Chủ tịch VTC Thái Minh Tần: Ám ảnh chiếc tivi đen trắng

Giáo dụcChủ Nhật, 29/05/2011 06:22:00 +07:00

(VTC News) - Nhân dịp nhận danh hiệu GS danh dự của ĐH Glyndwr-Anh quốc, Chủ tịch VTC, Thái Minh Tần trò chuyện với VTC News về chiến lược đầu tư vào giáo dục.

(VTC News) - Nhân dịp nhận danh hiệu Giáo sư danh dự của ĐH Glyndwr (Anh quốc), Chủ tịch VTC, Anh hùng, Tiến sỹ Thái Minh Tần trò chuyện với VTC News về một thời đi học nghèo khó và chiến lược đầu tư vào lĩnh vực giáo dục, trước mắt là liên kết đào tạo giữa đại học VTC Văn Hiến và ĐH Glyndwr nổi tiếng trong lĩnh vực truyền thông đa phương tiện.

Xung phong thi học sinh giỏi Toán

Kể về tuổi thơ cắp sách đến trường trong cái nghèo đói ở vùng quê thuộc huyện Hưng Nguyên (Nghệ An), TS Thái Minh Tần xúc động nhớ lại: 

Đó là con đường dài 10 km với 2 tiếng đi bộ mỗi ngày khi tôi học cấp III. Con đường đã in đẫm dấu chân tôi, nuôi dưỡng trong tôi khát vọng học tập để thoát nghèo.

Đào tạo phù hợp với nhu cầu xã hội là một trong những định hướng lớn của ngành giáo dục và VTC đang đang đi đúng hướng. Trong ảnh Chủ tịch VTC Thái Minh Tần trong buổi tiếp Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân. Ảnh Quang Minh 

Tôi sinh ra và lớn lên trong gia đình thuần nông có tới 12 anh em và tôi là con đầu. Hưng Nguyên quê tôi nói riêng, xứ Nghệ nói chung là mảnh đất địa linh nhân kiệt, có truyền thống hiếu học từ bao đời. Ngay từ bé, giá trị truyền thống đó đã có một tác động rất lớn tới ước mơ học tập của tôi.

Quê tôi nghèo, nhà tôi càng nghèo vì đông con. Nhưng cha mẹ tôi là những người nông dân cấp tiến, họ luôn nói với tôi rằng: Càng nghèo càng phải học và chỉ có học mới mong thoát nghèo.

Mỗi sáng thức dậy để đến trường, tôi thường không thấy mẹ tôi trong nhà. Mẹ tôi đã quẩy đôi quang gánh bắt đầu hành trình với mớ hàng rong từ vùng này sang vùng khác cho đến khi tối mịt.

Sự tần tảo, đức hy sinh của mẹ tôi đã theo tôi tới tận bây giờ. Nhiều lúc nghĩ về mẹ với cái đòn gánh cong, tôi còn nghĩ khát vọng học tập thoát nghèo của mẹ đặt vào tôi, còn lớn hơn cả chính khát vọng của tôi.

Nghe nói ông học Toán rất giỏi?

Tôi học cấp III trường Hưng Nguyên, sau này là trường mang tên cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong. Ngày đó tôi rất mê môn Toán và có năng khiếu với môn này hơn các môn khác.

Tình cờ trong một lần chọn học sinh đi thi Toán của tỉnh, tôi liều mình xung phong (cười). Xưa nay người ta chọn học sinh đi thi, chứ không mấy có trường hợp xung phong. Tôi xung phong và được dự thi. Kết quả là tôi đậu vào lớp chuyên Toán của trường chuyên Nghệ An.

Khi rời Hưng Nguyên ra Vinh để theo học trường chuyên, người thầy dìu dắt tôi mà tôi nhớ mãi là thầy Trần Văn Thiều. Thầy có một thói quen tôi không thể quên.

Toán là một học đòi hỏi sự logic lớn, bất chấp tôi giải ra bài toán với kết quả đúng, bao giờ thầy cũng hỏi lại tôi: tại sao lại như thế? Khi ấy, tôi sẽ phải giải thích với thầy cặn kẽ từng bước giải. Sau này tôi nhận ra rằng, đó là một phương pháp dạy đi đến tận gốc của vấn đề và đặc biệt nó làm tôi không những hiểu mà còn hiểu sâu và nhớ rất lâu.

Ám ảnh chiếc tivi đen trắng

Điều gì khiến ông theo đuổi ngành vô tuyến?

Thú thực, tôi không chọn nghề, mà cuộc đời chọn nghề cho tôi. Đó như là cái duyên trời định và đến giờ tôi thấy mình may mắn.

Năm 1968, tôi tốt nghiệp PTTH. Phần lớn học sinh lớp tôi được nhà nước cử đi học tập ở nước ngoài. Tôi cũng nằm trong số đó. Tôi được cử sang CHDC Đức, nhưng khi sang tới nơi thì Tiệp Khắc xảy ra biến động chính trị. Học sinh Tiệp Khắc bấy giờ tràn sang Đức quá đông, tôi và một số học sinh Việt Nam khác không may bị thừa ra và phải về Việt Nam sớm hơn dự định.

Chủ tịch VTC TS Thái Minh Tần, Tổng giám đốc VTC ông Nguyễn Xuân Cường cùng Bộ trưởng Bộ TTTT Lê Doãn Hợp ấn nút khởi động mạng GO.VN 

Về nước, người ta bố trí tôi vào học trường ĐH Tổng hợp, nhưng tôi đề nghị được vào học ĐH Bách Khoa. Bàn tính mãi, các anh đồng ý để tôi học ĐH Bách Khoa và xếp tôi vào học ngành Vô tuyến điện tử.

Ngoài cái duyên, điều gì cho ông sức mạnh xây dựng được một Tổng Công ty Truyền thông Đa phương tiện VTC lớn mạnh như hôm nay và sắp tới sẽ là Tập Đoàn truyền thông đa phương tiện Việt Nam?

Nếu hồi đó tôi có được thứ mong muốn, tôi sẽ giữ nó trong cái tủ kính như một kỷ vật cuộc đời. Đó là chiếc tivi đen trắng trong phòng học thực hành khi tôi học ĐH.

Ngày ấy, một tuần chúng tôi có một buổi thực hành với cái tivi đen trắng. Lần nào cũng vậy như một thói quen, cứ đối diện với cái tivi đen trắng, tôi sẽ nhìn nó rất kỹ trước khi đụng tới. Nhìn để định hình mình sẽ phải làm gì nhanh nhất cho bài thực hành. Nhìn để hỏi trong đầu mình vì sao lại như thế? Sau đó tôi vừa làm vừa đi tìm câu trả lời. Nếu tôi chưa tìm ra, tôi thực sự day dứt. Hết giờ về nhà, cái tivi cứ lởn vởn trong đầu tôi, nó khiến tôi luôn nghĩ tới và tôi càng quyết tâm tìm ra khi trở lại đối diện với nó.

Rồi sau nữa, khi thế giới đã có tivi màu thì 15 năm sau Việt Nam mới có. Ngay lúc đó, tôi đã hỏi: tại sao nước ta lại chậm như thế? Càng hỏi, tôi càng thấy thôi thúc. Khát vọng cải tiến công nghệ truyền hình càng dâng lên.

Nói thế để bạn thấy rằng, duyên là cái đưa ta đến, nhưng đam mê, khát vọng là cái đưa ta đi. Nhờ đam mê khát vọng ấy, tôi đã đi qua một chặng đường dài đầy chông gai nhưng cũng đầy tự hào.

Sự kết hợp 2 thương hiệu hàng đầu

VTC đã có chiến lược phát triển giáo dục. ĐH VTC Văn Hiến là bước đầu thực hiện chiến lược này?

Chúng tôi đầu tư vào trường ĐH Văn Hiến là để tạo nguồn lực cho VTC vốn có những đặc thù rõ rệt. Nguồn nhân lực của VTC hiện nay còn thiếu nhiều và chưa được đào tạo bài bản. VTC hiện nay tuyển nhân lực từ rất nhiều nguồn: ĐH Bách khoa, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Ngoại thương… Nói tóm lại là nước ta chưa có một trường đại học dành riêng cho ngành truyền thông đa phương tiện. Chính vì thế, VTC sẽ đi đầu trong việc đào tạo chuyên ngành này.

Ông có nhận xét thế nào mô hình đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp?

Lợi thế là sát thực tế hơn. Doanh nghiệp có nguồn tài chính, trường đầu tư lại trong việc giảng dạy và kiến thức thực tế SV có thể nhận được từ doanh nghiệp. Hai bên kết hợp với nhau sẽ tạo ra nguồn nhân lực vừa có kiến thức hàn lâm lại vừa có kiến thức thực tế.

Đầu tư chiến lược vào hẳn một trường đại học, một trường truyền thông đa phương tiện và một trường THPT cho thấy VTC đang có nhu cầu về nguồn nhân lực rất cao?

Đúng như vậy, nhất là khi chúng tôi trở thành tập đoàn truyền thông đa phương tiện đầu tiên của Việt Nam. Nguồn nhân lực truyền thông đa phương tiện hiện nay đang thiếu nghiêm trọng.

Theo ông, chất lượng nguồn nhân lực được đào tạo chính quy ngành truyền thông đa phương tiện có khác nhiều so với hiện nay?

Khác biệt lớn nhất là chúng tôi và những nơi có nhu cầu nguồn nhân lực không mất công đào tạo lại. Bên cạnh đó, các em sinh viên sẽ được tiếp xúc ngay với môi trường doanh nghiệp, với những công việc gắn liền với truyền thông đa phương tiện. Chính vì thế, ra trường các em ra trường sẽ làm việc được ngay, không cần thời gian đào tạo lại nữa.

Hợp tác đào tạo với trường đại học Glyndwr của Anh, ông hy vọng điều gì?

Glyndwr là một trong những trường có thế mạnh về đào tạo truyền thông đa phương tiện ở Anh và Âu châu. Tại Việt Nam, VTC đang là doanh nghiệp hàng đầu về công nghệ và dịch vụ truyền thông đa phương tiện. Sự kết hợp giữa 2 đơn vị sẽ mang lại nguồn nhân lực truyền thông đa phương tiện dồi dào, năng động, đưa ngành truyền thông đa phương tiện Việt Nam lên tầm cao mới.

Vậy cơ hội dành cho các em học sinh đối với một ngành học mới mẻ tại Việt Nam ra sao, thưa ông?

Chúng tôi luôn dành rất nhiều cơ hội cho các em, và sẵn sàng đón nhận các em trong một môi trường thử thách, nhưng đầy năng động trong một xã hội thông tin.

Ngoài đào tạo nguồn nhân lực cho VTC, ông có kế hoạch đầu tư vào lĩnh vực giáo dục?

Đó là chiến lược của chúng tôi. Phát triển lĩnh vực truyền thông đa phương tiện và đầu tư vào giáo dục với các chuyên ngành công nghệ, đặc biệt ngành chúng tôi có thế mạnh.

Xin cảm ơn Tiến sỹ!

Duy Thành (thực hiện)

Vào lúc 20h ngày 30/5/2011 Tổng Công ty Truyền thông Đa phương tiện VTC tổ chức truyền hình trực tiếp chương trình “VTC đồng hành cùng giáo dục” trên VTC1 và VTC HD1. Mời các bạn đón xem.  

 

Bình luận
vtcnews.vn