Chung cư hun khói: 'Không có gì ghê gớm'(!?)

Kinh tếThứ Năm, 17/09/2015 06:35:00 +07:00

Chung cư hun khói khiến người dân N05 rất bức xúc về tình trạng trạm IBS tỏa nhiệt gây nóng các căn hộ nhưng chủ đầu tư chung cư hun khói thì cho là chuyện nhỏ

(VTC News) - Trong khi người dân N05 rất bức xúc về tình trạng trạm IBS tỏa nhiệt gây nóng các căn hộ và mất an toàn cháy nổ thì ông Giám đốc công ty CP Viễn thông TC lại cho rằng đó chỉ chuyện nhỏ, không cần phải quá lo lắng.

Hơn 1 năm nay, chị T (cư dân 709 tòa 25T1 – NO5 Trung Hòa – Nhân Chính, Cầu Giấy, Hà Nội, đã phải sống trong căn hộ nóng 40-42 độ C. Nóng đến mức độ sàn nhà co rúm, cong vênh, cây cối trồng trong nhà héo chết.

Nguyên nhân gây nóng đã được đơn vị quản lý tòa nhà xác nhận là do trạm IBS hiện đang được đặt dưới tầng kỹ thuật (giữa tầng 6 và tầng 7 của toà nàh) gặp trục trặc. Cụ thể, hệ thống điều hòa làm mát trạm IBS bị hỏng nên nhiệt đô trạm IBS nóng và hấp nóng trực tiếp lên sàn nhà chị T.

Chung cư hun khói khiến cư dân bức xúc
Chung cư hun khói khiến cư dân bức xúc 
Trong vòng 3 tháng, chủ đầu tư trạm IBS là công ty CP Viễn thông TC đã 3 lần khắc phục xong đâu lại vào đấy, tình trạng nóng vẫn tiếp tục xảy ra tại nhiều khu vực trong căn hộ của chị T.  Điều này đã khiến nhiều cư dân đặt tên cho khu chung cư này là "chung cư hun khói".

Điều đáng nói, trong khi cuộc sống, sức khỏe của người dân đang bị đe dọa vì nóng thì vị tổng giám đốc công ty CP Viễn thông TC lại bình chân như vại thậm chí còn cho đó là chuyện nhỏ và "không có gì ghê gớm".

Lý giải về nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này, ông Nguyễn Hà Dũng – Tổng giám đốc TC cho rằng, do thời gian qua là thời điểm nắng nóng, nhiệt độ bên ngoài cao, do vậy nhiệt độ cộng hưởng.

"Trạm IBS tỏa nhiệt hơn 40 độ nếu không có điều hòa và tùy vào thời tiết. Cho đến bây giờ, ban quản lý và công ty đã phối hợp xử lý nhiều lần, 2 lần đầu chưa xử lý triệt để, nhưng lần thứ ba này đã xử lý kỹ càng. Trên trần nhà làm một lớp trần thạch cao, tạo khoảng cách giữa sàn nhà và trần phòng máy. Tại khoảng trống này có lắp hệ thống thông gió để trong trường hợp xấu nhất xảy ra nó sẽ cách ly cái nền nhà", ông Dũng cho hay.

Cũng theo ông Dũng, một thời gian ngắn nếu thấy không ổn thì sẽ thay điều hòa mới. Đồng thời cũng sẽ có hệ thống cảnh báo, giám sát.

"Công việc là thế không có gì ghê gớm. Nhà chị T. có xảy ra 3 lần nóng, ngay khi tiếp nhận phản ánh của ban quản lý tòa nhà, bên công ty cũng đến xử lý ngay nhưng vẫn không được triệt để, bản thân nguyên nhân chính cũng chưa rõ, công ty đang tìm hiểu và làm rõ nguyên nhân. Nếu điều hòa cũ thì thay điều hòa mới", ông Dũng nhấn mạnh.

Về việc tại sao lại đặt trạm IBS tại khu vực giữa tầng 6 và tầng 7 của toà nhà, ông Dũng cho rằng, việc thuê vị trí đặt trạm IBS của công ty TC được ký với chủ đầu tư dự án này là Tổng công ty Vinaconex từ năm 2011, thời hạn là 10 năm, tức là đến năm 2011 và vị trí thuê là phòng may từ 10 - 15 m2 tại tầng kỹ thuật của toà nhà. Vị trí cho thuê ở đâu là do chủ đầu tư chỉ định. Còn công ty TC, thuê ở đâu cũng được miễn là linh hoạt. Thông thường là vị trí mà khả năng kinh doanh thấp, tổng công ty Vinaconex sẽ sắp xếp cho công ty TC thuê.

"Vị trí là do tổng công ty chỉ định và khi có vị trí rồi, công ty TC mới thi công làm hạ tầng kỹ thuật. Tôi chả dại gì cho nhà mạng phát sóng không công. Nhà mạng cũng không tự dưng lại cho thiết bị vào đó một cách lén lút.Các nhà mạng đó là đơn vị lớn, việc lắp đặt các trạm IBS đều có giám sát như Ban xây dựng tòa nhà", ông Dũng nhấn mạnh.

Cũng theo ông Dũng, thông thường các tòa nhà, trạm IBS được đặt tùy vị trí tầng hầm, tầng 1, có chỗ trên cao, những khu vực phạm vi kinh doanh ít nhất thì họ đặt. Nhưng nơi đặt phải ổn định, ít người ra vào và có hệ thống giám sát, kết nối với trung tâm.

Điều đáng nói khi phóng viên đề nghị được xem bản hợp đồng ký kết với chủ đầu tư, nhưng không hiểu vì lý do gì, ông Dũng nhiều lần từ chối với nhiều lý do. Trong buổi gặp gỡ trực tiếp với phóng viên, ông Dũng cho rằng, ông không mang theo chỉ nói hợp đồng do ông Đoàn Châu Phong (Phó Tổng công ty Vinaconex ký).

Phóng viên đề nghị ông gửi qua email, thì ông này cũng chỉ gửi trang đầu và trang cuối của hợp đồng, còn phần quan trọng nhất là phần nội dung hợp đồng thì ông vẫn "giấu nhẹm", không chịu gửi lại cho chúng tôi.

Liên quan đến vấn đề này, trong buổi họp ngày 16/9 vừa qua, Chủ tịch phường phường Trung Hoà, ông Lại Mạnh Tiến đã chỉ hai vấn đề cần phải làm rõ.

Thứ nhất, ông Tiến yêu cầu xuất trình toàn bộ hợp đồng thuê mướn, hồ sơ thiết kế của tòa nhà 25T1 để xem quá trình thiết kế có không? Tầng này có được để các trang thiết bị máy móc này hay không?

"Bởi vì đối với các chung cư mà phường đang quản lý thì các trạm này một là để trên nóc nhà, hai là để dưới đất. Hôm nay, lần đầu tiên tôi nghe thấy để ở giữa tầng 6 và tầng 7", ông Tiến nói.

Vấn đề thứ 2 kaf yêu cầu đơn vị thuê, Vinasinco phải tìm khắc phục cho dân đã. Nếu như không đủ điều kiện hoạt động ở đây thì yêu cầu Vinashinco phải cắt điện ngừng hoạt động cho TC.

Tuy nhiên, chúng ta đều phục vụ cho dân nhưng phục vụ phải mang lại lợi ích và hiệu quả để đảm bảo an sinh xã hội, cái nào có lợi thì làm để cho dân kiến nghị là phải xử lý.

"Theo quan điểm của tôi, đối với nhà chị Thủy, nghiên cứu ngay lại phương án, nếu cứ như thế này trong thời gian ngắn mà 3 lần sửa mà vẫn không khắc phục được thì làm sao có thể để trạm thu phát sóng ở đó. Doanh nghiệp kiếm tiền có lợi nhuận nhưng lại đẩy khổ cho dân thì không ai chấp nhận được việc đó", ông Tiến nhấn mạnh.

Ngọc Vy
Bình luận
vtcnews.vn