Chuyện Anh hùng Núp huyền thoại nhận con nuôi

Thời sựThứ Tư, 24/07/2013 07:25:00 +07:00

Tiếng “Ba” dành cho anh hùng Núp được anh cất lên xúc động, nồng ấm, chân chất như men rượu cần của buôn làng Tây Nguyên.

Tiếng “Ba” dành cho anh hùng Núp được anh cất lên xúc động, nồng ấm, chân chất như men rượu cần của buôn làng Tây Nguyên.

Một ngày đầu Xuân, tôi đến thăm một người đồng đội cũ, cư ngụ trong ngôi nhà nhỏ nằm hút sâu trong hẻm đường Nguyễn Biểu, thành phố Nha Trang, Khánh Hòa. Anh là cựu chiến binh, Thiếu tá Ngô Bá Thái, người con nuôi yêu quý của anh hùng Núp huyền thoại.

 
bá thái, con nuôi anh hùng núp
Ký ức ùa về, Ngô Bá Thái chầm chậm kể cho tôi nghe về cái thời hoa đỏ ấy. Mùa Xuân năm 1961, tạm biệt miền quê gió Lào nắng lửa, chàng trai làng Hưng Lĩnh, Hưng Nguyên, Nghệ An vào bộ đội. Vượt qua sông Bến Hải mùa mưa năm 1964, anh cùng đồng đội hành quân lên với Tây Nguyên đất đỏ. Miền đất hai mùa mưa nắng, với rừng xà nu bạt ngàn hoa dại và thú hoang. Những cái tên ban đầu còn lạ lẫm như: Đak Phét, Đak Lây, Kom Plông, Đak Tô, Tân Cảnh, Sa Thầy… dần thành thân quen, gần gũi.

Nói đến Binh đoàn Tây Nguyên, nhất là khi kể về những trận đánh, ánh mắt anh ngời lên rạng rỡ và cũng không giấu được nét bùi ngùi xúc động khi nghĩ và nhớ về Trường Sơn, về những đồng đội năm xưa đã nằm lại với đại ngàn.

Với biệt danh: Hồng Lĩnh “bàn tay lụa”, cái tên được anh em thường gọi bởi anh thường tham gia phẫu thuật, hay đi kiếm lá rừng về làm thuốc cứu, chữa cho đồng đội... Sau phút trầm tư, anh lại cười giòn đến trào nước mắt khi nhớ về kỷ niệm những năm tháng trên đất bạn Lào, Campuchia, về những cô gái Sầm Nưa đã dạy anh học chữ và múa điệu Lăm Vông để rồi lối sống, ngôn ngữ của họ đã thấm và thân thuộc với anh. Nhờ gan góc và bản lĩnh, lại thông thạo tiếng Lào, anh được phân công bảo vệ và phiên dịch cho Sư đoàn Trưởng sư đoàn B25.

Anh lật cho tôi xem dòng nhật ký in đậm “ký ức mùa Xuân 69” còn ghi trận đánh đáng nhớ trên đỉnh núi Chư Pa, trận đánh đã đi vào lịch sử, đơn vị anh đã tiêu diệt rất nhiều quân Mỹ, Ngụy và 3 máy bay trực thăng. Chiến thắng vang dội, mau lẹ ấy đã được Bác Hồ gửi thư khen ngợi.

Một chiều tháng 5 năm 1969, Ngô Bá Thái về Ủy ban Lâm thời Gia Lai và được gặp Anh hùng Núp. Đôi mắt sáng, vầng trán rộng, nụ cười hiền, đôi bàn tay ấm của người Anh hùng khiến Trung sĩ Ngô Bá Thái bồi hồi. Anh hùng Núp cảm mến khi biết anh là người con của quê hương Xô Viết – Nghệ Tĩnh anh hùng, mới mấy tuổi quân đã sớm nếm mùi đạn lửa và có nhiều chiến tích, lại có tài làm thơ và đàn hát cũng hay. Ông thân tình xưng “ba” và vỗ vai Ngô Bá Thái nói: “Ba có một thằng con trai đang học ở ngoài Bắc, xa nó nhớ lắm, nay ba muốn nhận Thái làm con được không?”. Bá Thái xúc động không nói nên lời. Anh hùng Núp lại nắm đôi bàn tay Thái, trìu mến: “Con đồng ý nhé!

Và tiếng “Ba” được anh cất lên xúc động, nồng ấm, chân chất như men rượu cần của buôn làng Tây Nguyên. Cuộc tri ngộ giản dị mà ấm áp, bên cạnh anh Tà Gùm, một cán bộ dân vận và những người lính trẻ xung quanh vỗ tay không ngớt. Ba Núp mở gói thuốc phát cho mỗi người một điếu và còn hứa sẽ chiêu đãi anh em một bình rượu cần chia vui.


Mùa Xuân năm 1979, khi chiến sự ở biên giới phía Bắc xảy ra, Đại úy Ngô Bá Thái lại mang ba lô ra với núi rừng Việt Bắc. Vốn là người lính chiến quen với núi rừng, điểm cao Vị Xuyên phía địa đầu Tổ quốc lại in dấu chân anh. Tại đây, Ngô Bá Thái lại được gặp Kơ Sók, Kơ Rơn và ba Núp. Mỗi lần về thăm anh, ba Núp vẫn không quên có những món quà Tây Nguyên cho con như: chuối khô, nai khô, cà phê…

con nuôi anh hùng núp, Thiếu tá Ngô Bá Thái
Ngô Bá Thái (đứng thứ năm hàng sau, từ trái qua phải) và đồng đội chụp kỷ niệm với anh hùng Núp. 

Ngô Bá Thái rưng rưng khi anh tâm sự lần cuối cùng anh gặp lại ba Núp vào một chiều cuối Thu năm 1987. Ông ra Hà Nội nhưng vẫn gắng ngược lên Thái Nguyên thăm những người đồng chí của Binh đoàn Tây Nguyên và thăm đứa con yêu quý. Đêm về, hai ba con vẫn ngủ chung giường và lại lai rai ly rượu với bánh đa khô. Biết Thái lâm bệnh, thấm nặng chất độc da cam, những ngày cuối đời, ba Núp vẫn thường nhắc Ngô Bá Thái, ông căn dặn mọi người phải yêu quý Thái như người anh em trong gia đình. Ông bảo Thái là người con của buôn làng Tây Nguyên. Ngày ba Núp ra đi, phút lâm chung, ông vẫn không quên gọi “Bá Thái đâu rồi”…

Hôm nay, cuộc sống của người lính con nuôi anh hùng Núp còn nhiều nỗi cơ hàn. Chỉ một mình anh với căn nhà tềnh toàng. Anh lấy vợ sau ngày chiến thắng, nhưng chất độc màu da cam đã cướp đi của vợ chồng anh hạnh phúc được làm cha, làm mẹ, nỗi đau chồng lên nỗi đau. Ở tuổi  69, sức khỏe của anh rất yếu, vết thương xưa thường xuyên tái phát, rồi người vợ hiền cũng đã ra đi. Anh sống với bao kỉ niệm, với những trang thơ viết vội, những tấm Huân, Huy chương đỏ rực mà quên cả việc làm các thủ tục công nhận chế độ nạn nhân chất độc màu da cam...





Theo Báo Bảo vệ pháp luật
Bình luận
vtcnews.vn