Chuyện anh mù kiếm bạc tỉ

Phóng sự - Khám pháThứ Ba, 11/01/2011 06:00:00 +07:00

(VTC News) - Hàng ngày, anh Liên mù cùng vợ và cậu em đi khắp huyện Ninh Giang và Ân Thi thu mua cá, rồi chở thẳng lên Hà Nội giao cho các tư thương.

(VTC News) - Có một người đàn ông, dù khiếm thị, song vẫn lập doanh nghiệp làm ăn, thậm chí xây nhà nghỉ để kinh doanh. Nghị lực của người đàn ông nhỏ bé này là tấm gương lớn để học hỏi.


Kỳ 1: Anh mù đi… buôn cá

Đến xã Hoàng Hanh (Ninh Giang, Hải Dương) hỏi anh Liên mù, ai cũng biết. Bởi vì, cả xã Hoàng Hanh có mỗi cái nhà nghỉ, mà anh Liên mù lại là ông chủ của cái nhà nghỉ đó.

Ngôi nhà nghỉ nằm cạnh con đường liên huyện, giữa thị tứ Hoàng Hanh. Anh Nguyễn Văn Liên lần mò đón khách, thu chứng minh thư rồi giao chìa khóa. Mọi việc anh làm thoăn thoắt như người mắt sáng.

Vợ chồng anh Nguyễn Văn Liên. 

Anh Nguyễn Văn Liên sinh năm 1971, hiện là Phó Chủ tịch Hội người mù huyện Ninh Giang. Theo anh Liên, có thể anh bị ảnh hưởng di chứng chất độc da cam từ bố.

Bố anh Liên từng có nhiều năm ở chiến trường, chiến đấu từ Quảng Trị vào đến Phước Long, từng bị sức ép bom phải xuất ngũ. Bố mẹ sinh được 5 người con, thì chị cả bị mù bẩm sinh, chị thứ hai bị dị tật ở miệng. Riêng Liên và người em trai mắt kém từ bé. Lúc trưởng thành, người em mắt vẫn mờ mờ, nhưng anh Liên thì mù hẳn.

Dù học giỏi, nhưng nhà nghèo, nên học hết lớp 12, Liên phải ở nhà làm ruộng giúp bố mẹ. Năm 23 tuổi, anh yêu và lấy cô gái Nguyễn Thị Thu, quê ở xã Đồng Quang, huyện Gia Lộc kế bên. Lần lượt một cậu con trai, một cô con gái ra đời. Cuộc sống không khá giả, song cũng không đói khổ.

Thế nhưng, biến cố lớn trong đời xảy đến vào năm 1999. Đôi mắt sau bao nhiêu năm lờ mờ đã chính thức mù tịt. Vợ chồng dắt díu nhau đi khắp các bệnh viện trong Nam ngoài Bắc, song không ăn thua gì. Bác sĩ kết luận anh bị thoái hóa võng mạc.

Dù bị mù song anh Liên vẫn rất lạc quan, yêu đời. 

Đã có lúc anh tiêu cực định tìm đến cái chết, nhưng nghĩ đến người vợ đảm đang, yêu thương chồng hết mực và hai đứa con tội nghiệp, anh lại gắng gượng sống. Thật không ngờ, đôi mắt mất đi, nghị lực người đàn ông trong anh lại mạnh mẽ hơn gấp trăm lần. Anh Liên nói vui: “Nếu mình không mù có khi lại không được khá giả như ngày nay”.

Từ ngày hỏng mắt, anh chả làm được việc gì ngoài trông con cho vợ. Chị Thu sợ anh buồn, nên mua tặng chồng chiếc đài. Anh Liên bảo: “Với mình, chiếc đài đúng là bà Tiên, là ông Bụt. “Ông Bụt” đã chỉ cho mình cách làm ăn, cách vượt lên số phận. Cả đất nước mình, có hàng vạn người bất hạnh, tật nguyền, chứ không riêng gì mình. Qua chiếc đài, mình hiểu rằng, con người vẫn có thể sống được bằng khối óc”.

Sau khi tính toán đủ mọi nghề, anh Liên thấy khởi tạo nghề mây tre đan là hợp lý nhất. Công việc trực tiếp đã có bàn tay công nhân, nguyên liệu thì có sẵn, sản phẩm đã có đầu ra. Điều quan trọng nhất là vốn và công tác quản lý công nhân, mà việc này cần bộ óc, chứ đôi mắt không quan trọng bằng.

Gia đình anh Liên. 

Thế rồi, anh nhờ vợ chở sang tận Hà Nam, gặp ông chủ của một cơ sở mây tre đan lớn, là điển hình tiên tiến đã được đưa lên đài. Anh gặp gỡ ông chủ nọ, tìm hiểu về nghề, cách thức mở cơ sở sản xuất.

Được sự giúp đỡ tận tình của ông chủ bên Hà Nam, vợ chồng anh đã mở cơ sở gia công tại nhà. Vợ anh động viên bà con trong xã đến nhà anh học nghề. Giáo viên là những thợ lành nghề mà anh thuê.

Thế rồi, anh Liên trở thành ông chủ của xưởng mây tre đan. Ban đầu, xưởng chỉ có vài chục người, là những nông dân trong xóm. Nhưng ông chủ tốt bụng, trả lương cao, công việc lại hợp với người nông dân trong lúc nông nhàn, nên lượng công nhân tăng lên rất nhanh. Từ 50 công nhân lúc đầu, đã tăng lên tới 500 người vào thời kỳ cao điểm. Các cơ sở mở rộng từ xã An Đức ra khắp huyện Ninh Giang, rồi các huyện lân cận.

Vợ chồng anh Liên chạy đi chạy về như con thoi, hết nhập nguyên liệu, rồi xuất hàng. Dù đôi mắt mù lòa, song chỉ cần sờ vào sản phẩm, anh biết chất lượng ra sao, có đủ tiêu chuẩn xuất khẩu hay không. Thời kỳ đỉnh cao đó, mỗi lần xuất hàng, ông chủ mù Nguyễn Văn Liên thu về cả bao tải tiền, hết tỉ nọ đến tỉ kia, trừ vốn, trả lương công nhân, mỗi tháng lãi cả trăm triệu.

Năm 2005, ai cũng ngỡ ngàng khi gương điển hình thi đua yêu nước trên lĩnh vực kinh tế của Hải Dương lại là một chàng trai mù. Anh Liên đã xuất sắc vượt lên hoàn cảnh, làm giàu cho bản thân, mang lại công ăn việc làm cho hàng trăm nông dân ở vùng quê nghèo.

Nhưng rồi, thời kỳ thịnh vượng của mây tre đan đã trôi qua nhanh chóng. Hàng ngàn cơ sở mây tre đan mọc lên khắp cả nước khiến tình hình cạnh tranh thêm khốc liệt, trong khi đó xuất khẩu lại vô cùng khó khăn. Hàng hóa làm ra chất đầy mấy kho mà không xuất được, để không có chỗ, mà bán không ai mua. Đang lúc khốn đốn, ông chủ của doanh nghiệp đầu mối bên Hà Nam mà anh nhập nguyên liệu và xuất hàng đột tử. Mấy trăm triệu họ nợ không đòi được, coi như mất trắng. Cơ sở mây tre đan đóng cửa, ông chủ Nguyễn Văn Liên trắng tay.

Không chịu thất bại, anh chàng mù Nguyễn Văn Liên nghĩ kế làm ăn mới. Kế làm ăn này xuất phát từ sự thương cảm với công việc của người vợ.

Sau khi cơ sở mây tre đan đóng cửa, chị Thu đi buôn cá. Hôm nào chị cũng dậy từ 1-2 giờ sáng, phóng xe máy đến đầm đìa thu mua cá. Khi nào cá đầy 2 sọt, chị chở đến các chợ đầu mối giao cho dân buôn về Hà Nội.

Tấm giấy khen ghi nhận nghị lực của anh Liên. 

Thương vợ vất vả sớm hôm, rét mướt, anh Liên đã vay mượn sắm một chiếc xe tải cũ với giá 300 triệu đồng. Cậu em được thuê làm lái xe. Hàng ngày, anh Liên cùng vợ và cậu em đi khắp huyện thu mua cá, rồi chở thẳng lên Hà Nội giao cho các tư thương.

Làm ăn lớn, trúng quả, nên chỉ thời gian sau, anh lại đủ tiền mua thêm chiếc xe tải mới tinh nữa. Chiếc xe này giao cho đứa cháu lái, có nhiệm vụ chở cá xuống Hải Phòng phân phối. Toàn bộ cá mú ở vùng chiêm trũng Ân Thi và Ninh Giang được anh bao quát hết. Nguyễn Văn Liên tính toán, cứ đà kiếm tiền như thế này, anh sẽ sắm thêm vài chiếc xe tải nữa để mở doanh nghiệp chuyên chở vật liệu trong huyện.

Tuy nhiên, năm 2007, vợ chồng anh gặp hạn nặng. Chiếc xe tải do cậu cháu lái đã đâm vào xe container, lật ngửa, bẹp dúm. Cậu cháu nằm viện vài tháng, tiêu của anh mất trăm triệu bạc, may mà giữ được mạng sống. Mấy tấn cá trắm trị giá 90 triệu đồng bị mất trắng, vì khi đổ tung tóe ra đường, dân quanh đó kéo ra cướp sạch. Chiếc xe bán vội cho đám thu mua đồng nát được gần 100 triệu, vừa đủ bù đắp thiệt hại mấy tấn cá. Riêng vụ tai nạn đó, anh Liên mất đứt 500 triệu đồng.

Sau vụ tai nạn này, anh Liên thấy nghề kinh doanh vận tải ẩn chứa nhiều rủi ro, không thể tiếp tục theo đuổi. Bản thân anh bị mù, không chủ động được, tài sản phó mặc cho người khác, như vậy, không có sự yên tâm. Anh để lại chiếc xe tải cho cậu em và nghĩ kế làm ăn khác phù hợp với người khiếm thị.

Còn tiếp…

Đặng Toan

 

“Chung sức vì đồng bào nghèo cả nước” - Ủng hộ đồng bào nghèo cả nước qua cổng thông tin 1400.

Nhắn tin theo cú pháp UHgửi 1409 của Cổng thông tin nhân đạo quốc gia là bạn đã hành động thiết thực vì đồng bào nghèo cả nước.


Bình luận
vtcnews.vn