Chứng khoán Việt Nam đang giảm mạnh nhất thế giới, đối mặt với nhiều rủi ro

Kinh tếThứ Ba, 03/07/2018 07:20:00 +07:00

Theo số liệu từ IndexQ, thị trường chứng khoán Việt Nam đứng đầu trong danh sách những thị trường chứng khoán giảm mạnh thế giới trong quý II với mức giảm gần 18%.

Thị trường chứng khoán Việt Nam đang đi qua những ngày đen tối. Chốt phiên giao dịch hôm qua (2/7), chỉ số VN-Index giảm 13,63 điểm (1,42%) xuống 947,15 điểm, HNX-Index giảm 3,4 điểm (3,21%) xuống 102,76 điểm và Upcom-Index giảm 1,14 điểm (2,18%) xuống 50,84 điểm. Trong phiên giao dịch hôm qua, đã có lúc VN-Index giảm tới 21,38 điểm (2,23%) xuống còn 939,4 điểm. 

hose

Chốt phiên giao dịch hôm qua (2/7), chỉ số VN-Index giảm 13,63 điểm (1,42%) xuống 947,15 điểm.

Khối ngoại có phiên giao dịch khá đáng chú ý khi đẩy mạnh mua ròng hơn 230 tỷ đồng và điều này giúp thị trường không giảm quá sâu.

Trên sàn HoSE, VCB có cuộc lội dòng ngoại mục. Trong phiên giao dịch buổi sáng, VCB giảm rất mạnh 1.900 đồng/CP, tuy nhiên, chốt phiên cuối ngày, VCB tăng nhẹ 100 đồng/CP. Khối lượng mua ròng của VCB cũng tăng mạnh trong phiên giao dịch hôm qua với 74,75 tỷ đồng.

Về cuối phiên chiều, mức giảm của thị trường bị thu hẹp lại nhờ một số cổ phiếu lớn được kéo lên trên tham chiếu, có thể kể đến như SAB (+2%), VNM (+0,6%), VCB (+0,2%).

Thị trường vẫn kết phiên trong sắc đỏ do phần lớn các mã trụ cột đều giảm điểm như TCB (-4,1%), BID (-4,8%), CTG (-4,7%), MSN (-3,8%), VHM (-1%), VPB (-3,5%), VJC (-2%), VIC (-0,3%), VRE (-0,3%), GAS (-0,1%).

Trên sàn HNX, ACB (-6,5%), SHB (-4,9%), VNR (-9%), PVS (-3,5%), VCG (-3%) CEO (-6,8%) giảm mạnh khiến chỉ số HNX-Index có phiên giảm điểm thứ năm liên tiếp. Gần như toàn bộ các nhóm ngành chính đều giảm như ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, bất động sản, xây dựng, dầu khí...

Nhận định từ thị trường, ông Tô Thành Văn, một nhà đầu tư chiến lược cho rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam đang đi theo đúng quỹ đạo với thế giới.

"Không chỉ Việt Nam, hàng loạt các chỉ số chứng khoán trong khu vực châu Á cũng giảm rất mạnh do tác động từ tình hình chính trị thế giới, bất ổn tại Syria, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung và đặc biệt là việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tăng lãi xuất. Trong khu vực châu Á, chỉ số Shanghai Composite (Trung Quốc) giảm 1,13% trong phiên giao dịch ngày 2/7; Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 0,95%; chỉ số Kospi Hàn Quốc cũng giảm 1,5%;....", ông Văn nói.

Ông Văn cảnh báo, mức thanh khoản thị trường đang được cải thiện, song vẫn duy trì ở mức rất thấp, các mã cổ phiếu có giá trị lớn trên thị trường đang thiếu sự ổn định.

Trong khi đó, theo số liệu từ IndexQ, thị trường chứng khoán Việt Nam đứng đầu trong danh sách những thị trường chứng khoán giảm mạnh thế giới trong quý II với gần 18%. Mặc dù trước đó, Việt Nam từng đứng đầu danh sách những thị trường có mức tăng tốt nhất thế giới trong 3 tháng đầu năm với mức tăng 19,33%.

Với những diễn biến tiêu cực trong phiên giao dịch đầu tuần, các công ty chứng khoán trong nước đã đưa ra những nhận định khác nhau trong phiên giao dịch ngày 3/7.

0

 Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) cho rằng thị trường đang có rất nhiều rủi ro.

Cụ thể, Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) cho rằng thị trường đang có rất nhiều rủi ro: "Khối ngoại quay trở lại mua ròng trong phiên hôm qua đã góp phần không nhỏ thu hẹp mức giảm của thị trường. Tuy nhiên, hệ số tăng/giảm trong phiên lại thực sự kém và quan sát trên biểu đồ kỹ thuật, SHS nhận thấy nhiều mã trụ cột đã xuyên thủng các mức hỗ trợ quan trọng".

"Nhà đầu tư ngắn hạn nên tiếp tục duy trì tỷ trọng cổ phiếu ở mức an toàn và quan sát diễn biến thị trường để có quyết định hợp lý. Nhà đầu tư dài hạn vẫn có thể tiếp tục nắm giữ những cổ phiếu đang có vị thế tốt trong danh mục và triển vọng tăng trưởng tích cực trong 6 tháng cuối năm", SHS nhấn mạnh.

Video: Những tỷ phú trên sàn giao dịch chứng khoán Việt Nam

Việt Vũ
Bình luận
vtcnews.vn