Chủ tịch Vietravel: Có những thói quen du lịch không hồi phục được

Thị trườngThứ Tư, 02/02/2022 08:08:00 +07:00
(VTC News) -

Bốn đợt dịch COVID-19 kéo lùi 14 năm phát triển, nhưng Vietravel không vì thế mà chùn chân, mỏi gối.

Nhân dịp Xuân Nhâm Dần 2022, ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch HĐQT Vietravel Holdings có buổi trò chuyện với VTC News về những khó khăn, thách thức của Vietravel trong đại dịch cũng như chiến lược dài hơi để “hồi sinh” trong thời gian tới.

- Làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4 khiến hàng trăm nghìn doanh nghiệp của Việt Nam lâm cảnh khó khăn, thậm chí phá sản. Vậy tình hình kinh doanh của Vietravel thế nào?

Ngưng trệ toàn bộ! Vietravel kinh doanh dịch vụ du lịch, bao gồm các hoạt động liên quan đến chuyến đi, nghỉ dưỡng của du khách. Vậy nên, khi guồng máy xã hội dừng lại do dịch bệnh, tất cả hệ thống kinh doanh cũng tức khắc dừng lại, đông cứng, đóng băng.

Điều này làm cho công ty giống như một chiếc xe đang chạy tốc độ cao bị thắng gấp, nó khựng lại và mọi thứ bị dồn toa. Sau đó, phải sắp xếp lại tất cả những gì trên chiếc xe ấy. Cú khựng lại đó chính là sự gãy đổ, sụp đổ, đông cứng của thị trường, phải chấp nhận dừng toàn bộ.

TP.HCM có 157 ngày giãn cách. Cũng như các tỉnh, thành khác, đến giờ phút này, tình hình giãn cách vẫn chưa chấm dứt hoàn toàn ở một số khu vực, cho nên khó khăn lớn nhất là sự gãy đổ. Chính xác hơn là sự sụp đổ hoàn toàn của thị trường khách du lịch.

Chủ tịch Vietravel: Có những thói quen du lịch không hồi phục được - 1

Vietravel có chiến lược dài hơi để “hồi sinh” trong thời gian tới.

- Cú “điểm huyệt" này tác động tới Vietravel thế nào, thưa ông?

Thiệt hại rất lớn. Bình quân, doanh thu một năm của Vietravel đạt khoảng 7.000 - 8.000 tỷ đồng. Ví dụ, năm 2019, trước dịch, doanh thu của Vietravel là 7.500 tỷ đồng. Năm 2020 xuống còn khoảng 1.500 tỷ đồng. Đây là con số kéo Vietravel lùi về hơn 10 năm trước, nhưng vẫn còn là mơ ước so với năm 2021.

Năm 2021, doanh thu của chúng tôi chỉ còn khoảng 700 tỷ đồng, nó quay lại thời điểm Vietravel năm 2007. Như vậy, chỉ 4 đợt dịch thôi đã kéo Vietravel lùi 14 năm.

- Hiện tại, Vietravel có kế sách gì để bứt phá khỏi tác động khủng khiếp này?

Tác động của dịch COVID-19 đối với ngành du lịch rất lớn. Chúng tôi đánh giá rằng, không thể ngày một ngày hai có thể xử lý, phục hồi được, mà sẽ còn hệ luỵ kéo dài.

Cái lớn nhất có thể thấy là nó làm thay đổi toàn bộ kết cấu của thị trường, nhu cầu của thị trường và toàn bộ hệ thống dịch vụ cung ứng của thị trường, trong đó có du lịch. Điều này dẫn tới Vietravel buộc phải có những bước điều chỉnh rất lớn về chiến lược, phải dứt khoát, mạnh mẽ để có thể xoay lại, kịp với tình hình thay đổi của thị trường, nhu cầu của người dân.

Chủ tịch Vietravel: Có những thói quen du lịch không hồi phục được - 2

vietravel.jpg

Khi guồng máy xã hội dừng lại do dịch bệnh, tất cả hệ thống kinh doanh cũng tưng khắc dừng lại, đông cứng, đóng băng.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ

Ví dụ, chúng tôi đánh giá, thị trường khách du lịch như trước đây thường đi theo các nhóm tour lớn. Nhưng với tình hình hiện tại, chắc chắn lượng khách này không còn nữa và phải rất lâu mới có khả năng hồi phục, thậm chí không hồi phục được. Như vậy, thị trường buộc phải chuyển hướng tập trung sang du lịch trong nước hoàn toàn.

Trước đây, Vietravel làm cả trong nước, ngoài nước. Giờ chỉ có thể hoàn toàn là trong nước, thậm chí là thu gọn theo nội vùng luôn, chứ không còn là cả nước.

Thị trường bị co hẹp làm cho tính chất dịch vụ của công ty và nhu cầu người dân thay đổi theo. Thời gian đi ngắn ngày hơn, chuyến đi mang tính riêng tư hơn (private trip), rẻ hơn.

Tính riêng tư giúp nâng cao độ an toàn và đảm bảo phạm vi tiếp xúc theo quy định phòng dịch, phù hợp nhu cầu người đi du lịch là không muốn tiếp xúc quá rộng.

- Vậy sự thay đổi này dẫn đến “biến dạng” ngành du lịch, thưa ông?

Mục tiêu du lịch là gì? Là tiếp xúc rộng và sâu vào trong cộng đồng văn hoá cư dân địa phương, qua đó sử dụng dịch vụ của địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế. Nhưng đến thời điểm này, nhu cầu đó đang bị thay đổi. Du khách muốn khép kín và nhu cầu của họ cũng giản tiện lại. Chính điều này làm cho hình thái du lịch dần theo một cách khác, là nghỉ dưỡng, là kỳ nghỉ, chứ không phải là tham quan nữa.

Tất nhiên, nhu cầu tham quan vẫn có, nhưng tính riêng tư lại rất lớn. Đây là điều Vietravel nói riêng và các công ty du lịch Việt Nam nói chung phải nắm bắt để có sự thay đổi. Thay đổi lớn nhất chính là thay đổi toàn bộ cấu trúc sản phẩm. Vietravel đang phải làm tất cả mọi chuyện, cấu trúc lại toàn bộ thị trường, cấu trúc lại kênh phân phối, cấu trúc lại cơ cấu chính công ty, và phải làm đồng loạt một lúc.

- Trong các hội nghị, hội thảo giữa chính quyền TP.HCM và doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, ông đã nhiều lần kiến nghị các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp du lịch lữ hành. Tới giờ, những kiến nghị đó đã nhận được hồi âm chưa, thưa ông?

Chúng tôi đã có rất nhiều đề xuất, kiến nghị, trong đó, nhiều đề xuất, kiến nghị được lãnh đạo TP.HCM quan tâm, lắng nghe. Ví dụ, khi hết giãn cách, mới khôi phục du lịch trở lại, chính lãnh đạo thành phố đề nghị chúng tôi tư vấn nên như thế nào. Vietravel đã đề xuất nên mở du lịch nội tỉnh và ở những vùng xanh, cụ thể ở huyện Cần Giờ và Củ Chi.

Cần Giờ là một huyện của TP.HCM. Mật độ dân cư, mật độ xây dựng còn khá thấp. Cảnh quan tương đối tự nhiên. Dịch bệnh trong thời điểm đó cũng rất thấp. Cần Giờ có không khí biển, hệ thống dịch vụ tốt, là nơi lý tưởng phục vụ nhu cầu người dân đến nghỉ ngơi, giải toả căng thẳng sau những ngày dồn nén vì giãn cách. Còn Củ Chi cũng là một khu vực khá an toàn, có Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi.

Nhiều người thành phố có lẽ cũng chưa tới tham quan, trong khi đó, nơi đây thu hút khách inbound (trong nước) đến rất đông. Chúng tôi đề nghị mở lại hai địa điểm này và thành phố chấp nhận ngay. Vietravel nhanh chóng tổ chức những tour đi Cần Giờ, Củ Chi trong thời gian thành phố “nới lỏng”.

- Như ông nói, cần phải có sự nhất quán, thích ứng an toàn với dịch. Tuy nhiên, dịch chưa thể kết thúc ngay lúc này. Vậy Vietravel có biện pháp gì để thích ứng phù hợp?

Đây là câu hỏi khó, vì Vietravel phải ước lượng, phải dự báo được tình hình dịch, dự báo diễn biến sắp tới để từ đó xây dựng kế hoạch triển khai. Hiện tại, rõ ràng là bị động vì dịch luôn diễn biến, không như chúng ta dự báo. Nhưng cũng không thể nào hoạt động mà không có kế hoạch, nên Vietravel đã đề ra những mục tiêu, kế hoạch rất cụ thể.

Thứ nhất, bắt buộc phải tái cấu trúc doanh nghiệp, điều này dù có hay không có dịch cũng phải làm. Vì như tôi nói ở trên, thị trường đã thay đổi toàn bộ cấu trúc kinh doanh. Bộ máy cũng phải thay đổi theo, không thể nào như cũ được. Chúng tôi đang tái cấu trúc lại toàn bộ theo hướng gọn hơn, nhỏ hơn, đa năng hơn, nhanh hơn.

Thứ hai, Vietravel sẽ điều chỉnh lại hệ sản phẩm trên cơ sở nghiên cứu nhu cầu sống, nhu cầu sinh hoạt của người dân sau dịch, từ đó đặt ra những sản phẩm cho phù hợp. Đây là điều vô cùng quan trọng.

Chủ tịch Vietravel: Có những thói quen du lịch không hồi phục được - 3

Vietravel đang phải làm tất cả mọi chuyện, cấu trúc lại toàn bộ thị trường, cấu trúc lại kênh phân phối, cấu trúc lại cơ cấu chính công ty và phải làm đồng loạt một lúc.

- Hiện TP.HCM đề xuất đón khách quốc tế có “hộ chiếu vaccine” không phải cách ly. Ông đánh giá thế nào về đề xuất này?

Không chỉ TP.HCM mà các tỉnh, thành ở Việt Nam đều có nhu cầu đón khách du lịch trong và ngoài nước. Vừa qua, Chính phủ cho 5 đầu cầu, 5 địa phương tiếp nhận. Chúng tôi đã đề xuất, kiến nghị để TP.HCM tham gia. Nhiều người đang nghĩ TP.HCM không an toàn, nhưng nếu đánh giá khách quan, tại Việt Nam, TP.HCM là nơi an toàn nhất.

Tỉ lệ bao phủ vaccine đạt gần 100%, nên chúng tôi cho rằng, thành phố thực sự an toàn và xứng đáng là đầu cầu thứ sáu nhận khách vào. Tuy nhiên, tâm lý cho rằng TP.HCM là tâm dịch đè nặng lên hành động và tư duy của mỗi người, làm cho chính chúng ta tự thu mình lại.

Tôi đánh giá thành phố an toàn, đủ điều kiện nhận khách du lịch có “hộ chiếu vaccine”. Vietravel đã đề nghị cho phép đón khách quốc tế có “hộ chiếu vaccine”, và vấn đề này được thành phố đề xuất lên Chính phủ.

- Như ông nói, 4 đợt dịch đã làm Vietravel lùi mất 14 năm phát triển. Trong suốt thời gian cam go này, có khi nào ông nghĩ tới việc buông xuôi?

Với người bi quan, họ luôn tìm thấy cái tiêu cực trong điều tích cực, và những người tích cực luôn tìm thấy những điều tích cực trong cái tiêu cực. Vietravel không phải là lạc quan tếu. Chúng tôi luôn luôn nghĩ rằng, trong khó khăn phải tìm được cái bớt khó khăn nhất, phải tìm hướng thoát được khó khăn, đó là truyền thống của Vietravel.

Từ trước tới nay, Vietravel luôn vươn lên, trưởng thành từ những khó khăn, gian nan, vất vả, chứ không phải sinh ra ngay vạch đích. Chúng tôi hay nói đùa, sinh cách vạch đích xa lắm, sinh sau cả vạch xuất phát nữa, nên Vietravel luôn xem những khó khăn này là thách thức cần phải vượt qua. Chưa bao giờ chúng tôi nghĩ là phải bỏ cuộc cả.

- Ý ông là con số 14 năm dù kinh khủng, nhưng cũng chính là động lực để Vietravel lấy lại dây cót, bứt phá?

Ngày 20/12/2021, Vietravel bước qua năm thứ 27. 27 năm đã đưa Vietravel từ một đơn vị nhỏ với 7 nhân viên và không đầy 6 triệu đồng thành đơn vị đứng đầu lữ hành Việt Nam.Vietravel là công ty du lịch duy nhất của Việt Nam sở hữu hãng hàng không riêng - Vietravel Airlines. Vietravel Airlines luôn khác biệt với tất cả các hãng hàng không khác. Đó là sự nỗ lực đến mức trên cả khả năng để vượt qua khó khăn, để vươn tới, đi tới.

Đôi lúc chúng tôi cũng đặt ra mục tiêu mình là người tiên phong, phải đối đầu với hiểm nguy, dông bão, khó khăn. Tôi xem đó là sứ mệnh của mình trong ngành du lịch Việt Nam nói chung, cũng như ngành lữ hành Việt Nam nói riêng. Tôi luôn đặt ra mục tiêu cao nhất để phấn đấu, vươn tới. Cho nên, 14 năm lùi cũng có nghĩa là phải rút ngắn trong vòng 4 đến 5 năm tới để quay trở lại.

Chúng tôi đã xây dựng kế hoạch 2021 - 2025, 2025 - 2030 cho Vietravel cũng như Vietravel Airlines để từng bước quay trở lại. Làm sao để Vietravel vượt qua khó khăn này? Đó là phải mạnh hơn nữa, phải vượt lên trên khó khăn, trên thách thức, phải tồn tại, khởi động lại, hồi sinh, phát triển hơn cả trước dịch. Đây là mục tiêu tôi đánh giá rất cao. Chúng tôi đã sắp xếp lại các giai đoạn vào 5 năm tới để kéo toàn bộ 14 năm đã mất vì dịch bệnh vừa qua.

Theo báo cáo tại Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khoá XV, du lịch và hàng không có doanh thu gần bằng không. Du lịch thôi đã đủ vất vả, giờ lại thêm hàng không, không phải là gấp đôi mà là gấp ba, gấp bốn khó khăn. Một cộng một nó phải bằng hai chỉ là số học, nhưng khó khăn với khó khăn cộng lại không phải là hai khó khăn mà nó là một núi khó khăn cần giải quyết.

Vietravel đang giải quyết từng vấn đề với những kế hoạch, mục tiêu đặt ra. Đó là phải lấy lại 14 năm tụt lại. Để làm được điều này, chúng tôi phải giữ được thái độ tích cực, luôn tiến về phía trước, luôn đối mặt với khó khăn. Đối diện để giải quyết nó, chứ không phải buông xuôi bỏ cuộc.

- Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Thy Huệ(thực hiện)
Bình luận
vtcnews.vn