Chủ tịch TP.HCM lý giải nguyên nhân ngập úng triền miên

Thời sựThứ Tư, 16/08/2017 17:28:00 +07:00

Trong các nguyên nhân ngập úng, lãnh đạo TP.HCM thừa nhận có việc quản lý yếu kém và ý thức người dân chưa tốt.

Sáng 16/8, tại phiên chất vấn của Thường vụ Quốc hội về quy hoạch, xây dựng, lãnh đạo Hà Nội và TP.HCM cùng thừa nhận việc giải quyết úng ngập còn nhiều khó khăn.

Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong “muốn trị được bệnh phải chẩn đoán nguyên nhân”. Tiếp đó, ông đưa ra 6 nguyên nhân gây ngập ở TP.HCM: Nước biển dâng bởi tác động biến đổi khí hậu; lũ; mưa; lún; quản lý yếu kém; ý thức của một bộ phận người dân chưa tốt.

ong-nguyen-thanh-phong-neu-6-nguyen-nhan-gay-ngap-o-tp-hcm

Chủ tịch TP.HCM cho rằng, cần phân tích nguyên nhân gây ngập để có giải pháp. (Ảnh minh hoạ: Quỳnh Trần)

Ông Phong cho hay, để chống ngập phải đưa ra được giải pháp tổng thể trên cơ sở phân tích các nguyên nhân nêu trên. Vừa qua TP.HCM đã triển khai dự án chống ngập do nước biển dâng; tăng cường vận động người dân không xả rác hay làm thay đổi dòng chảy các công trình, dự án thoát nước.

“Thành phố đang tập trung nhiều giải pháp để giảm ngập. Nhưng phải có lộ trình chứ không thể xử lý triệt để trong thời gian ngắn”, ông Phong nói.

Mưa trên 120 mm, nhiều khu vực nội thành Hà Nội úng ngập cục bộ

Cũng cho rằng ngập úng là “vấn đề còn rất nan giải, lâu dài”, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh thành phố đang tích cực đưa ra các giải pháp.

Ông Chung thừa nhận, tình trạng cứ sau mỗi cơn mưa to là ngập lụt đã gây ra bức xúc cho người dân Thủ đô và du khách trong ngoài nước đến Hà Nội. Bên cạnh đó, ngập lụt cục bộ dẫn đến ùn tắc giao thông.

ong-nguyen-thanh-phong-neu-6-nguyen-nhan-gay-ngap-o-tp-hcm-1

Một khu đô thị phía Tây Hà Nội ngập nặng sau mưa. (Ảnh: Ngọc Thành)

Lãnh đạo Hà Nội cho hay, để chống ngập lụt tại các quận nội thành, từ 2002, thành phố đã xây dựng dự án thoát nước (giai đoạn một và hai) bằng nguồn vốn ODA Nhật Bản. 

“Tuy nhiên, hoàn thành cả hai giai đoạn này thì các quận nội thành cũ cũng như một phần quận Đống Đa, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Tây Hồ cũng chỉ chịu được lượng mưa 120 mm. Nếu mưa lớn hơn, vẫn xảy ra úng ngập cục bộ”, ông Chung nói.

Với khu vực phía Tây (quận Hà Đông, Cầu Giấy), Hà Nội đang xây dựng dự án cống Liên Mạc, triển khai nạo vét sông Tô Lịch, sông Nhuệ. Lãnh đạo Hà Nội cho rằng, sau khi hoàn thành các công việc trên tình trạng ngập úng phía Tây sẽ được khắc phục.

Video: Dân Thủ đô quay cuồng trong mưa lớn, hàng loạt xe máy phải dắt bộ

Ngoài ra, TP Hà Nội đang thực hiện kế hoạch đào bổ sung 25 hồ ở nội thành (giai đoạn 2016 – 2020), trong đó có những hồ rất lớn như hồ công viên CT1 tại Cầu Giấy rộng 19 ha.

Thành phố cũng tập trung xây dựng hệ thống thu gom xử lý nước thải. Dự án xử lý nước thải Yên Xá với công suất 270.000 m3 ngày đêm nếu hoàn thành sẽ giúp thu gom xử lý nước trong các cơn mưa, giảm áp lực, giải thoát nhanh dòng nước; giảm ngập úng cục bộ các quận nội thành.

(Nguồn: VnExpress )
Bình luận
vtcnews.vn