo, nhân văn đó, lại xuất hiện nhiều cán bộ, đảng viên móc ngoặc với nhau để tư lợi cá nhân.

Những tháng đầu năm 2020, đại dịch COVID-19 có quy mô trên toàn cầu, hàng trăm ngàn người Việt đang ở nước ngoài bị kẹt lại, có nhiều hoàn cảnh hết sức khó khăn như: lao động hết hạn hợp đồng, mất việc; học sinh dưới 18 tuổi; sinh viên đã học xong và gặp khó khăn về nơi ở; người đi công tác ngắn hạn bị mắc kẹt gặp khó khăn về nơi ở và tài chính; người trên 60 tuổi mắc bệnh lý nền; khách du lịch, thăm thân nhân, chữa bệnh hết hạn visa...

Trước trực trạng đó, thể hiện sự nhân đạo của Nhà nước, đã có những chuyến bay mang tên “giải cứu” nhằm đưa những người có hoàn cảnh nói trên về nước một cách an toàn.

Chuyến bay 'giải cứu': Nghiêm trị những kẻ làm méo mó chủ trương nhân đạo - 1

Việt Nam đã tổ chức gần 2.000 chuyến bay giải cứu đưa những người Việt có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về nước trong đại dịch Covid-19.

Những chuyến bay mang tên “nhân đạo”

Việc tổ chức chuyến bay cứu hộ này vừa đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người lao động, vừa thể hiện tính nhân đạo của Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm tới công dân Việt Nam ở nước ngoài. Đây là sự cố gắng, nỗ lực của cả dân tộc, được thế giới công nhận là “hình mẫu” nhân văn, nhân ái, thể hiện bản chất chế độ xã hội mà không phải quốc gia nào trên thế giới cũng có thể làm được trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, từ chính chính sách tốt đẹp, mang ý nghĩa nhân đạo, nhân văn đó, lại xuất hiện nhiều cán bộ, đảng viên- những người mang trong mình trọng trách là “công bộc"của dân đã móc ngoặc với nhau để tư lợi cá nhân.

Là một kiều bào sinh sống tại Na Uy, chị Trần Hoài Văn vẫn thường xuyên về nước vì gia đình chị có nhà máy tại Bình Dương. Tháng 9/2020, qua đài, báo chị biết có thông tin về những “chuyến bay giải cứu” và thời điểm đó chị có mong muốn thiết tha để về nước giải quyết việc gia đình. Chị viết thư 3 lần cho Đại sứ quán Việt Nam tại Nauy nhưng không được giải quyết vì không nằm trong danh sách đối tượng ưu tiên.

Chuyến bay 'giải cứu': Nghiêm trị những kẻ làm méo mó chủ trương nhân đạo - 2

Chị Trần Hoài Văn.

Chị Văn kể lại câu chuyện của một chủ trang trại người Việt tại Na Uy. Đến vụ thu hoạch rau quả, họ phải tuyển lao động thời vụ từ Việt Nam sang. Những người này chỉ được cấp visa có thời hạn 3-6 tháng. Hết thời hạn trên, họ phải về nước. Nếu không sẽ trở thành lao động bất hợp pháp. Trước nguyện vọng bức thiết của nhiều người Việt, 1 chuyến bay giải cứu đã được thực hiện tại Na Uy với 250 hành khách. 

“Nay, nghe tin 19 người là quan chức và chủ doanh nghiệp tại Việt Nam bị bắt vì liên quan đến chuyến bay giải cứu, tôi nghĩ rằng, Nhà nước cần làm quyết liệt với những hành vi tiêu cực này. Cuộc sống thì ai cũng cần tiền nhưng làm việc một cách chân chính dù lao động vất vả thì vẫn được tôn trọng. Nhưng một số người đã biến chuyến bay nhân đạo thành “vô nhân đạo”. Ranh giới quá mong manh. Những người như thế họ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật vì họ đã ăn chặn trên xương máu đồng bào”- chị Trần Hoài Văn bức xúc.

Chị Trần Thanh Bích ở Hà Nội có con du học tại Canada. Chị cho biết, tháng 5/2020, con chị 17 tuổi, đang học phổ thông ở Vancouver thì được Lãnh sự quán thông báo thuộc diện được ưu tiên về nước. 

"Đưa được con về nước là mừng lắm rồi. Cháu về nước, được cách ly tại Hưng Yên, được các chiến sĩ quân đội chăm sóc chu đáo, cháu rất cảm kích. Theo tôi nghĩ, đây là chủ trương rất nhân đạo, nhân văn. Tuy nhiên, nếu những cá nhân có tình làm sai thì họ đã làm méo mó chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Việc làm rõ các hành vi tiêu cực từ những chuyến bay giải cứu là rất cần thiết, trả lại sự trong sạch, công bằng cho những nơi thực hiện nghiêm túc chủ trương này”. Chị Bích cho hay.

19 “công bộc” của dân đã bị bắt và khởi tố

Nhìn vào diễn biến của những chuyến bay mang tên giải cứu với mức giá “trên trời”, nhiều người không khỏi ngỡ ngàng. Liên quan đến vụ việc này, Người phát ngôn Bộ Công an - Trung tướng Tô Ân Xô từng cho biết, có gần 2.000 "chuyến bay giải cứu" người Việt từ nước ngoài về trong các đợt COVID-19. Mỗi chuyến bay sau khi trừ chi phí, lợi nhuận vài tỷ đồng. Nhiều người có suy nghĩ cho rằng, đây chẳng khác nào một “Việt Á mang tầm quốc tế”.

Và từ những sai sót này, tính đến ngày 28/9 cơ quan điều tra đã khởi tố bị can, bắt tạm giam 19 người, trong đó có nhiều cán bộ lãnh đạo tại Văn phòng Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ Giao thông vận tải… và chắc hẳn, 19 người chưa phải là con số cuối cùng.

Chuyến bay 'giải cứu': Nghiêm trị những kẻ làm méo mó chủ trương nhân đạo - 3

Trung tướng Tô Ân Xô tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5/2021. (Ảnh: Đắc Huy)

Theo dõi vụ việc này ngay từ đầu, luật sư Nguyễn Đức Hùng, đoàn luật sư Hà Nội bày tỏ sự nuối tiếc, bởi, các cán bộ, quan chức bị bắt trong vụ án này đều là những người có trình độ, học thức cao, nhiều người là lãnh đạo, hiểu biết pháp luật nhưng vẫn vi phạm. Điều đó là do họ đã thiếu bản lĩnh chính trị, không “chiến thắng” được những cám dỗ của tiền tài, vật chất, dẫn đến bị tha hóa, lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật. 

“Đảng và Nhà nước ta đã rất quyết tâm và quyết liệt trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng và đã thu được nhiều kết quả rất tích cực. Tuy nhiên, các cơ chế, chính sách và quy định pháp luật vẫn còn những hạn chế, kẽ hở không nhỏ, tạo điều kiện cho các hành vi tham nhũng và lợi ích nhóm tồn tại, thậm chí các thủ đoạn vi phạm ngày càng tinh vi, tính chất và mức độ vi phạm cũng ngày càng nghiêm trọng”- Luật sư Hùng khẳng định.

Chuyến bay 'giải cứu': Nghiêm trị những kẻ làm méo mó chủ trương nhân đạo - 4

Luật sư Nguyễn Đức Hùng.

Qua đó cho thấy, để giữ được sự liêm chính, trong sạch thì đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn có tư tưởng và bản lĩnh vững vàng, tự “chiến đấu” với chính mình, không để “thất thủ” trước những cám dỗ của tiền tài, vật chất và quyền lực. Đồng thời, các cơ quan chức năng cũng cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công cuộc phòng, chống tham nhũng, đấu tranh không khoan nhượng, phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh những hành vi tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm cũng như có những sự đột phá trong xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, tạo ra những cơ sở cần thiết, tạo ra những “hàng rào” vững chãi trong phòng, chống tham nhũng, thực hiện được mục tiêu “không thể tham nhũng”, “không dám tham nhũng” và “không cần tham nhũng”.

Nguyễn Hiền(VOV.VN)
Bình luận
vtcnews.vn