Chứng khoán ‘đỏ’ vì COVID-19, nhiều mã lên 'như diều gặp gió' 

Tài chínhThứ Tư, 08/04/2020 17:01:00 +07:00
(VTC News) -

Thị trường chứng khoán biến động “điên cuồng” từ sau Tết do dịch COVID-19, nhưng nhiều cổ phiếu vẫn “lội ngược dòng” tăng cả 100%.

COVID-19 đẩy thị trường chứng khoán quý đầu năm giảm sâu. Theo báo cáo của Uỷ ban chứng khoán Việt Nam, kết thúc quý I/2020, VN-Index đứng mức 662,53 điểm, giảm 31,06% so với cuối 2019. HNX-Index giảm 9,32% xuống 92,64 điểm. UPCoM-Index giảm 14,8% xuống 47,74 điểm. Nguyên nhân thị trường chứng khoán lao dốc ngay trong quý đầu năm là do tác động từ dịch bệnh COVID-19.

Dù thị trường đỏ lửa, hầu hết cổ phiếu lao dốc mạnh tuy nhiên một số mã vẫn “lội ngược dòng” tăng mạnh. Thậm chí có cổ phiếu tăng trên 100% nhưng thanh khoản luôn duy trì ở mức thấp hoặc gần như không có giao dịch.

Chứng khoán ‘đỏ’ vì COVID-19, nhiều mã lên 'như diều gặp gió'  - 1

Nhiều cổ phiếu ngược sóng tăng cả 100% khiến nhà đầu tư nghi ngờ có bàn tay của "tổ lái". 

Nổi bật trong nhóm này là GAB - mã cổ phiếu của Công ty cổ phần Đầu tư khai khoáng và quản lý tài sản FLC (Global Asset Business) - khi tăng 263% từ sau Tết (30/1-8/4). GAB hiện giao dịch ở 141.500 đồng/cổ phiếu lúc đóng cửa ngày 8/4. Như vậy qua 49 ngày giao dịch, cổ phiếu GAB tăng thêm 102.850 đồng mỗi cổ phiếu.

Trong khoảng thời gian này, mã GAB giao dịch cao nhất tại mức giá 143.300 đồng/cổ phiếu, thấp nhất tại 41.350 đồng/cổ phiếu. Khối lượng giao dịch bình quân mỗi ngày là 212.314 cổ phiếu.

Trong cơ cấu cổ đông lớn của GAB có một cái tên đáng chú ý là FLC Group. Tập đoàn do ông Trịnh Văn Quyết làm Chủ tịch Hội đồng quản trị hiện sở hữu 8,99% vốn. Ngày 4/3, ông Quyết mua vào 1,1 triệu cổ phiếu GAB, tương ứng 7,97% vốn điều lệ, chính thức trở thành cổ đông lớn của GAB. Sau thương vụ này, tổng số cổ phần mà ông Quyết cùng người có liên quan nắm giữ là 2,34 triệu cổ phiếu GAB, tương ứng tỷ lệ sở hữu 16,96%.

Mã DNM của Tổng công ty cổ phần Y tế DANAMECO cũng là cổ phiếu đáng chú ý nhờ mức tăng 209,4%. Đóng cửa ngày giao dịch hôm nay, mã DNM dừng mức 26.300 đồng/cổ phiếu, giảm 200 đồng, tức 0,75%. Tuy nhiên, tính từ 30/1-8/4, mỗi cổ phiếu của DANAMECO đã tăng thêm 17.800 đồng.

DANAMECO là doanh nghiệp sản xuất khẩu trang, găng tay, mặt nạ thở oxy, trang phục chống dịch… nên việc kinh doanh được hưởng lợi trực tiếp từ dịch COVID-19.

Quan sát diễn biến thị trường, có thể thấy cổ phiếu DNM tăng mạnh khi thị trường phản ứng mạnh với thông tin dịch bệnh COVID-19. Báo cáo tài chính cho thấy năm 2019, DNM đạt doanh thu thuần hơn 356 tỷ đồng và lãi ròng 8,7 tỷ đồng, gấp gần 2,2 lần năm trước.

Mã ABS của Công ty cổ phần Dịch vụ nông nghiệp Bình Thuận không chỉ tăng trần trong ngày giao dịch hôm nay mà còn giữ đà tăng đáng nể từ khi dịch COVID-19 bùng phát. Theo đó, kết phiên chiều nay, mã ABS đứng mức 32.900 đồng/cổ phiếu, tăng 6,99%, tương đương mỗi cổ phiếu thêm 2.150 đồng.

Trong 15 ngày giao dịch gần nhất, mã ABS tăng 204,6%, giúp mỗi cổ phiếu có thêm 22.100 đồng. Với hơn 28,8 triệu cổ phiếu đang lưu hành, vốn hoá thị trường ABS tăng thêm 636 tỷ đồng, đạt gần 950 tỷ đồng.

Mã ABS cũng khiến nhà đầu tư chú ý khi liên tục tăng trần gần đây. ABS có 3 mảng kinh doanh chính là vật tư nông nghiệp, xăng dầu và bất động sản. Mảng nông nghiệp, ABS sở hữu năng lực phân phối hơn 100.000 tấn phân bón mỗi năm, 18 triệu lít xăng dầu thông qua 525 đại lý bán hàng, cửa hàng kinh doanh.

ABS cũng đang tham gia phát triển dự án bất động sản Five Star Eco City tại Cần Giuộc (tỉnh Long An), quy mô 196 ha. Ngoài ra, công ty còn sở hữu 20 mảnh đất với tổng diện tích gần 41, là đất thuê 50 năm trả tiền một lần.

Theo báo cáo, năm 2019, ABS đạt doanh thu thuần gần 791 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hơn 33,4 tỷ đồng, tăng lần lượt 67% và 14% so với năm trước. ABS có 2 cổ đông lớn là ông Trần Văn Mười, Chủ tịch Hội đồng quản trị nắm 20% vốn và Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Đô thị du lịch Diamond Eco giữ 23,61% vốn.

Thêm cổ phiếu ngược dòng thành công là SHB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội. Từ sau Tết Nguyên đán, mã SHB trải qua 49 ngày giao dịch, biến động giá tăng 144,6%, cao nhất trong khối các nhà băng vốn đang chịu ảnh hưởng giảm mạnh bởi tình hình dịch Covid-19.

Không chỉ liên tục bứt tốc, mã SHB gây ấn tượng mạnh khi vượt mệnh giá. Thậm chí, giá cổ phiếu ngân hàng này từng được ghi nhận thấp nhất vào đầu tháng 12/2019 với 5.900 đồng/cổ phiếu.

Một trong những lý do khiến cổ phiếu SHB tăng thời gian gần đây là vì các cổ đông lớn mua vào. Chẳng hạn như việc ông Đỗ Vinh Quang, con trai của Chủ tịch Hội đồng quản trị SHB Đỗ Quang Hiển, vào đầu tháng 2 mua vào 35,9 triệu cổ phiếu, tương đương 2.98% vốn. Tính theo giá trung bình trong khoảng thời gian công bố mua vào, ước tính cổ đông này chi ra khoảng gần 223 tỷ đồng.

SHB gần đây cũng phát hành 251 triệu cổ phiếu, đưa vốn điều lệ tăng từ 12.036 tỷ đồng lên hơn 14.550 tỷ đồng. Ngân hàng nhà nước mới đây cũng ban hành văn bản chấp thuận SHB tăng vốn điều lệ hơn 3.000 tỷ đồng dưới hình thức phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Năm 2019, SHB ghi nhận kết quả kinh doanh khá cao, với thu nhập lãi thuần đạt 7.890 tỷ đồng, tăng 42%, lợi nhuận trước thuế đạt gần 3.077 tỷ đồng, tăng 47%.

Ngoài những mã trên, thị trường chứng khoán từ đầu năm ghi nhận tăng trưởng mạnh mẽ các cổ phiếu IDJ của Công ty cổ phần Đầu tư IDJ Việt Nam với 78%, VTX của Công ty cổ phần Vận tải Đa phương thức Vietranstimex với 140,3%...

Khép lại phiên giao dịch ngày 8/4, VN-Index đóng cửa tăng 1,33 điểm (0,18%) lên 748,02 điểm. Thanh khoản thị trường đạt gần 3.800 tỷ đồng, giảm mạnh so với hai phiên đầu tuần. Độ rộng thị trường vẫn nghiêng về bên bán nhưng cân bằng hơn lúc mở cửa. Rổ VN30 có 12 mã tăng và 16 mã giảm. Đóng góp lớn nhất vào chỉ số chung là VHM, BID và MSN.

HNX-Index tăng 0,49% lên 103,93 điểm. Tuy nhiên, UPCom-Index giảm nhẹ 0,24% xuống 50,31 điểm.

 

Hoà Bình
Bình luận
vtcnews.vn