Chúng ta giàu hay nghèo?

Tổng hợpChủ Nhật, 12/06/2011 06:32:00 +07:00

Cái nắng gắt giữa trưa hè không ngăn cản thằng bé ôm chặt lưng mẹ trên chiếc xe đạp Thống Nhất cọc cạch. Một phần nó thấy mình ỉu xìu, đói nhũn...

    Hai mươi lăm năm về trước…

 Cái nắng gắt giữa trưa hè không ngăn cản thằng bé ôm chặt lưng mẹ trên chiếc xe đạp Thống Nhất cọc cạch. Một phần nó thấy mình ỉu xìu, đói nhũn sau cả buổi vật lộn với học vần, phép tính. Một phần vì lâu lắm rồi nó mới được mẹ đón. Ở cái thời của nó, trong khi các bạn phải lóc cóc đi bộ bốn năm cây số tới trường thì chẳng gì oách bằng việc nó được mẹ đi xe đạp tới đón.

Cơn gió hiếm hoi của mùa hè khẽ mang qua mũi thằng bé chút mùi thơm thoang thoảng khiến nó bừng tỉnh. Mùi chè đỗ đen. Ngày nào nó cũng đi bộ qua hàng chè của bà Sáu dưới gốc cây này, và lần nào nó cũng nuốt nước bọt, nhắm mắt đi qua. Nhưng hôm nay nó đi cùng mẹ cơ mà? Một cơ hội hiếm hoi…

-        Mẹ! Con muốn ăn chè…

-        Về nhà ăn cơm đi con. Mẹ nấu xong cơm rồi! – Mẹ nó đáp lại.

-        Nhưng con thèm chè lắm. Mẹ cho con ăn một cốc thôi… - Nó cố năn nỉ.

-        Mẹ không có tiền!

-        Một cốc thôi mà mẹ! Hay nếu mẹ không có tiền thì nửa cốc thôi cũng được….

-        Mẹ hết tiền rồi con ạ!

Bà mẹ đáp gọn lỏn và cố gắng gồng chân trên chiếc bàn đạp, đạp thật nhanh qua quãng đường có gốc cây rợp bóng mát ấy. “Còn nửa tháng nữa mới tới ngày lãnh lương, mà tiền thì cạn rồi. Biết chắt bóp kiểu gì cho lại đây?”, bà vừa đi vừa lẩm nhẩm.

Thằng con vẫn ôm chặt, đầu dựa vào lưng mẹ phía sau, thôi không năn nỉ ỉ ôi nữa. Nó hiểu, mẹ nó đã đi quá hàng chè tới cả 2 cây số. Có nằn nì cũng chỉ tổ làm cơn thèm bốc lên cao hơn đỉnh đầu mà thôi… Nó nghĩ tới cơm, bát canh rau muống và chút mắm tép đang đợi ở nhà…  Bất chợt, mẹ nó phanh gấp đến nỗi cái phanh xe rít lên bánh xe mài thành vệt dưới lòng đường. Mặt nó khẽ ngửa ra sau rồi đập bụp một cái trở lại lưng mẹ. Mẹ nó quành xe lại và chầm chậm nói:

-        Mẹ sẽ cho con ăn chè. Nhưng chỉ một cốc thôi nhé!

-        Vâng ạ! Con sẽ chỉ ăn một cốc thôi!

Thằng bé hí hửng. Nó không hiểu điều gì đã khiến mẹ nó thay đổi quyết định như vậy, chỉ biết guồng chân đạp xe của mẹ nó mỗi lúc lại nhanh hơn…

Cái cây rợp bóng mát đã ở rất gần trước mặt. Dáng bà Sáu đang múc chè cũng đã rất rõ ràng. Nhưng trước mắt nó một hình ảnh còn rõ ràng hơn: chiếc súng nhựa màu xanh trên tay ông bán đồ chơi rong liên tục bắn ra những tia nước nhỏ. Ông ấy đứng ngay sát hàng chè nhà bà Sáu! Trời ơi! Khẩu súng ấy là cả một mơ ước lớn từ lâu của nó. Thằng Quang cùng lớp cũng có một khẩu như vậy nhưng nó chỉ được ngắm từ xa chứ chưa bao giờ được chạm vào dù chỉ là… nửa cái vân tay. Nó chăm chăm nhìn theo những tia nước nhỏ với đôi mắt… thèm thuồng.

Mẹ nó đã dừng hẳn xe. Quay lại nhìn nó một lúc rồi nói:

-        Con chỉ được chọn một trong hai thôi.

Mặt nó trở nên… đần thối. Chọn gì bây giờ? Lâu lắm nó chưa được ăn chè. Nhưng nó cũng thích khẩu súng để có thể đọ được với thằng Quang.

-        Con ăn nửa cốc chè và mua khẩu súng được không mẹ? Nửa cốc thôi, con không cần ăn cả cốc đâu.

-        Bà ấy không bán nửa cốc. Con chọn đi chỉ một thứ thôi.

Nó đứng im lặng. Một phút, hai phút, … rồi ba phút trôi qua. Mẹ nó giục:

-        Nào chọn đi. Nhanh lên. Mẹ còn phải về nhà nấu cơm cho bố.

Nó thấy mình luống cuống. Rồi mùi chè một lần nữa thoảng qua mũi khiến nó không nhịn nổi cơn thèm. Nó cuống quýt trả lời, sợ mẹ lại đổi ý:

-        Con ăn chè. Con ăn chè. Con không mua súng nữa. Không mua súng nữa.

Thằng bé cầm cốc chè trên tay ăn vội vã. Chẳng ngọt và ngon như nó vẫn tưởng tượng. Nó không sao tập trung tư tưởng vào mà thưởng thức món ăn vốn nó đã phải chịu đựng cơn thèm thuồng suốt bao nhiêu ngày qua. Đôi mắt nó vẫn liếc xéo sang chiếc súng nhựa nhỏ màu xanh trên tay ông bán đồ chơi. Mắt nó cay cay. Thằng bé tự nhủ: sau này, nhất định mình phải giàu, phải kiếm được thật nhiều tiền!

   Hai mươi lăm năm sau…

 
Thằng bé ngày xưa nay đã trở thành một ông doanh nhân thành đạt, một người cha giàu có. Vẫn ám ảnh cuộc sống khốn khó khi xưa nên vào một ngày nọ, ông quyết định đưa con trai về quê với mục đích: để cho nó biết thế nào là cuộc sống nghèo khó của nông dân, để nó có ý thức vươn lên, phải kiếm thật nhiều tiền, phải thành đạt như ông bây giờ.

Sau một ngày để mặc thằng bé nô đùa. Buổi tối, người cha hỏi con trai:

-        Con thấy những người nông dân đó nghèo khổ như thế nào chưa? Còn con thì đến con chó của con cũng to và đẹp.

-        Không đâu cha ạ, họ có cả một đàn chó cơ!

-        Họ không có sân vườn rộng rãi với những cây cảnh được tỉa tót đẹp đẽ như nhà chúng ta…

-        Nhưng họ có cả một đường chân trời rất rộng lớn cha ạ. Con đã được thả diều, được ngắm bình minh, ngắm hoàng hôn dưới đường chân trời ấy.

-        Họ không có hồ bơi thật rộng giữa vườn nhà để cho con có thể thỏa thích bơi lội mỗi ngày.

-        Nhưng con thích con sông dài, chảy mãi không biết đâu là bến bờ kia, cha ạ! – Cậu bé chỉ tay về dòng sông uốn lượn chảy qua phía sau nhà của người nông dân.

-        Vườn nhà họ không có những chiếc đèn trang trí rực rỡ, được nhập từ nước ngoài về, tỏa sáng mỗi đêm…

-        Họ đã có cả một bầu trời với những vì sao sáng lấp lánh rồi mà cha… - Cậu bé chỉ tay lên bầu trời đêm.

-        Họ không có tòa biệt thự rộng lớn như chúng ta.

-        Nhưng con thích những cánh đồng rộng bát ngát và ngút ngàn của họ.

-        Con không thấy chúng ta có người giúp việc, còn họ thì phải lao động cật lực hay sao?

-        Con thích những công việc mà họ làm. Họ làm ra được rất nhiều thứ để có thể tự nuôi sống mình và cho những người mà họ muốn. Còn chúng ta phải mua lương thực từ họ.

-        Nhưng chúng ta luôn an toàn trong ngôi nhà của mình với những vệ sĩ giỏi.

-        Họ chẳng cần những thứ ấy đâu cha. Họ đã có những người bạn tốt để bảo vệ họ.

Và rồi cậu bé ôm cổ cha thật chặt, thủ thỉ:

-        Cảm ơn cha! Cha đã cho con thấy chúng ta đã nghèo như thế nào!

Người cha im lặng! Ông chợt nhận ra có những điều giá trị với người này nhưng lại vô nghĩa với người khác. Tất cả đều tùy thuộc vào cách nhìn của mỗi người. Ông đã sống những năm dài đói khổ đến nỗi chỉ nghĩ mình cần vật chất, mà quên đi những giá trị tinh thần. Ông nhớ lại câu chuyện hai nhăm năm trước và cảm thấy hối tiếc: ông đã quá khát khao những thứ mà mình chưa có như khẩu súng nhựa năm xưa mà quên mất không tận hưởng cái cảm giác hạnh phúc khi thưởng thức vị ngon của bát chè, đã không cảm nhận được tình thương của mẹ khi quyết định quay xe vòng trở lại khi ấy…

Hanuel - Ảnh: Hts

Bình luận
vtcnews.vn