Chứng khoán bao giờ hết giảm sâu?

Kinh tếThứ Năm, 08/05/2014 07:00:00 +07:00

(VTC News) – Những phiên “lao dốc” của VN-Index khiến nhà đầu tư tái mặt và đi tìm câu trả lời cho câu hỏi bao giờ chứng khoán hết giảm sâu.

(VTC News) – Những phiên “lao dốc” của VN-Index khiến nhà đầu tư tái mặt và đi tìm câu trả lời cho câu hỏi bao giờ chứng khoán hết giảm sâu.

Xu hướng đi xuống của VN-Index xuất hiện từ tháng 3 với sự giằng co mạnh. Tuy nhiên, tới tháng 4, VN-Index mới thực sự giảm sâu.

Trong chiều 6/5, nhiều nhà đầu tư tái mặt khi có thời điểm VN-Index mất gần 20 điểm. Phóng viên VTC News đã có cuộc phỏng vấn với ông Nguyễn Khắc Duẩn, Giám đốc công ty tư vấn vấn đầu tư S&D về VN-Index cũng như hai ngành nóng nhất trên thị trường hiện nay là bất động sản và ngân hàng.

- Trong những phiên giao dịch cuối tháng 3, đầu tháng 4, VN-Index giảm khá sâu. Đi kèm với nó sự suy yếu thanh khoản. Đó có phải là dấu hiệu VN-Index đang dò đáy không thưa ông?

Không, hiện tại chưa thể đoán được đáy VN-Index nằm ở đâu. Đợt giảm giá này của VN-Index thể hiện sự thất vọng của nhà đầu tư sau khi đặt kỳ vọng quá cao vào thị trường. Khi kinh tế có dấu hiệu phục hồi, vốn ngoại đổ vào thị trường chứng khoán nhiều hơn, nhà đầu tư kỳ vọng VN-Index sẽ tăng vọt.

Lúc đó, khá nhiều quỹ đầu tư ngoại đổ vào thị trường chứng khoán Việt Nam giúp tâm lý nhà đầu tư tích cực hơn, giúp chứng khoán Việt Nam có mức tăng trưởng mạnh nhất thế giới. Nhưng khi VN-Index đạt 600 điểm, rồi 610 điểm, nhà đầu tư mới phát hiện họ đã quá kỳ vọng vào thị trường.

chứng khoán
Nhà đầu tư "tái mặt" vì VN-Index đang giảm sâu 
Trên thực tế, vẫn còn quá nhiều doanh nghiệp xấu hơn người ta tưởng. Cổ phiếu doanh nghiệp vọt lên tới mức giá vượt quá khả năng đầu tư của nhiều nhà đầu tư. Vì vậy, chứng khoán tự khắc quay đầu suy giảm.

Đợt giảm mạnh này của VN-Index chỉ là kết quả của một quá trình. Giống như củi bị rút ra rồi thì sẽ đến lúc tắt ngấm. Chưa kể bây giờ người ta nhắc tới nhiều mối lo khác như nợ xấu, nợ công. Các mối lo này xuất hiện làm thay đổi tâm lý thị trường.

- Thị trường đã đến đáy chưa? VN-Index có thể giảm hơn nữa không?

 
Hiện tại chưa thể đoán được đáy VN-Index nằm ở đâu.
 
Rất khó để biết đâu là đáy của thị trường. Tuy nhiên, việc VN-Index tiếp tục giảm vẫn có khả năng xảy ra. Nếu đứng trên khía cạnh đầu tư, nhà đầu tư nên nghĩ như vậy.

- Thị trường có thể duy trì đà giảm nhưng còn những phiên giảm sâu, mất tới hơn 10 điểm còn tiếp diễn nữa không?

Lão Tử đã nói rồi, gió mạnh sẽ hết nhanh. Những phiên giảm sâu như trong ngày 5/5 có thể xuất hiện trong hai hoặc ba phiên nữa là cùng.

- Thời gian qua, thị trường chứng kiến cổ phiếu bất động sản tăng “phi mã”. Và bây giờ cổ phiếu bất động sản lại giảm mạnh. Nguyên nhân là gì thưa ông?

Nợ xấu vẫn đang tồn tại ở bất động sản. Mối quan hệ giữa bất động sản và ngân hàng rất phức tạp. Hiện tại đã xuất hiện một số liên kết giữa Ngân hàng Nhà nước và ngân hàng giải cứu thị trường bất động sản. Nhà đầu tư sớm kỳ vọng vào bất động sản nên cổ phiếu ngành này tăng vọt.

Nhưng khó khăn trên thị trường bất động sản tháo gỡ rất chậm, phải làm dần dần chứ chưa thể nhanh chóng được. Đó là mớ bùng nhùng khi “sờ” vào sẽ thấy rất kinh khủng. Kỳ vọng vào thị trường là có nhưng sẽ rất lâu vì thực chất vấn đề của thị trường đến từ việc ai sẽ mua nhà.

Người giàu muốn đổ tiền vào bất động sản thì họ mua rồi. Một số khác chuyển tiền sang lĩnh vực vực khác tích cực hơn.

Người nghèo thì không có tiền mua nhà. Người nghèo chỉ có thể dựa vào vay tiêu dùng và một vài gói hỗ trợ. Nhưng vấn đề là dân nghèo hơn trước nên gây khó khăn ở bên cầu.

Tổng hợp lại có thể thấy, cổ phiếu bất động sản đã được kỳ vọng quá lớn nên giá tăng mạnh. Khi nhà đầu tư nhận ra chúng không đáng được kỳ vọng như vậy vì ngành bất động sản vẫn còn nhiều khó khăn thì cổ phiếu bất động sản suy giảm mạnh. Điều đó như cây cầu bập bênh về tâm lý. Bây giờ là cổ phiếu bất động sản rơi về mức giá hợp lý trở lại. Tâm lý thị trường thay đổi.

- Bên cạnh bất động sản, cổ phiếu ngân hàng có tác động khá lớn tới VN-Index. Cổ phiếu ngân hàng có được đánh giá cao không thưa ông?

Nếu sau này khi nền kinh tế hồi phục, cổ phiếu ngân hàng vẫn có nhiều tiềm năng. Vì hiểu theo bản chất, ngân hàng là cái bơm của nền kinh tế. Luồng tiền chảy qua ngân hàng hàng là chính. Khi kinh tế phục hồi, ngân hàng được hưởng lợi lớn.

Hiện tại, cổ phiếu ngân hàng tăng không nhiều, giao dịch không được như cổ phiếu bất động sản vì nhà đầu tư ít kỳ vọng.

Hiện tại, ngành ngân hàng đối mặt với nhiều vấn đề như nợ xấu chưa được giải quyết, vấn đề mua bán, sáp nhập, sở hữu chéo vẫn đang được Ngân hàng Nhà nước xử lý dần. Thứ 3 là hệ thống ngân hàng thiếu 1 thứ. Đó là mô hình hoạt động. Các ngân hàng chưa xác định rõ sắp tới mô hình hoạt động sẽ như thế nào.

Ngày xưa ngân hàng là máy bơm tiền hoàn hảo. Sau cuộc khủng hoảng kinh tế bắt đầu từ năm 2008, hệ thống này tự dưng gặp trục trặc. Cỗ máy hoạt động với các bánh răng khớp vào nhau không ổn. Nó bị tắc, nợ xấu bất động sản nhiều.

Bây giờ tất cả các ngân hàng phải đối mặt vấn đề hoạt động như thế nào. Cho vay thì nguy hiểm, không cho vay ra thì ứ tiền lại. Ngân hàng đã mua trái phiếu Chính phủ. Nhưng đó chỉ là giải pháp tạm thời. Cái ngân hàng cần làm là tạo ra mô hình thúc đẩy phát triển kinh tế  để họ có thể cho vay một cách tốt nhất. Hiện tại, ngân hàng vẫn chưa làm được.

Phần lớn các ngân hàng như SHB có được cơ hội bơm tiền ra thông qua các hoạt động đầu tư công như làm đường xá của Chính phủ. Nhiều ngân hàng tập trung vào đó.

Rõ ràng, có thể thấy, chỗ cần tiền nhất như doanh nghiệp, nhà đầu tư và những người cần tiền vực dậy kinh tế lại không nhận được vốn. Ngân hàng không dám cho vay những nhưng đối tượng này có nhiều rủi ro cao.

- Tình trạng này sẽ mất bao lâu để giải quyết thưa ông?

Chắc phải mất vài năm nữa để giải quyết tình trạng này. Hiện tại, một số ngân hàng giải quyết bằng cách kích thích cho vay tiêu dùng. Đấy là cái bơm của họ. Nhưng đối tượng vay tiêu dùng không nhiều.

Hiện ngân hàng thiếu mô hình tăng trưởng, ngân hàng vẫn loay hoay trong nợ xấu nên cổ phiếu ngân hàng không tăng giá. Đó chưa kể cổ phiếu ngân hàng niêm yết nhiều hơn, tính cạnh tranh cũng nhiều hơn.

Bảo Linh

Bình luận
vtcnews.vn