Chức danh giáo sư của hiệu trưởng Đại học Tôn Đức Thắng: Bộ GD-ĐT nói gì?

Giáo dụcThứ Hai, 24/06/2019 08:29:00 +07:00

Theo Bộ GD-ĐT, đến nay, Trường bổ nhiệm chức danh giáo sư cho ông Lê Vinh Danh không được kiểm định chất lượng giáo dục bởi cơ quan có thẩm quyền ở Mỹ.

Bộ GD-ĐT vừa có công văn gửi Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam phúc đáp lại công văn 831/TLĐ ngày 5/6 về ý kiến của Bộ xung quanh việc chuẩn bị thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2019.

Theo nội dung công văn phúc đáp, Bộ GD-ĐT cho biết, TS Lê Vinh Danh - hiệu trưởng Đại học Tôn Đức Thắng được Đại học Preston (Mỹ) bổ nhiệm làm giáo sư kinh tế năm 2007, sau đó được Đại học bổ nhiệm chức danh giáo sư của trường ngày 7/12/2012.  

Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, Đại học Preston không được kiểm định chất lượng giáo dục bởi cơ quan có thẩm quyền về chất lượng tại Mỹ.

"Việc Trường Tôn Đức Thắng ban hành quy định về tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức vụ chuyên môn, trong đó có các chức vụ giáo sư trợ lý, giáo sư dự bị và giáo sư thực thụ cho các giảng viên của trường, Bộ GD-ĐT đã có công văn số 5309 ngày 14/10/2015 gửi Trường Tôn Đức Thắng", Bộ GD-ĐT cho biết.

hieu-truong-ton-duc-thang-le-vinh-danh

Hiệu trưởng Đại học Tôn Đức Thắng Lê Vinh Danh. 

Theo đó, Bộ GD-ĐT nhắc nhở Đại học Tôn Đức Thắng về những tiêu chuẩn, quy trình, hồ sơ đề nghị xét và bổ nhiệm chức vụ chuyên môn trong nhà trường, liên quan đến chức danh giáo sư, phó giáo sư.

Công văn của Bộ GD-ĐT cũng nhấn mạnh, việc thực hiện tự chủ của Trường Tôn Đức Thắng và các cơ sở giáo dục đại học công lập khác (trong đó có công tác cán bộ) phải tuân thủ theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học và các quy định có liên quan. 

Cụ thể, Khoản 1, Điều 16, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học quy định: “Hội đồng trường của trường đại học công lập là tổ chức quản trị, thực hiện quyền đại diện của chủ sở hữu và các bên có lợi ích liên quan”.  

Có nghĩa tập thể hội đồng trường (trong đó có đại diện cơ quan quản lý có thầm quyền) có chức năng đại diện của chủ sở hữu đối với trường đại học công lập. Trong quá trình hoạt động, nếu quyền của chủ sở hữu không được đảm bảo do cơ chế tập thể, quyết định theo đa số phiếu, thì cơ quan quản lý có thẩm quyền có quyền và trách nhiệm báo với cơ quan quản lý Nhà nước, cơ quan thanh tra, kiểm tra để yêu cầu nhà trường thực hiện đúng pháp luật và xử lý người vi phạm nếu có.

"Thành viên hội đồng trường phải chịu trách nhiệm về thực hiện nghĩa vụ và quyền hạn của mình theo quy định của pháp luật", Bộ GD-ĐT cho biết.

Nhật Linh
Bình luận
vtcnews.vn