Chủ tịch tỉnh Bình Dương bị tố cáo: Hé lộ nguyên do

Thời sựThứ Năm, 24/10/2013 02:36:00 +07:00

Hé lộ những nguyên do mấu chốt dẫn đến vụ việc ông Huỳnh Uy Dũng, chủ đầu tư khu du lịch Đại Nam, KCN Sóng Thần 3 tố cáo chủ tịch tỉnh Bình Dương.

Hé lộ những nguyên do mấu chốt dẫn đến vụ việc ông Huỳnh Uy Dũng, chủ đầu tư khu du lịch Đại Nam, KCN Sóng Thần 3 tố cáo chủ tịch tỉnh Bình Dương về việc làm khó dễ doanh nghiệp.

Sáng 23/10, PV đã liên lạc với ông Lê Thanh Cung, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, nhân vật chính trong lá đơn của ông Huỳnh Uy Dũng gửi lên Thủ tướng, Tổng Thanh tra Chính phủ và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. 
Chủ tịch tỉnh Bình Dương cho biết, hiện Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương đang trong kỳ họp Quốc hội tại Hà Nội, có thể cũng sẽ làm việc với Thanh tra Chính phủ, nên hiện thời ông chưa thể tiếp, trả lời thông tin cho báo chí. 
Khi chúng tôi đặt vấn đề UBND tỉnh Bình Dương nên tổ chức họp báo, Chủ tịch tỉnh Bình Dương cũng cho rằng hiện Bí thư tỉnh đang ở Hà Nội, chưa có chỉ đạo nào khác nên cũng chưa họp báo ngay được.
KCN Sóng thần 3 và các khu dịch vụ - hành chính - nhà ở được quy hoạch khá đẹp. Ảnh: Trường Giang 
Tiếp xúc với ông Huỳnh Uy Dũng, chủ khu du lịch Đại Nam, chủ Công ty cổ phần Đại Nam, hiện đang đầu tư vào Khu công nghiệp Sóng Thần 3, người đã gửi đơn tố cáo Chủ tịch tỉnh Bình Dương lên Thủ tướng Chính phủ, ông Dũng khẳng định: 
"Là một chủ doanh nghiệp, đầu tư trên địa bàn, mà đi tố cáo, đối đầu với người lãnh đạo chính quyền là đối đầu với sóng gió, nhưng tôi không còn đường nào khác", lời ông Dũng.
Theo ông Dũng, công ty cổ phần Đại Nam đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâu dài cho khu ở có diện tích 61,49 ha trong diện tích khu công nghiệp Sóng Thần 3. Chủ đầu tư đã có hợp đồng góp vốn với 700 nhân viên, với số tiền 414,364 tỷ đồng.
Tháng 10/2009, sau khi đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra tình hình thực hiện dự án KCN Sóng Thần 3, ông Lê Thanh Cung (đang giữ chức vụ Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh) đã ký một văn bản, trong đó có nội dung: “Trong quá trình lập và chờ cấp thẩm quyền phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 của khu hành chính - đất ở, không cho phép chuyển nhượng khu đất ở 61,5ha dưới bất cứ hình thức nào”. 
Cùng trong văn bản nói trên, UBND tỉnh Bình Dương yêu cầu Công ty Đại Nam phải xây dựng quy hoạch 1/500 khu đất hành chính - đất ở trước tháng 12/2009.
Ông Dũng khẳng định, quy hoạch đã được công ty Đại Nam trình lên vào ngày 22/10/2009. Nhưng sau 4 năm sau vẫn chưa được phê duyệt.
Theo ông Dũng, căn cứ thông báo số 11 ngày 17/1/2008 về kết luận của Chủ tịch tỉnh Bình Dương (thời điểm đó ông Cung chưa đảm nhiệm vị trí Chủ tịch tỉnh) về việc giảm diện tích đất xây dựng KCN, tăng diện tích đất hành chính, dịch vụ để phù hợp với quá trình phát triển của tỉnh, ngày 15/7/2010, công ty Đại Nam đã có công văn xin điều chỉnh quy hoạch chi tiết 533,84 ha đất được giao thành 136,63 ha thực hiện khu dân cư đô thị Đại Nam và 397,22 ha thực hiện dự án khu công nghiệp Sóng Thần 3.
Việc điều chỉnh này được ông Dũng khẳng định "công ty không có nhu cầu, mà là nhu cầu của tỉnh Bình Dương và BQL các khu công nghiệp". Ông Dũng dẫn chứng trong biên bản ngày 25/8/2009 ông Dũng đã đề xuất không điều chỉnh quy hoạch được duyệt, không chuyển đổi tăng thêm diện tích đất ở. 
Tuy nhiên, sau khi điều chỉnh được Đại Nam trình lên, thì UBND tỉnh ra thông báo khẳng định "việc chấp thuận cho điều chỉnh các KCN trong khu liên hợp thuộc thẩm quyền của Bộ Xây dựng". 
Chủ khu du lịch Đại Nam đưa ra lý lẽ "không chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì DN sẽ không thể cho thuê đất trong KCN để trả lãi ngân hàng. Đây là con đường tất yếu dẫn DN đến chỗ phá sản".
Một góc KCN Sóng Thần 3. Ảnh: Trường Giang 
Tuy nhiên, ông Huỳnh Uy Dũng cho biết, điều ông tố cáo là hành vi của ông Chủ tịch tỉnh, là đã trôi qua nhiều năm mà không phê duyệt quy hoạch cho ông, khiến ông không thể triển khai các dự án, không sang nhượng mua bán được, nên ông bị mất mát thiệt thòi quá lớn. “
Từ ngày Công ty Đại Nam hoàn thành nghĩa vụ tài chính với tỉnh và nhận đất đến nay, KCN Sóng Thần 3 chỉ hoạt động được 20% công suất. Lý do: Khu hành chính – dịch vụ và nhà ở không thể thực hiện nên toàn KCN bị tê liệt. “Khu hành chính - dịch vụ - nhà ở trong KCN cũng giống như phòng ngủ, phòng làm việc… trong ngôi nhà. Nếu cấm những dịch vụ này thì nhà ở coi như không còn tác dụng”.
Ông Dũng cho biết, dự án KCN Sóng Thần 3 có quy mô cho 50.000 công nhân làm việc. Do đó, việc làm nhà ở cho công nhân là điều cấp thiết. HĐND, Đảng bộ địa phương từ các nhiệm kỳ qua cũng đã đặt vấn đề và khuyến khích việc DN làm nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân lao động, cho người nghèo. 
Sau cuộc làm việc với ông Huỳnh Uy Dũng, chiều ngày 23/10, PV Infonet liên lạc lại với ông Lê Thanh Cung – Chủ tịch tỉnh Bình Dương về những khúc mắc của ông Dũng. 
Ông Cung chia sẻ khá nhiều thông tin về sự việc, kể cả về quan điểm giải quyết việc này trong thời gian qua, lý do vì sao không phê duyệt... Tuy nhiên, ông Cung nói rằng, đây chỉ là những chia sẻ của cá nhân ông để nhà báo hiểu về vụ việc, chứ ông không phát ngôn chính thức cho báo chí kể cả tư cách lãnh đạo hay tư cách cá nhân. 
Ông Cung cho biết, sắp tới Tổng thanh tra Chính phủ sẽ lập một tổ cán bộ vào Bình Dương để làm việc với các bên. "Khi có kết luận của Thanh tra và có ý kiến chỉ đạo của Tỉnh ủy, chúng tôi sẽ cung cấp thông tin chính thức cho báo chí", Chủ tịch tỉnh Bình Dương cho biết.
 Ông Lê Thanh Cung – Chủ tịch tỉnh Bình Dương chia sẻ khá nhiều thông tin về sự việc, kể cả về quan điểm khi giải quyết việc này trong thời gian qua, lý do không phê duyệt... Tuy nhiên, ông Cung nói rằng, đây chỉ là những chia sẻ của cá nhân ông để nhà báo hiểu về vụ việc, chứ ông không phát ngôn chính thức cho báo chí kể cả tư cách lãnh đạo hay tư cách cá nhân. 

Theo Infonet

Bình luận
vtcnews.vn