Chưa đưa nhà ở vào diện chịu thuế

Thời sựThứ Tư, 26/05/2010 06:24:00 +07:00

(VTC News) – Lý do được đưa ra là việc áp dụng thuế nhà ở tại thời điểm hiện nay chưa có sự đồng thuận cao trong nhân dân.

(VTC News) - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết như vậy trước Quốc hội về nội dung tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật Thuế nhà, đất chiều 25/5.

Chưa nên đưa nhà ở vào diện chịu thuế

Ông Phùng Quốc Hiển cho biết, có 2 loại ý kiến khác nhau về việc đưa hay không đưa nhà ở vào diện chịu thuế. Trong đó, một số ý kiến cho rằng, việc đưa nhà ở vào đối tượng chịu thuế tại thời điểm hiện nay là cần thiết, nhằm tăng cường công tác quản lý, từng bước điều tiết nguồn thu vào ngân sách nhà nước, hạn chế tình trạng đầu cơ nhà ở.

Tuy nhiên, cũng theo ông Hiển, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chưa tán thành với việc đưa nhà ở vào đối tượng chịu thuế vì: nhà ở là tài sản riêng gắn liền với công sức, sự tích lũy lâu dài của người dân. Mặt khác, Nhà nước hiện đang khuyến khích và ban hành nhiều chính sách phát triển nhà ở cho người dân.


Chủ nhiệm Ủy an Tài chính Ngân sách của Quốc hội cho biết, xuất phát từ việc chưa đưa nhà ở vào diện chịu thuế, tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTVQH đề nghị, để bảo đảm thống nhất giữa tên gọi và nội dung của luật nên sửa tên luật là: “Luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp”.

Ông Hiển cho biết, sau khi cân nhắc trên nhiều khía cạnh, nghiên cứu thận trọng các ý kiến đóng góp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho rằng, dù việc áp dụng thuế đối với nhà ở góp phần tăng cường công tác quản lý nhà ở, đất ở và cũng là kinh nghiệm thực thi chính sách thuế của một số nước trên thế giới trong quá trình phát triển, song trước mắt chưa nên đưa nhà ở vào diện chịu thuế.

Theo đó, lý do được nhiều ĐB đưa ra là việc áp dụng thuế nhà ở tại thời điểm hiện nay chưa có sự đồng thuận cao trong nhân dân. Hơn nữa, khi nền kinh tế chưa ổn định, việc áp dụng thuế nhà ở sẽ tác động đến tâm lý và làm tăng thêm nghĩa vụ tài chính đối với một bộ phận người dân;

Cùng với đó, mục tiêu áp dụng thuế đối với nhà ở là nhằm hạn chế đầu cơ nhà ở, song trên thực tế giá trị nhà ở lại gắn liền với giá trị đất và đầu cơ lại tập trung vào đất, căn cứ vào vị trí, địa thế của đất mà không phải đầu cơ giá trị xây dựng nhà trên đất. Do vậy, để hạn chế đầu cơ thì phải tập trung áp dụng công cụ điều tiết đối với đất;

Việc áp dụng thuế nhà ở thực chất là áp dụng thuế tài sản, song trên thực tế, ngoài nhà ở còn có nhiều loại tài sản khác có giá trị lớn, thậm chí lớn hơn giá trị xây dựng của nhiều loại nhà như ô tô, máy bay, tàu thủy, du thuyền... Nếu chỉ áp dụng thuế tài sản đối với nhà ở thì chưa bảo đảm tính hợp lý, công bằng của một sắc thuế. Mặt khác, một số nước có trình độ phát triển hơn Việt Nam cũng chưa áp dụng thuế đối với nhà ở;

Lý do khác, dự kiến số thu từ thuế nhà ở cho ngân sách không lớn, trong khi đó chi phí cho công tác hành thu lại không nhỏ…

“Xuất phát từ những lý do trên, tiếp thu ý kiến của đa số ĐBQH, UBTVQH đề nghị chưa quy định về thuế đối với nhà ở và chỉ giữ lại các quy định về thuế áp dụng đối với đất” – Chủ nhiệm Ủy an Tài chính Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển nói.

Phải dùng công cụ tài chính để “đánh vào đầu cơ”

Tuy nhiên, bày tỏ sự không đồng tình với nội dung tiếp thu, chỉnh lý được ông Phùng Quốc Hiển nêu, ĐB Vũ Hồng Anh (Hà Nội) cho rằng, cần phải có các công cụ để điều tiết thị trường nhà ở, để đưa giá nhà về giá trị thực, tạo cơ hội cho nhiều người lao động có nhà ở. Một trong số các công cụ đó chính là thuế - công cụ có hiệu quả và có khả năng điều tiết cao thị trường nhà ở.

Theo ĐB Vũ Hồng Anh, lý do không đưa nhà ở vào đối tượng chịu thuế và để hạn chế đầu cơ phải tập trung áp dụng công cụ điều tiết đối với đất là “chưa thuyết phục” vì thực tế ở các TP lớn, mọi dự án xây nhà cao tầng chưa xây xong đã đăng ký hết số lượng căn hộ, nhưng đa số người đăng ký mua lại không có nhu cầu sử dụng mà mua để đầu cơ.

Cũng theo ĐB Vũ Hồng Anh, đất ở, nhà ở lại là một loại bất động sản có giá trị đặc biệt. Người dân có thể không cần có ô tô, máy bay, tàu thủy nhưng không thể thiếu chốn nương thân. Vì vậy, việc đánh thuế nhà ở với việc đánh thuế tài sản khác là hai việc làm có ý nghĩa và nội dung hoàn toàn khác nhau.

ĐB Anh đề xuất, cần xây dựng phương án để đại bộ phận người dân ở khu vực nông thôn, ở những khu đô thị loại 4, loại 5 không phải nộp thuế. Còn đối với nhà ở đô thị loại 3 trở lên, nhà mới xây, biệt thự, căn hộ trung, cao cấp ở các đô thị lớn thì cần phải nộp thuế.

Ông Lê Dũng, ĐBQH Tiền Giang (Ảnh: TD) 

Đồng quan điểm, ĐB Lê Dũng (Tiền Giang) bày tỏ chính kiến tán thành chủ trương thu thuế nhà như dự thảo trước đây.

“Tôi đồng ý với ý kiến của ĐB Vũ Hồng Anh, tôi nghĩ thực chất việc thu thuế nhà là thu thuế tài sản, theo dự thảo chỉ thu ở một số người có thu nhập cao để điều tiết cho xã hội là cần thiết và hợp lý”.

ĐB Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) thẳng thắn, phải dùng công cụ tài chính để đánh vào đầu cơ, đánh vào người có nhiều nhà, đất và dùng nó để điều tiết xã hội để bình ổn thị trường bất động sản. Theo ĐB Lịch, nếu mục tiêu như vậy thì những gì mà luật này đưa ra tiếp thu là “không đạt được”.

“Tôi không đồng tình chuyển dự án Luật thuế nhà, đất thành Luật thuế đất phi nông nghiệp. Tôi đề nghị với thẩm quyền của UBTVQH chỉ cần điều chỉnh một số điều khoản thuế suất và một vài điều cần thiết của Pháp lệnh thuế hiện hành để thực thi ngay” – ĐB Lịch nói.

ĐB Lịch cũng đề nghị “treo” dựa án Luật Thuế nhà, đất lại và tiến hành điều tra nghiên cứu tình trạng sở hữu nhà ở hiện nay. “Nếu như sử dụng phương án là mọi người dân có nhà và đất một căn, một chỗ ở không đánh thuế, chỉ đánh thuế nhiều nhà, nhiều đất và đầu cơ thì chúng ta phải như thế nào, chúng ta phải có bài bản để tiến hành” – ĐB Lịch nói.

Nhấn mạnh thêm quan điểm này, ĐB Lê Quốc Dung (Thái Bình) đề nghị nếu vì mục tiêu thu ngân sách thì chỉ cần sửa lại pháp lệnh. Nếu đánh thuế này để chống đầu cơ, điều tiết thu nhập và hạ giá nhà đất thì đề nghị đối tượng là những người có một nhà, một đất, một chỗ ở là không đánh thuế.

Theo ĐB Dung, phải làm rõ như vậy thì mới giải quyết được. “Trong giải trình của UBTVQH chúng tôi thấy xin ý kiến dân mà nhiều người dân không đồng tình là đúng, bởi vì người ta thấy nhà nào cũng bị đánh thuế đất cả!" – ĐB Dung nhận định.

Làm rõ hơn về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật này trước Quốc hội Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh nhấn mạnh, trước đây khi thiết kế dự án Luật ban đầu cũng có dự kiến đánh thuế với nhà. Khi đó đánh thuế với nhà là đánh thuế trên giá trị của nhà, tách nhà riêng và đất riêng. Giá trị nhà là giá trị của nhà tính theo m2 sàn xây dựng. Sau khi có ý kiến của nhân dân, ý kiến của đại biểu Quốc hội kỳ trước, nên Ban Soạn thảo nghiên cứu, xem xét và tiếp thu như vậy.

Theo Bộ trưởng Ninh, thực chất nếu như nhà thì bao giờ cũng nằm trên một vị trí đất nhất định và giá trị mà chúng ta gọi là nhà suy cho cùng là giá trị đất, nếu chúng ta tính trên giá trị sàn xây dựng.

“Về đối với đối tượng gọi là đầu cơ có nhiều nhà, nhiều đất thì nhà đấy vẫn phải nằm ở vị trí nhất định, kể cả nhà chung cư nên chủ yếu điều tiết vào đất để… đỡ phức tạp”.

Bộ trưởng Ninh cũng cho biết, việc điều tiết đối với nhiều nhà, nhiều nếu cần có thể điều chỉnh thuế suất vượt hạn mức, chỗ vượt 3 lần trở lên có thể điều tiết cao hơn thì cũng góp phần điều tiết.

Cùng với đó, điều tiết đầu cơ nhiều nhà, nhiều đất cũng có rất nhiều chính sách thuế khác nữa, theo đó, "nếu chúng ta quản lý tốt thì chúng ta đánh cả thuế thu nhập doanh nghiệp, đánh cả thuế thu nhập cá nhân".


 Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên kết luận, thuế nhà, đất là một chính sách rất lớn của Đảng và Nhà nước cho nên qua ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội phát biểu ngày hôm nay và qua cả một quá trình chuẩn bị dự án luật này thì trên cơ sở ý kiến của nhân dân, của nhiều chủ thể khác, chúng tôi sẽ chỉ đạo, nghiên cứu các ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để tiếp tục hoàn chỉnh để trình lên Quốc hội xem xét, thông qua tại phiên họp sắp tới.

Kiều Minh

Bình luận
vtcnews.vn