'Chúng ta chỉ có một đặc quyền duy nhất với bọn trẻ, đó là quyền được yêu thương'

Giáo dụcThứ Ba, 21/05/2019 08:08:00 +07:00

Chúng ta chỉ có đặc quyền duy nhất với bọn trẻ, không phải là quyền cho điểm hay không cho điểm, quyền phạt hay không phạt, mà đó là đặc quyền được yêu thương.

Phụ huynh Huỳnh Văn Thông có con học lớp 12 Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM) trải lòng nhân ngày nhà trường tổ chức lễ tri ân cha mẹ, thầy cô:

Sáng nay sân trường rực nắng, ngày con chia tay thầy cô và bạn bè trung học. Cảm ơn các thầy cô trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong (Quận 5, TP.HCM) đã dẫn dắt con 3 năm rồi. Luôn mong các thầy cô chân cứng đá mềm trên hành trình nghề nghiệp, vững tin vào những giá trị của yêu thương và dẫn dắt mà thầy cô đã trao cho bao thế hệ học trò.

Giáo dục không thể thiếu áp lực để bọn trẻ vượt lên ngưỡng trung bình của bản thân, như những kỳ thi, bài kiểm tra, nội quy nghiêm khắc. Nhưng giáo dục cũng không thể thiếu niềm cảm hứng, để bọn trẻ được có “một ngàn ngày hạnh phúc” dưới mái trường như chính tụi nhỏ bày tỏ. Đó là những đêm văn nghệ học trò đầy kỷ niệm, ngày khai giảng đầy cảm hứng lúc mới vào trường, là buổi lễ ra trường với nụ cười, với nước mắt, với vòng tay bè bạn, với tiết mục nhảy flashmob “điên rồ” giữa sân trường rực nắng hè.

Giáo dục không thể thiếu sự nghiêm khắc để thầy cô có thể thực thi những nền tảng căn bản xây dựng con người nề nếp, để đứa trẻ học lấy những quy tắc nghiêm ngặt giúp chúng xã hội hóa bản năng tự nhiên hoang dã của mình theo hình mẫu chuẩn mực được xã hội thừa nhận. Nhưng giáo dục cũng không thể thiếu sự bao dung, để tụi nhỏ luôn tìm được sự cảm thông, nâng đỡ và hướng đạo đầy năng lượng siêu ngã khi vấp ngã với lỗi lầm.

60626167_2262378160691762_4252025259491852288_n

Phụ huynh Huỳnh Văn Thông và gia đình trong ngày lễ tri ân. (Ảnh: FBNV)

Mười năm trồng cây - Trăm năm trồng người. Dẫn dắt con trẻ thành người chưa bao giờ là một việc đơn giản, chưa bao giờ là một việc có thể làm được ngày một ngày hai. Vậy nên xin mọi người đừng vì chuyện một học sinh bị phạt quỳ trước lớp mà lao vào tranh cãi và tấn công lẫn nhau. Người thì hùng hồn lập luận thầy cô phải được quyền xử phạt học trò, kể cả phạt quỳ phạt đánh, hôm nay quỳ để mai không phải đứng trước vành móng ngựa. Người thì gay gắt tuyên chiến, giáo dục không được vùi dập, làm nhục học trò, vì như thế chứng tỏ giáo dục bất lực.

Tất cả đều có thể đúng, và có thể không đúng. Ranh giới giữa phạt và trừng phạt nhiều khi chỉ là một câu nói từ miệng người thầy. Lằn ranh giữa yêu thương và nuông chiều có khi cũng chỉ là lời lẽ bao che thiếu cân nhắc từ cha mẹ.

Giáo dục thật ra cần sự hợp tác của tất cả các bên: nhà trường, thầy cô, cha mẹ và học trò. Giáo dục thật ra cần sự học hỏi liên tục từ cả thầy cô lẫn phụ huynh chứ không chỉ là học trò, vì đơn giản ai cũng thể một lần nào đó mắc sai lầm trong ngôn từ phi giáo dục, trong cách thức dạy dỗ phản giáo dục. Muốn làm được, muốn hợp tác được, muốn học hỏi được điều đúng nhất về giáo dục, mỗi thầy cô giáo và phụ huynh đều phải bắt đầu từ điều quan trọng nhất: là yêu thương bọn trẻ.

Thật ra, chúng ta chỉ có một đặc quyền duy nhất với bọn trẻ. Không phải là quyền cho điểm hay không cho điểm, cho đậu hay cho rớt. Không phải là quyền phạt hay không phạt. Chỉ có thể là đặc quyền được yêu thương con trẻ.

PHAN THẾ HOÀI
Bình luận
vtcnews.vn