Chuyện ăn Tết ít người biết ở Cuba

Kinh tếThứ Bảy, 17/02/2018 06:57:00 +07:00

Nằm ở bên kia bán cầu, quốc đảo Cuba là nơi du nhập và hoà trộn của nhiều nền văn hoá trên thế giới, cũng vì thế, đón năm mới ở Cuba có nhiều nét khác biệt, mang sự đặc trưng riêng.

Kể từ năm 1492, khi Chritopher Columbus đặt chân tới Cuba thì lịch sử quốc đảo này được lật sang một trang khác. Sự du nhập của người châu Âu, rồi sau đó là châu Phi, châu Á “khoác” lên mình hòn đảo nhỏ bé này một “bộ áo” mới, sặc sỡ, diêm dúa hơn rất nhiều.

Sự du nhập về văn hoá, tôn giáo từ châu Âu và châu Phi có sức ảnh hưởng rất lớn trong xã hội Cuba hiện nay. Có đến 70% người dân Cuba theo đạo Thiên chúa hoặc Tin lành.

Một số ít còn lại theo đạo Yoruba – một tôn giáo có nguồn gốc từ châu Phi nhưng lại được pha trộn thêm một chút của đạo Thiên chúa.

Mọi hoạt động ở Cuba đều theo lịch Thiên chúa, họ cũng tổ chức lễ Giáng sinh, rồi đúng ngày 31/12 dương hàng năm là ngày cuối năm.

1

 Quốc đảo Cuba nằm ở phía bên kia bán cầu là nơi duy nhất còn lưu giữ được những nét đặc trưng về văn hoá, lịch sử, kiến trúc từ xa xưa du nhập từ châu Âu, châu Á, châu Phi. (Ảnh: Internet)

Trong thời gian từ tháng 12 đến tháng 1, ở Cuba có ba ngày quan trọng. Đó là ngày lễ Giáng sinh (24/12); ngày cuối năm (31 /12) và tiếp sau đó là ngày Quốc khánh Cuba (1/1)

Do đó, người dân Cuba được nghỉ liền hai tuần, thường thì học sinh, sinh viên được nghỉ từ 22/12 cho đến hết Quốc khánh. Còn người lao động sẽ bắt đầu nghỉ từ ngày 23 hoặc đúng ngày 24/12.

Mọi việc chuẩn bị cho lễ Giáng sinh và cuối năm được lên kế hoạch từ trước đó cả tháng. Người Cuba phải tích trữ đồ ăn, đồ uống vì nếu để đến sát ngày thì sẽ không còn gì để mua.

Những ngày này, người Cuba kiều từ Mỹ, Canada và các quốc gia khác đổ về rất đông. Đây là dịp để họ đoàn tụ bên gia đình, bạn bè. Trong rất nhiều ngày, các siêu thị luôn chật kín người, nhưng rất ngay ngắn, trật tự, riêng trẻ em và người già sẽ được ưu tiên lên đầu.

Mặt hàng được mua nhiều nhất vào những dịp này là thịt lợn, gà, mỳ ý, giăm bông, bia, rượu. Cũng rất may là kể cả vào những ngày này, giá cả không bao giờ tăng lên bởi việc kiểm soát hàng hoá ở Cuba vẫn được Nhà nước quản lý rất chặt.

Những cửa hàng tư nhân theo kiểu siêu thị mini hoàn toàn không có, cho tới hiện nay, với chính sách thông thoáng hơn nhằm phát triển kinh tế tư nhân; có rất nhiều nhà hàng hoặc cửa hàng tư nhân được mở ra nhưng vẫn chịu sự kiểm soát, quản lý của Nhà nước.

Các cửa hàng tư nhân vẫn chỉ bày bán các mặt hàng như quần áo, giày dép, chứ hoàn toàn không có thực phẩm.

Đây cũng là một biện pháp của Chính phủ Cuba nhằm kiểm tra một cách sát sao nhất vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.

Trước ngày 24/12, người dân Cuba sẽ lôi ra trong tủ cây thông Noel bằng nhựa và những dây đèn lấp lánh được cất vào từ năm ngoái. Ở Cuba không có cây thông thật, nên để tạo không khí cho ngày này, cửa hàng sẽ bán những cây thông bằng nhựa cao hơn 1 mét.

Cách đây tầm 15 năm, có được một cây thông Noel bằng nhựa đối với người Cuba là một điều mơ ước. Chỉ nhà nào có tiền và cũng phải đắn đo lắm mới dám mua bởi vào thời điểm đó, 20 CUC (khoảng 400.000 đồng) là một số tiền rất lớn trong khi tiền lương cao nhất lúc bấy giờ mới chỉ có 40 CUC!.

Thậm chí, bây giờ cũng vậy, nhưng đã ít hơn, nhà nhà có thể sắm cho mình một cây thông với những đồ trang trí; bởi kinh tế tư nhân đã phát triển hơn xưa, công ăn việc làm nhiều hơn, tạo được nguồn thu cho người dân.

Để đón Giáng sinh, nhà cửa, mọi vật dụng sẽ được lau chùi một cách cẩn thận nhất và cây thông sẽ được đặt ở vị trí trung tâm, ngay tại phòng khách với những dây đèn lấp lánh.

Một nét văn hoá rất đáng trân trọng của người Cuba, đó là văn hoá chúc tụng. Chỉ cách ngày Noel hai ba ngày thôi, khi ra đường đã nghe tiếng chúc nhau rôm rả, khắp mọi nơi. Mà những người không quen biết nhau, vô tình chạm vào nhau hay xếp hàng cùng cũng sẽ nở nụ cười và chúc Giáng sinh an lành hay chúc mừng năm mới.

SAM_5864-2

 Thịt lợn quay, một món ăn truyền thống không thể thiếu trong các bữa tiệc ngày Noel và cuối năm ở Cuba. (Ảnh: Phong Sơn)

Vào ngày Noel và cuối năm, mọi gia đình Cuba đều làm những bữa ăn thịnh soạn, và trong đó không thể thiếu hai món truyền thống; đó là thịt heo quay, sắn luộc rưới nước sốt ăn với cơm đỗ đen.

Cũng vào ngày Noel 24 tháng 12, rất nhiều lễ hội được tổ chức ở khắp các tỉnh, thành phố của Cuba. Rất nhiều lễ hội đã có lịch sử hàng trăm năm và cho đến nay vẫn giữ được những nét đặc trưng từ thuở xa xưa, như lễ hội Parranda ở huyện Camajuani ở tỉnh Villa Clara...

Ai đến Cuba mà chưa được ăn những món trên thì coi như chưa tới đây. Đây không những là món ăn truyền thống mà cho đến bây giờ chắc chắn trên thế giới không có nơi nào nấu được ngon như ở Cuba. Dường như món ăn này sinh ra là để dành cho người Cuba.

Heo quay là món không bao giờ thiếu, ngay từ trước đó cả tháng, người Cuba đã đặt mua thịt. Nhà nào có điều kiện thì đặt mua hẳn một con, một phần làm cho hai ngày Noel và cuối năm, còn lại xẻ thịt ăn dần.

Còn nhà nào tiết kiệm hơn thì chỉ mua một cái đùi về quay. Người Cuba quay thịt heo bằng than, nếu lịch sự thì có lò nướng, họ để ngay trước nhà, bên cạnh là chiếc bàn domino luôn kín chỗ.

Có nhà còn chế hẳn một lò nướng bằng cách cưa đôi thân bình gas cỡ to, họ chế thêm hai chiếc gá hai bên.

Thịt heo trước khi quay sẽ được tẩm ướp bằng hành, tỏi, muối, và loại gia vị riêng của Cuba là comino. Comino có mùi hăng hắc nhưng khi cho vào nấu sẽ rất thơm, người Cuba hay dùng để ướp thịt, nấu cơm đỗ đen…

Cũng có nhiều gia đình muốn làm nhanh hơn, hoặc làm cho kịp bữa tối thì có thể mang ra ngoài hiệu bánh mỳ thuê họ nướng hộ. Tất nhiên, nướng thế sẽ không ngon nhưng nhanh hơn, kỹ hơn, và tiền thuê cũng không phải rẻ; quen biết thì cũng 5-10 CUC, còn không thì cũng phải 15-20 CUC.

Việc nướng thịt do cánh đàn ông làm, còn trong bếp lúc này người phụ nữ sẽ làm cơm đỗ đen, sắn. Sắn ở Cuba ăn rất bùi, đầu tiên sắn được luộc kỹ, khi chín cho ra đĩa và rưới nước sốt lên.

Nước sốt này là hỗn hợp của dầu ăn, hành, tỏi phi và thêm ít muối. Nghe thì đơn giản nhưng để làm ngon thì lại rất khó. Bởi phải tính được lượng dầu ăn thế nào chỉ đủ làm ướt bên ngoài miếng sắn, hành tỏi phi ra sao để khi ăn không có vị đắng…

Vào ngày Noel, sau khi đã ăn uống cùng gia đình xong thì đám thanh niên sẽ tụ họp ở một nơi nào đó quen thuộc, thường là trung tâm thành phố rồi đi đến các điểm vui chơi. Còn người lớn sẽ tới nhà bạn bè ngồi lai rai vài chén rượu, ôn lại năm cũ, bàn chuyện năm mới.

Còn vào ngày 31/12, ngày cuối cùng của năm thì sau bữa ăn truyền thống cùng gia đình, mọi người sẽ ngồi bên chiếc tivi cùng xem chương trình cuối cùng của năm.

Chương trình này ở Cuba sẽ bắt đầu bằng những màn văn nghệ, hài kịch được thực hiện bởi các nghệ sĩ được ưa thích nhất trong năm. Và khi đồng hồ điểm 12 giờ đêm sẽ là lời chúc mừng năm mới của Chủ tịch nước và tiếp theo là màn bắn pháo hoa ở khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Lúc này, bầu không khí tĩnh lặng ngoài đường như vỡ oà trong tiếng vỗ tay, những câu chúc mừng năm mới vang lên khắp mọi phố phường. Nhà nhà tràn ra đường, trao nhau những cái ôm thật chặt, chúc nhau một năm mới tốt hơn năm cũ.

Video: Đừng đánh mất Tết vì 'Tết bên nhà ngoại'

Để tạm biệt năm cũ, chào đón năm mới; người Cuba có phong tục đốt hình nộm hoặc đổ một xô nước ra ngoài cửa. Cả hai hình thức này đều mang cùng một ý nghĩa, đó là vứt bỏ điều xấu, không may mắn của năm cũ để chào đón một năm mới tốt đẹp hơn.

Một điều khác biệt so với Việt Nam đó là ở nước ta ngày mùng 1 thường sẽ vắng người, nhưng ở Cuba chỉ vắng vào đúng tối ngày 31. Còn ngày mùng 1 mọi người sẽ tổ chức Quốc khánh với nhiều hoạt động vui chơi, giải trí khác ở khắp nơi trong thành phố.

Cuba là một quốc gia có nền văn hoá phong phú, là nơi giao cắt của nhiều nền văn hoá trên thế giới. Nhưng điều đáng ghi nhận ở đây là không có sự phân biệt về văn hoá, tôn giáo, đảng phái, sắc tộc…

Tất cả ai đến quốc đảo xinh đẹp, anh hùng này đều được chào đón bằng sự nồng hậu, tấm chân tình của người Cuba mà để khi đến, ta có cảm giác như trở về nhà, còn khi đi là cả một mối day dứt không biết đến bao giờ trở lại.

Phong Sơn
Chuyên đề: Tin Kinh tế
Bình luận
vtcnews.vn